Phối hợp đấu tranh, ngăn chặn tài trợ hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, khủng bố

Nội dung phối hợp tập trung vào 6 lĩnh vực chính: trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu; thông tin, tuyên truyền; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật; xác minh, làm rõ các dấu hiệu nghi ngờ; thực hiện trì hoãn giao dịch, phong tỏa tài khoản, tạm giữ tiền, tài sản; hợp tác quốc tế.

Phối hợp đấu tranh, ngăn chặn tài trợ hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, khủng bố

Ngày 4-7, dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành “Quy chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong đấu tranh, ngăn chặn hoạt động của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài tài trợ tiền, tài sản cho đối tượng trong nước hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, khủng bố” được Bộ Công an gửi Bộ Tư pháp thẩm định.

Theo đó, nội dung phối hợp tập trung vào 6 lĩnh vực chính: trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu; thông tin, tuyên truyền; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật; xác minh, làm rõ các dấu hiệu nghi ngờ; thực hiện trì hoãn giao dịch, phong tỏa tài khoản, tạm giữ tiền, tài sản; hợp tác quốc tế. Bộ Công an được giao chủ trì hầu hết các hoạt động chính, phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành liên quan khác như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ VH-TT-DL, cùng các cơ quan truyền thông.

Cụ thể, đối với nội dung "thực hiện trì hoãn giao dịch; phong tỏa tài khoản; tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ tiền, tài sản của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, khủng bố", Bộ Công an (Cục An ninh nội địa) và Bộ Quốc phòng (Cục Bảo vệ an ninh quân đội) là các đầu mối chịu trách nhiệm trao đổi, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ KH-CN và các bộ, cơ quan ngang bộ khác.

Các cơ quan đầu mối này có vai trò hướng dẫn các tổ chức tài chính, tổ chức/cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan, doanh nghiệp bưu chính và các tổ chức/cá nhân khác thực hiện các biện pháp trì hoãn giao dịch, phong tỏa tài khoản, tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ tiền, tài sản liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, khủng bố.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các tổ chức thuộc phạm vi quản lý của mình thực hiện các biện pháp nêu trên. Việc thực hiện các biện pháp này phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Luật An ninh quốc gia; Luật Phòng, chống khủng bố; Luật Phòng, chống rửa tiền. Trình tự, thủ tục cụ thể để thực hiện các biện pháp này sẽ được quy định theo pháp luật về an ninh quốc gia; phòng, chống khủng bố; phòng, chống rửa tiền.

Tin cùng chuyên mục