1. Về phát triển khoa học và công nghệ
Giai đoạn từ 2016 – 2018, Chính phủ đã ban hành 16 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 27 Quyết định và 01 Chỉ thị để hướng dẫn và triển khai hoạt động khoa học công nghệ; đồng thời chỉ đạo các Bộ, ngành rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, từng bước khắc phục được các mâu thuẫn, chồng chéo, tạo điều kiện bình đẳng, rộng mở cho mọi thành phần phát huy sáng tạo, tham gia đầu tư nghiên cứu, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ. Hiện nay cả nước đã có 08 công viên phần mềm, 13 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 50 vườn ươm công nghệ và doanh nghiệp khoa học công nghệ; 63 trung tâm ứng dụng và phát triển công nghệ trên khắp cả nước.
Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ, gắn với tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Có cơ chế và hình thức phù hợp kết nối nhà khoa học với doanh nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực KHCN, khuyến khích doanh nghiệp triển khai các dự án đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
2. Về việc thực hiện các dự án giao thông theo hình thức BOT
Tháng 6-2018, Chính phủ đã có Nghị quyết số 83/NQ-CP giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết 437 của UBTVQH và đã đạt được một số chuyển biến tích cực. Không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo, hiện hữu theo hợp đồng BOT. Rà soát toàn bộ hệ thống trạm thu phí BOT giao thông, tập trung xử lý những tồn tại, bất cập, vướng mắc trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước và nhà đầu tư. Chính phủ đã có báo cáo tổng kết việc triển khai các mô hình đầu tư theo hình thức PPP, trong đó có hình thức hợp đồng BOT, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về Dự án Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư tại kỳ họp thứ 8.
Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải triển khai, lập quy hoạch ngành quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch; xây dựng các Đề án tăng cường kết nối giao thông trong một số khu vực trọng điểm, lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu thông qua hình thức đấu thầu công khai, minh bạch. Tiếp tục thực hiện thu phí không dừng, hoàn thành vào cuối năm 2019. Chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các dự án giao thông nhằm bảo đảm minh bạch, hiệu quả, phòng chống tham nhũng trong quản lý các dự án.
3. Về phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng an ninh
Thực hiện Nghị quyết số 459/NQ-UBTVQH14, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành chủ động, tích cực triển khai; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế- xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, chú trọng khu vực biên giới, hải đảo; kết hợp hài hòa lợi ích với các nhóm ngành kinh tế khác. Trong năm 2018, Chính phủ đã tổ chức tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, đã trình Hội nghị Trung ương 8 Khóa XII ban hành Nghị quyết (36-NQ/TƯ) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Lĩnh vực khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản đã có bước tăng trưởng mạnh, quy mô nuôi trồng hải sản tăng nhanh, cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng. Chính phủ đã ban hành 06 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 02 đề án và đang chỉ đạo xây dựng Chiến lược phát triển nuôi biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; chỉ đạo quyết liệt để khắc phục tình trạng đánh bắt hải sản trái phép, không khai báo, không đăng ký. Tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả Đề án phát triển nghề khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển một số nước.
4. Về quản lý, sử dụng vốn vay ODA
Tháng 6-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg về tăng cường quản lý nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài trong tình hình mới; gắn với việc cơ cấu lại đầu tư công và định hướng huy động, sử dụng nguồn vốn này trong từng thời kỳ, bảo đảm đồng bộ với kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch vay trả nợ công 5 năm. Ưu tiên cho vay lại đối với các dự án có khả năng thu hồi vốn, tập trung cho các dự án trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững, có khả năng tạo nguồn thu ngoại tệ; kiên quyết không sử dụng vốn vay cho chi thường xuyên.
Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì nghiên cứu xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 16/2016/NĐ-CP và Nghị định số 132/2018/NĐ-CP để phù hợp với Luật đầu tư công sửa đổi đã được Quốc hội thông qua. Chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ, địa phương tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh việc giao vốn, giải ngân, không để chậm trễ như hiện nay.
5. Về thực hiện chính sách đối với người có công, an sinh xã hội
Chính phủ đã tập trung chỉ đạo hoàn thành căn bản việc giải quyết hồ sơ tồn đọng xác nhận thương binh, liệt sĩ, ưu tiên giải quyết cho người cao tuổi, sức khỏe yếu. Tổng số hồ sơ còn tồn đọng là 725 hồ sơ (323 liệt sĩ, 402 thương binh) hiện đang được Bộ LĐTBXH phối hợp với các Bộ, cơ quan phấn đấu giải quyết xong trong năm 2019.
Chính phủ đã ưu tiên bố trí đủ 100% kinh phí hỗ trợ nhà cho người có công hai giai đoạn là 10.653 tỷ đồng (giai đoạn 1 từ 2013-2016: 2.516,7 tỷ đồng; giai đoạn 2 từ 2017-2018: 8.136,723 tỷ đồng) cho các địa phương để thực hiện chương trình hỗ trợ nhà ở cho ngưởi có công với cách mạng. Tổng số hộ đã và đang được thực hiện hỗ trợ nhà ở trên cả nước là 315.000 hộ, đạt 85% kế hoạch. Các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, thể hiện trách nhiệm, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân đối với những người có công với đất nước.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, bộ đội, công an xuất ngũ và đồng bào dân tộc thiểu số, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và giải quyết việc làm; tích cực khắc phục tình trạng người được đào tạo nghề không tìm được việc làm phù hợp ngành nghề đào tạo. Tiếp tục chỉ đạo, đổi mới có hiệu quả công tác cai nghiện, đẩy mạnh chuyển đổi các cơ sở cai nghiện, nâng cao chất lượng dịch vụ cai nghiện.
6. Về công tác quản lý nhà nước về báo chí và thông tin
Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các Nghị định số 72, 174, 159 năm 2013 về xử lý vi phạm hành chính trên các lĩnh vực thông tin, truyền thông, bảo đảm phù hợp với tinh thần Hiến pháp và các luật Quốc hội mới ban hành.
Đã chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý nghiêm các cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân. Từ năm 2018 đến nay, đã xử phạt hành chính 30 trường hợp với tổng số tiền hơn 700 triệu đồng; tước giấy phép có thời hạn một số cơ quan báo chí; thu hồi 8 thẻ nhà báo do có sai phạm. Yêu cầu Facebook, Google, Youtube hợp tác ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin sai sự thật, trái với quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo điều hành của Chính phủ; đồng thời tích cực triển khai các giải pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn những thông tin xấu, độc hại trên các trang mạng trong nước.
7. Về quản lý xây dựng - đô thị
Sau 2 năm thực hiện Kết luận 1103 của UBTVQH, công tác hoàn thiện cơ chế, chính sách về quy hoạch xây dựng đã từng bước được hoàn thành; hệ thống quy chuẩn về quy hoạch xây dựng đang được rà soát, hoàn thiện và dự kiến sẽ ban hành trong năm 2019.
Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng danh mục, tiêu chí, lộ trình di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, trường đại học… ra khỏi khu vực nội thành. Từ năm 2016 đến hết năm 2018, Bộ Xây dựng đã tổ chức 285 đoàn thanh tra, kiến nghị xử lý hành chính đối với 128 tập thể và 230 cá nhân để xảy ra vi phạm trọng lĩnh vực quản lý, xây dựng đô thị; kiến nghị xử lý về kinh tế hơn 7.277 tỷ đồng.
Trong năm 2019, đã ban hành 3 quy chuẩn về quy hoạch xây dựng, nhà chung cư, an toàn cháy nổ cho nhà và công trình. Đến năm 2021, hoàn thành một số danh mục tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng cốt lõi hệ thống định mức và đơn giá xây dựng. Đẩy mạnh cải cách, công khai, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; tăng cường phân cấp trong quản lý xây dựng và đầu tư xây dựng công trình, công khai thông tin quy hoạch xây dựng.
8. Về lĩnh vực tư pháp
Xác định tầm quan trọng của công tác xây dựng pháp luật, Chính phủ đã dành nhiều thời gian trong các Phiên họp Chính phủ thường kỳ để thảo luận, cho ý kiến về các dự án luật, pháp lệnh. Từ tháng 3-2018 đến nay, Chính phủ đã tổ chức 03 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Tổ công tác của Thủ tướng đã có 03 đợt làm việc với các Bộ, cơ quan để rà soát, đôn đốc việc trình ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã có hiệu lực. Chính phủ đã khẩn trương soạn thảo Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 và sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 9.
Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt hơn công tác phối hợp giữa các Bộ, cơ quan của Chính phủ với các cơ quan Quốc hội trong quá trình xây dựng pháp luật, nâng cao chất lượng các dự án luật trình Quốc hội.
9. Về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Chính phủ đã thu xếp, bố trí hơn 5.508,5 tỷ đồng từ ngân sách trung ương để thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Dự kiến sẽ tiếp tục bố trí 1.500 tỷ đồng trong dự toán NSNN năm 2020.
Thực hiện Nghị quyết 74/2018/QH14 của Quốc hội, tại phiên họp thường kỳ tháng 7 vừa qua, Chính phủ đã thông qua Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó tích hợp các cơ chế, chính sách hiện hành để xây dựng 01 chương trình mục tiêu quốc gia nhằm phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 8 để thực hiện từ năm 2021.
10. Về tình hình an ninh trật tự
Chính phủ nghiêm túc tiếp thu ý kiến chất vấn của Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 và đang khẩn trương tập trung rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm. Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.
Tiếp tục triển khai các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, phát hiện và xử lý nghiêm các hoạt động siết nợ, đòi nợ thuê, hoạt động “tín dụng đen” (Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25-4-2019 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen"), bảo kê vi phạm pháp luật...
Chủ động nắm chắc tình hình, triển khai hiệu quả các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, không để xảy ra tình trạng gây rối, bạo loạn, khủng bố, kích động người dân vi phạm pháp luật, trọng điểm là ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp, khu kinh tế. Tăng cường công tác phòng, chống tội phạm kinh tế, tham nhũng. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng trọng điểm và thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản, ngăn chặn không để các đối tượng hợp thức hóa, tẩu tán tài sản từ tham nhũng, bỏ trốn ra nước ngoài.