Khu “Tây ba lô” phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TPHCM còn là một chợ tranh chép sầm uất. Khách hàng không phải ai khác chính là những vị “khách ba lô”.
Nhà nhà mở phòng tranh
Phường Phạm Ngũ Lão trước đây chủ yếu gồm các khách sạn và hàng ăn, quán cà phê dành cho Tây ba lô, những người khách du lịch nghèo và những du khách thích phiêu lưu kiểu “bụi đời”.
Khi những người dân nơi đây phát hiện Tây ba lô rất thích chơi tranh chép, rất nhiều cửa hàng tranh chép đã mọc lên.
Đi dọc phố Bùi Viện, cứ dăm bảy khách sạn lại xen vào một cửa hàng tranh chép với rất nhiều thợ đang đánh trần quần quật vẽ. Một chủ cửa hiệu nói: “Riêng phố chúng tôi đã có vài chục cửa hàng tranh rồi, chưa kể các phố khác!”.
Chị Nguyễn Thị Bích Vân vốn là sinh viên ngoại ngữ, thấy nghề buôn bán tranh chép phát đạt nên đã mở ba phòng tranh trên phố Bùi Viện. Chị nói: “Khách của chúng tôi hầu hết là khách Tây. Một số ít là Việt kiều. Riêng cửa hàng của chúng tôi, hầu như tuần nào cũng “đẩy” dăm bảy bức”. Chị vừa nói xong thì một số khách Tây đã đến hỏi giá tranh.
Một ông khách làm tôi ngạc nhiên khi thốt lên một câu tiếng Việt rất chuẩn: “Quá tuyệt!”. Ông không tiếc lời khen những bức tranh chép ở phố Bùi Viện. Chị Vân cho biết: “Vị khách đặt chúng tôi gần chục bức, hôm nay ổng đến kiểm tra hàng đấy”.
Thuật, một tay thợ vẽ người Nha Trang làm nghề chép tranh tại Phạm Ngũ Lão hơn một năm cho biết: “Hầu như ngày nào em cũng làm việc từ 9g sáng đến 5g chiều. Nhiều hôm khách đợi, phải chép đến 9g tối”.
Thế giới nghệ thuật của Tây ba lô
Từ góc nhìn phố Phạm Ngũ Lão có thể thấy, với những người khách Tây ba lô, dù họ mang hộ chiếu một người Áo đi chăng nữa điều đó không có nghĩa họ đã sở hữu một bức tranh của Klimt, dù đó chỉ là tranh chép. Và “phố Tây” Phạm Ngũ Lão đã cho họ một cơ hội! Tuy nhiên, có một điều mà cả người bán lẫn người mua đều... vờ như quên, đó là tác quyền. |
Cách chép tranh ở phường Phạm Ngũ Lão khá là “máy móc”, thợ cứ bò ra mà vẽ theo mẫu có sẵn hoặc của khách đem đến với nguyên tắc “chỉ chép những cái thượng đế cần”.
Chị Phạm Nguyễn Thanh Tài, sinh viên quản trị doanh nghiệp của Đại học Kinh tế hiện đang giữ một chân bán hàng tranh chép nói: “Những phong cảnh làng quê Việt Nam, như con trâu, đống rơm, thuyền và bến, các danh thắng như Hạ Long, Huế, Mũi Né, chân dung những người già ở Tây Nguyên, ở đồng bằng sông Cửu Long luôn nằm trong tốp “hot” nhất”.
Mảng tranh thứ hai, có vẻ như “quá khó” đối với các thợ chép tranh vốn được đào tạo từ các lò chép nhưng cũng rất bắt mắt khách, đó là mảng tranh nổi tiếng của hội họa thế giới, như tranh Vincent Willem van Gogh (1853 – 1890), tranh Pablo Ruiz Picasso (1881 – 1973).
Ngoài ra, trong các cửa hàng còn tràn ngập hình vẽ phóng to băng đĩa nhạc với những ca sĩ nổi tiếng, áp phích phim cùng những diễn viên gạo cội, các nhân vật trong phim hành động, phim kinh dị, phim hoạt hình và truyện tranh. Đáng ngạc nhiên là ngôi sao điện ảnh Marilyn Monroe (1926-1962) vẫn được khá nhiều người ngưỡng mộ… dù là tranh chép.
Quốc, thợ vẽ đến từ Bình Dương đồng thời là một tay ca sĩ nghiệp dư tối tối vẫn hát ở các phòng trà, nói: “Khách mua tranh chép nhưng cũng rất kén, chúng em phải vẽ rất cẩn thận. Có những bức phải vẽ vài ngày mới xong”. Theo Quốc, thì khách mua tranh chép thường đến từ Úc, châu Âu, Mỹ. “Khách châu Á thường chỉ xem, ít khi mua”, Quốc cho biết.
Cho nghệ thuật vào ba lô
Với tranh sơn dầu vì cuộn được cho vào ống, khách đeo sau ba lô là xong. Bởi thế, không có gì lạ khi những bức tranh phong cảnh chép khổ 60cm x 80cm với giá vỏn vẹn 25-30 USD bán chạy như tôm tươi.
Những bức tranh chân dung các thiếu nữ Hồi giáo đeo mạng, tranh các ca sĩ và nhân vật phim kinh dị thường được vẽ nhỏ hơn. Chúng cũng là món “khoái nhìn” của khách hàng.
Nguyễn Minh Tân, nhân viên bán tranh sơn mài ở phố Đề Thám, cho biết: Tranh sơn mài không gấp được như tranh sơn dầu nên kích cỡ ba lô (của người châu Âu) được xem là một trong những thước đo đáng lưu tâm. Những bức tranh sơn mài lớn, như bức cây tùng khổ 1,2m x 0,8m phải chia làm bốn tấm để dễ cho vào ba lô, cặp. Tranh sơn mài khổ 40cm x 60cm với giá trung bình 50 - 55 USD một bức là bán chạy nhất.
Không chỉ những người chủ cửa hàng mà các thợ vẽ cũng rất phấn khởi vì công việc làm ăn đang phát đạt. Một thợ vẽ chăm chỉ có thể kiếm được 3 triệu mỗi tháng. Cửa hàng mọc lên năm sau nhiều hơn năm trước.
Không chỉ bán trực tiếp, các cửa hàng còn bán dưới hình thức gửi đến địa chỉ của khách hàng và bán qua các đầu mối đang được hình thành. Tâm nói: “Có lần bọn em cho xuất ngoại 150 bức sơn mài một lúc”.
Nguyễn Anh