Ngày 9-12, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dẫn đầu đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, Bảo hiểm xã hội (BHXH) và ưu đãi người có công làm việc với UBND TPHCM.
Buổi làm việc nhằm nghiên cứu, khảo sát phục vụ xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM tiếp đoàn.
UBND TPHCM đánh giá, trong nhiều năm qua, Nhà nước luôn cố gắng cải cách chính sách tiền lương nhằm đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, ngoài những thành công, vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập như mức lương tối thiểu còn thấp chưa đảm bảo cuộc sống.
Về tình hình thực hiện chính sách tiền lương tại TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến nhận xét, chế độ nâng ngạch, bậc, xếp lương hiện nay còn nhiều bất cập, không gắn với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công việc, yêu cầu của chức vụ. Thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức tăng lên theo các chu kỳ nhất định chủ yếu dựa vào thâm niên công tác nên chưa có động lực thúc đẩy cán bộ, công chức, viên chức phấn đấu đạt hiệu quả cao trong công việc.
Lương bình quân của cán bộ, công chức, viên chức chưa phù hợp với giá trị sức lao động, thấp hơn khá nhiều so với thu nhập bình quân của người lao động làm việc trong khu vực sản xuất kinh doanh.
Lao động công chức, viên chức làm công việc đặc biệt là lao động trí tuệ, trách nhiệm cao; song, đến nay đội ngũ lao động đặc thù này vẫn phải hưởng đồng lương thấp nhất so với thu nhập của mặt bằng xã hội. Mức lương cơ sở của công chức từ tháng 7-2017 được nâng lên là 1,3 triệu đồng/tháng, song vẫn là mức quá thấp, không đủ cho chi phí trong cuộc sống.
Trong khi đó, chính sách tiền lương cho khu vực hành chính chưa có hướng mở, phân cấp, tạo điều kiện cho các địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, GDP bình quân đầu người cao, có điều kiện hình thành cơ chế bổ sung tiền lương để nâng cao thu nhập cho đội ngũ công chức.
Trong khu vực doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp có quy định về nâng bậc lương (trong thỏa ước lao động tập thể, quy chế trả lương), song thực tế không áp dụng.
Cụ thể, khi Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp chỉ điều chỉnh tăng thêm tiền lương cho người lao động để đảm bảo phù hợp với mức lương tối thiểu vùng mà không nâng bậc lương cho người lao động theo thỏa thuận.
Hệ quả, người lao động làm việc lâu năm cũng như người mới tuyển dụng, vẫn xếp vào bậc 1 của thang, bảng lương (mặc dù thang, bảng lương đã được xây dựng nhiều bậc cách nhau trên 5%).
UBND TPHCM đề xuất, cần điều chỉnh chế độ hưởng lương của cán bộ, công chức, viên chức để thu hút nhân tài vào môi trường nhà nước, nâng cao trách nhiệm trong công việc của cán bộ, công chức, viên chức. Tiền lương tối thiểu của cán bộ, công chức, viên chức ít nhất phải bằng tiền lương thấp nhất của người lao động đã qua đào tạo làm việc trong khu vực doanh nghiệp.
Việc chi trả lương thông qua thang, bảng, bậc lương phải gắn với trình độ, thâm niên, chất lượng hiệu quả công việc… nhằm khuyến khích người trẻ cố gắng phấn đấu mà không bị ràng buộc bởi thâm niên công tác, tạo động lực để có chuyên gia giỏi.
Trong bối cảnh nhiều người lao động, người sử dụng lao động chỉ có nhu cầu làm việc, thuê làm việc một số tiếng trong ngày, TP cũng đồng ý với gợi ý của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ là nên có thêm quy định về mức lương tối thiểu theo giờ.
Ở lĩnh vực BHXH, việc tăng thời gian đóng BHXH để hưởng mức lương hưu tối đa 75%, với lao động nam có lộ trình 2018-2022 (tương ứng từ 30 lên 35 năm), mỗi năm tăng 1 năm. Nhưng với lao động nữ thì không có lộ trình mà tăng ngay lập tức từ 25 năm lên 30 năm.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến kiến nghị, cần quy định lộ trình tăng thời gian đóng BHXH đối với cả nam và nữ để đảm bảo tình hình bình đẳng, công bằng cho tất cả người lao động.
Thay mặt đoàn công tác, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cảm ơn TPHCM và ghi nhận các phân tích chỉ rõ tính bất hợp lý về chính sách tiền lương, BHXH hiện nay. Phó Thủ tướng cho biết, xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công là việc làm rất khó, cần làm kỹ lưỡng vì động chạm đến quyền, lợi ích của rất nhiều người. Đây là các Đề án quan trọng sẽ được Trung ương tập trung thảo luận, thông qua vào năm 2018, triển khai thực hiện trong thực tiễn từ sau năm 2021.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, bất hợp lý đầu tiên trong chính sách tiền lương là lương không đủ sống. Chính sách tiền lương hiện nay chưa tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức vì tính bình quân và cào bằng; chưa thể hiện được vai trò của người đứng đầu đơn vị cũng như chưa tạo điều kiện cho các địa phương phát triển có điều kiện hình thành cơ chế bổ sung tiền lương để nâng cao thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Thậm chí, bất cập, sự méo mó của hệ thống thang, bảng lương đã làm đảo lộn nhiều giá trị trong xã hội.
Cụ thể, nhiều khi lương của cấp trên lại thấp hơn lương cấp dưới; lương của người có trình độ cao lại thấp hơn người có trình độ thấp; lương của công chức lại thấp hơn lương của người lao động cùng trình độ ở khu vực sản xuất; khoản chính thì biến thành khoản phụ, phụ thành chính, phụ cấp có khi cao hơn lương…
Nhìn trực diện vào các bất cập đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, sẽ xây dựng hệ thống lương năng động hơn so với hiện nay. Việc thiết kế chính sách tiền lương phải bảo đảm thu hẹp chênh lệch giữa khối hành chính và doanh nghiệp, thực sự là động lực cho hoạt động công vụ và sản xuất kinh doanh; trả lương theo vị trí việc làm, chức vụ chứ không cào bằng, bình quân như hiện nay.
Trong lĩnh vực BHXH, việc quan trọng nhất là mở rộng độ bao phủ của BHXH tới người lao động; thiết kế hệ thống BHXH đa tầng; thiết kế mức đóng, hưởng, xác định tuổi nghỉ hưu sao cho đảm bảo nguyên tắc đóng – hưởng, chia sẻ giữa những người tham gia và đảm bảo an toàn quỹ BHXH.