Ngày 3-3, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về tình hình tại Ukraine hiện nay, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh:
“Việt Nam chia sẻ quan điểm của ASEAN trong Tuyên bố của các Ngoại trưởng ASEAN về tình hình Ukraine ngày 26-2-2022 cũng như trong phát biểu của Trưởng Phái đoàn Việt Nam ở Liên hiệp quốc tại phiên họp khẩn cấp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hiệp quốc ngày 1-3-2022.
Lập trường nhất quán của Việt Nam là yêu cầu tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hiệp quốc, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hiệp quốc, đặc biệt là các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Việt Nam hết sức quan ngại về tình hình xung đột vũ trang tại Ukraine. Chúng tôi kêu gọi các bên kiềm chế, chấm dứt ngay các hành động sử dụng vũ lực, tránh gây thương vong và tổn thất cho dân thường.
Việt Nam hoan nghênh đối thoại đang diễn ra giữa 2 phái đoàn Ukraine và Nga; kêu gọi các bên giảm căng thẳng, sớm tìm ra giải pháp hòa bình lâu dài cho các bất đồng trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế và tính đến quyền và lợi ích chính đáng của các bên liên quan; bảo đảm an ninh, an toàn và nhu cầu thiết yếu dành cho người dân, bảo vệ các cơ sở hạ tầng thiết yếu theo luật nhân đạo quốc tế.
Việt Nam ủng hộ và đề nghị cộng đồng quốc tế, các nước trong và ngoài khu vực tiếp tục tạo điều kiện để các bên đối thoại, thúc đẩy viện trợ, cứu trợ nhân đạo cho người dân; đề nghị các bên liên quan đảm bảo an ninh, an toàn, tạo điều kiện sơ tán khi cần thiết cho các cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống tại Ukraine, trong đó có cộng đồng người Việt Nam”.
“Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam dành ưu tiên cao nhất cho công tác bảo hộ công dân, bảo vệ an toàn tối đa tính mạng, tài sản, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân và pháp nhân Việt Nam, trụ sở và thành viên cơ quan đại diện ta tại Ukraine.
Thực hiện Công điện 201 ngày 26-2 của Chính phủ về việc “bảo hộ dân và pháp nhân Việt Nam và một số vấn đề cần lưu ý trước tình hình tại Ukraine”, trong những ngày vừa qua, các bộ, ngành và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Ukraine và các nước lân cận Ba Lan, Nga, Rumani, Hungary, Slovakia phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai các phương án bảo hộ công dân, đảm bảo an ninh, an toàn và các điều kiện cần thiết để sơ tán công dân Việt Nam khỏi vùng chiến sự, đến các nước lân cận và về nước nếu có nguyện vọng: Các cơ quan đại diện Việt Nam trực đường dây nóng bảo hộ công dân 24/7, cập nhật tình hình người Việt từ Ukraine sang, hướng dẫn di chuyển an toàn, phối hợp với các hội đoàn cộng đồng đón và hỗ trợ người sơ tán sinh hoạt, đi lại…
Bộ Ngoại giao đã đề nghị nhà chức trách của các bên liên quan tạo hành lang an toàn, tạo thuận lợi cho việc nhập cảnh, quá cảnh và lưu trú tạm thời, cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết cho người Việt Nam; đề nghị các cơ quan thuộc Liên hiệp quốc và các nước tại địa bàn trong việc phối hợp đảm bảo các điều kiện thiết yếu, an ninh, an toàn và sơ tán kiều dân.
Tính đến trưa ngày 3-3 (giờ Việt Nam), hầu hết bà con ở Kiev và ở Odessa, hàng trăm người ở Kharkov đã được sơ tán khỏi vùng chiến sự và được bố trí sang các nước lân cận; hơn 400 người đã tới Moldova và chuẩn bị di chuyển sang Rumani, 600 người đã từ Ukraine sang Ba Lan, 70 người đã sang Romania, hơn 30 người đã tới Slovakia, khoảng 50 người đã tới Hungary. Đại sứ và cán bộ Đại sứ quán tại Ba Lan, Rumani đã trực tiếp thăm hỏi và hỗ trợ bà con.
Các cơ quan đại diện Việt Nam cũng đã và đang tích cực hỗ trợ các thủ tục và giấy tờ cần thiết cho bà con nhập cảnh, quá cảnh và phối hợp với nhà chức trách địa phương, các hội đoàn người Việt ở sở tại đón và thu xếp chỗ ăn ở tạm thời, cung cấp vật dụng thiết yếu cho bà con.
Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện đang tiếp nhận yêu cầu về Việt Nam của bà con để phối hợp các bộ, ngành liên quan và các hãng hàng không sớm tổ chức các chuyến bay theo chỉ đạo của Chính phủ trên tinh thần nhân đạo, khẩn trương, an toàn. Các thông tin về chuyến bay sẽ được thông báo kịp thời, công khai, minh bạch để thuận lợi nhất cho bà con”.
* Trả lời câu hỏi về tiến độ khôi phục chính sách thị thực (visa) đã áp dụng cho khách nhập cảnh Việt Nam như trước khi có dịch Covid-19, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết:
“Nhằm góp phần khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, cũng như tăng cường hội nhập quốc tế trong trạng thái bình thường mới, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương giữa Việt Nam với các quốc gia và vùng lãnh thổ, Bộ Ngoại giao đã báo cáo Thủ tướng để xem xét, quyết định phương án cụ thể về việc cấp và miễn thị thực. Bộ Ngoại giao cũng đề xuất phục hồi chính sách miễn thị thực song phương theo những điều ước quốc tế với các nước hoặc theo nguyên tắc có đi có lại, bãi bỏ yêu cầu về duyệt nhân sự và phương án cách ly tại địa phương. Phục hồi chính sách miễn thị thực đơn phương với 13 nước theo quy định tại điều 13, Luật Xuất nhập cảnh và theo các nghị quyết của chính phủ. Khi được thông qua, Bộ Ngoại giao sẽ thông báo rộng rãi để người dân, doanh nghiệp cũng như người nước ngoài được biết và thực hiện một cách thuận lợi”.