Phối hợp chặt chẽ khi thi hành án vụ Vạn Thịnh Phát

Chiều 11-12 tại TPHCM, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã có buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp về việc nâng cao hiệu quả phối hợp công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác tư pháp và thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố. Buổi làm việc do Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh và Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đồng chủ trì.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG

Dự hội nghị, về phía Bộ Tư pháp có các đồng chí: Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; Nguyễn Quang Thái, Tổng cục trưởng Tổng Cục thi hành án dân sự.

Về phía TPHCM có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM...

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Dương Ngọc Hải cho biết, năm 2024, 3 cấp tư pháp của thành phố triển khai thực hiện đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm, tham mưu có hiệu quả cho các cấp chính quyền trong chỉ đạo, triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng công tác cải cách thể chế.

z6120188507900_4a51e3ecea8169d4d8f3e57789c3571a.jpg
Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM Nguyễn Thị Hồng Hạnh nêu các đề xuất tại buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trong năm 2024, tổng số vụ mà các cơ quan thi hành án trên địa bàn TPHCM phải thi hành là hơn 113.000 vụ, đã thi hành xong hơn 58.000 việc. Tổng giá trị tiền và tài sản phải thi hành hơn 56.000 tỷ đồng, đến nay đã thi hành xong 34.000 tỷ đồng. Về công tác hành chính tư pháp, đã hoàn thành số hóa 4 loại sổ hộ tịch với tổng số 12,8 triệu hồ sơ được số hóa và đưa vào khai thác, sử dụng; TPHCM đã cấp hơn 141.000 phiếu lý lịch tư pháp, trung bình tiếp nhận 650 hồ sơ/ngày; thực hiện cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VneID từ ngày 4-11-2024...

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi báo cáo tình hình chuẩn bị và dự báo những thách thức trong công tác thi hành án trong vụ án Vạn Thịnh Phát và cho biết, đây là vụ thi hành án lớn nhất trong lịch sử thi hành án.

Tổng số tiền và tài sản cơ quan thi hành án TPHCM phải tổ chức thi hành trong vụ án này là hơn 50.000 tỷ đồng, bằng 1/3 khối lượng thi hành án cả nước trong năm 2024. Khối lượng công việc và giá trị tài sản phải thi hành trong thời gian tới là khổng lồ, là thách thức rất lớn.

Bộ Tư pháp đã có thống nhất các cơ quan liên ngành Trung ương, báo cáo xin ý kiến Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để chuẩn bị điều kiện tổ chức và các giải pháp tháo gỡ vướng mắc pháp lý. Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp báo cáo, xin chủ trương và được Ban Chỉ đạo Trung ương, Thủ tướng đồng ý thành lập Ban chỉ đạo liên ngành để tổ chức thi hành án trong vụ án Vạn Thịnh Phát.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, khối lượng bất động sản phải xử lý đặc biệt lớn, nằm ở nhiều quận, huyện như: quận 1 có 144 tài sản, quận 3 có 291 tài sản, huyện Nhà Bè là 518 tài sản. Chủng loại bất động sản gồm nhiều chung cư, tòa nhà văn phòng, đất nông nghiệp, nhà ở riêng lẻ. Tính chất pháp lý của các tài sản phức tạp, nhiều tài sản không đứng tên bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi đề nghị Thành ủy, UBND TPHCM đặc biệt quan tâm chỉ đạo kịp thời đối với việc tổ chức thi hành án. Kịp thời xử lý, chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền của thành phố, nhất là các vướng mắc về pháp lý tài sản.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh ghi nhận, đánh giá cao những kết quả tích cực trong lĩnh vực tư pháp và thi hành án dân sự tại TPHCM.

z6120188533529_bd206dacf00e6fefb26114bb6b10bb57.jpg
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị TPHCM tiếp tục quan tâm hơn nữa trong việc tăng cường chỉ đạo công tác tư pháp và thi hành án dân sự. Trong đó, cần quan tâm nguồn lực, xây dựng các cơ chế đặc thù, cơ chế chính sách mang tính đột phá để triển khai những chủ trương mới. Đồng thời, tiếp tục quan tâm thiết lập cơ chế liên ngành và tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn; quan tâm, tạo điều kiện cho đội ngũ luật sư, công chứng viên hành nghề đúng pháp luật....

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn cho ngành tư pháp thành phố về đào tạo nhân lực, công tác giải quyết tranh chấp quốc tế và giải quyết các vụ việc tồn đọng. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Tư pháp, Tổng cục thi hành án dân sự tiếp tục quan tâm, hỗ trợ công tác thi hành án trên địa bàn thành phố. Riêng vụ Vạn Thịnh Phát với khối lượng công việc cực kỳ lớn, đồng chí Phan Văn Mãi đề xuất Bộ Tư pháp tiếp tục hỗ trợ, cùng với thành phố tập trung xử lý.

Đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, trong năm 2025, TPHCM sẽ tổng kết Nghị quyết 131 về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM, sau tổng kết có thể sẽ có nghị quyết mới hoặc hình thức văn bản pháp lý khác. TPHCM sẽ nghiên cứu, tiếp cận Luật đô thị đặc biệt TPHCM, mong Bộ Tư pháp gợi ý cho thành phố có cách tiếp cận phù hợp, gắn với các đặc thù và yêu cầu phát triển của TPHCM.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên thay mặt lãnh đạo thành phố, trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ, giúp đỡ, phối hợp của Bộ Tư pháp suốt thời gian qua trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ có liên quan, nhất là Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM và xây dựng TPHCM thành trung tâm tài chính quốc tế.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cũng hoan nghênh Bộ Tư pháp đã chọn TPHCM là điểm quan tâm đầu tiên để thực hiện chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và UBND TPHCM. Đồng chí tin tưởng rằng, từ chương trình hợp tác này, với trách nhiệm của các bên, sẽ cùng nhau phối hợp và hoàn thành tốt hơn các nhiệm vụ trong thời gian tới.

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Nên thống nhất với 7 nhóm nội dung dự thảo ký kết chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Tư pháp và UBND TPHCM theo phương châm linh hoạt, không cứng nhắc. Theo đồng chí, trong thời gian thực hiện nhiệm vụ sẽ tiếp tục có bổ sung, thay đổi trên tinh thần tìm ra phương thức tốt nhất để giải quyết những vấn đề có lợi cho đất nước, nhân dân.

z6120340156389_a926ce28095765c3fa6e04d589b16af3.jpg
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bí thư Thành ủy TPHCM cũng bày tỏ thống nhất cao với các phát biểu, kiến nghị của Bộ trưởng và các Thứ trưởng Bộ Tư pháp. TPHCM sẽ tiếp thu để hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là vấn đề thi hành án dân sự. Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, tình huống đặt ra cho TPHCM một vụ việc (vụ án Vạn Thịnh Phát - PV) chưa từng có trong tiền lệ với quy mô, tính chất cần một cơ chế đặc thù để giải quyết. Đồng chí thống nhất cao với đề xuất thành lập Ban chỉ đạo liên ngành để tổ chức thi hành án, qua đó huy động lực lượng, nguồn lực tương xứng với tính chất, mức độ vụ án. Đồng thời, đề nghị nên áp dụng công nghệ thông tin, có tổ chuyên tiếp nhận, xử lý, thông báo, phản hồi… thông tin, tránh phiền hà đến những người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

z6120340149967_110361884d9fad19a0f57ed133fd0c23.jpg
z6120340143879_632987ce9807c62b7e78281bf86b3660.jpg
TPHCM và Bộ Tư pháp ký kết chương trình phối hợp trong công tác tư pháp và thi hành án dân sự. Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo Bí thư Thành ủy TPHCM, đất nước chuẩn bị đón năm 2025 với nhiều niềm tin và hy vọng trước cánh cửa kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đồng chí Nguyễn Văn Nên chúc lãnh đạo Bộ Tư pháp và lãnh đạo TPHCM có đầy đủ niềm tin, tâm thế để chuẩn bị hành trang bước vào giai đoạn mới. Trong đó, nhấn mạnh Nghị quyết 18 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả - là xu hướng và là cuộc cách mạng được Đảng chọn, Chính phủ, Quốc hội, nhân dân đồng tình ủng hộ. “Trên tinh thần làm gì có lợi cho nhân dân, cho đất nước, chúng ta thiệt thòi chút không sao”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục