Sáng 23-11, tại TP Đà Nẵng đã diễn ra lễ khai mạc Diễn đàn logistics Việt Nam 2019 với chủ đề “Logistics nâng cao giá trị nông sản” do Bộ Công thương phối hợp cùng UBND TP Đà Nẵng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức.
Đặt mục tiêu kỳ vọng “khơi thông dòng chảy logistics”, diễn đàn lần này tiếp tục đề cập và bàn thảo những vấn đề chiến lược và thực tiễn của ngành logistics Việt Nam trong mối tương quan với bối cảnh kinh tế trong nước, quốc tế và trước xu thế phát triển của công nghệ số.
Diễn đàn năm 2019 tập trung phân tích và đề xuất giải pháp phát triển logistics giải pháp có tính đột phá và thực tiễn nhằm thúc đẩy logistics nâng cao giá trị nông sản của Việt Nam.
Đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế chung của cả nước nhưng dịch vụ logistics ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn còn phát triển chưa tương xứng. Phải kể đến những yếu tố như hệ thống kho bãi, sơ chế nông sản còn thiếu nên chủ yếu là hàng xuất thô; doanh nghiệp trong ngành logistics còn hạn chế về kinh nghiệm, đặc tính về nông sản để xuất khẩu…
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng nhấn mạnh, ngoài chủ trương chính sách của Nhà nước thì các doanh nghiệp cần đầu tư hơn nữa để cùng bà con nông dân tạo hệ sinh thái từ khâu tổ chức sản xuất, chế biến, vận chuyển, thương mại và trong đó điểm cần ưu tiên là logistics ngày càng đầy đủ, khép kín nhằm tăng cao chuỗi giá trị của nông sản.
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhìn nhận, thời gian qua trong triển khai thực tiễn các cơ quan quản lý cấp Sở, ngành, địa phường và các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn bất cập. Công tác phối hợp nghiên cứu, xây dựng quy hoạch của các Bộ, ngành và địa phương còn chưa phát huy hết hiệu quả, một số địa phương chưa được đầu tư tương xứng nên dịch vụ logistics nhìn chung chưa phát triển được. Cùng với đó, chi phí dịch vụ logistics còn cao, khả năng ứng dụng công nghệ cũng như trình độ nguồn nhân lực còn hạn chế…
Qua đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, để phát triển ngành logistics Việt Nam phát triển bền vững ngoài việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng cho hoạt động logistics còn cần giải quyết các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu cơ bản và dự báo chiến lược, vừa mang tính tổng thể vừa có chiều sâu, nhất là những diễn biến kinh tế - chính trị mới gần đây và làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0; chỉ ra những nguyên nhân, dự báo chiều hướng phát triển, phân tích tác động tới khu vực cũng như nước ta, từ đó đề xuất với Chính phủ những chủ trương, quyết sách thích hợp, nhằm tận dụng những cơ hội, ứng phó với những khó khăn, thách thức mới.