Kiến nghị lùi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới
Tại hội nghị tổng kết năm học của ngành giáo dục diễn ra ngày 21-8, nhiều địa phương cùng đề nghị Bộ GD-ĐT lùi thời gian thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới để các địa phương có thêm thời gian chuẩn bị về điều kiện cơ sở vật chất, về đội ngũ để triển khai.
Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, quan điểm của Ủy ban là phối hợp với Bộ GD-ĐT để triển khai Chương trình GDPT tổng thể tốt nhất, vì vậy không nên quá gấp gáp. Cần chuẩn bị thật tốt, thật kỹ cho giáo viên, học sinh, nhất là ở vùng khó khăn rồi mới triển khai.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị tổng kết năm học của ngành giáo dục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những kết quả của ngành giáo dục trong năm học vừa qua, nhất là việc phổ cập mầm non 5 tuổi. Cùng với đó, đã xây dựng, ban hành Chương trình GDPT tổng thể, bắt tay vào xây dựng chương trình môn học.
Kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển đã được đổi mới cơ bản thành công. Tự chủ đại học đã được đẩy mạnh hơn với 23 trường tự chủ. Quản lý của Bộ, các Sở GD-ĐT đã có nhiều tiến bộ, giảm bớt bệnh thành tích, bỏ bớt những cuộc thi, những thủ tục hành chính không cần thiết. Đặc biệt, thành tích thi quốc tế của học sinh, các công bố quốc tế của giáo dục đại học... đều ấn tượng hơn.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra 5 bất cập của ngành giáo dục.
Thứ nhất, quản lý nhà nước, quản trị đại học, quản trị trong các trường phổ thông còn nhiều bất cập. Còn nhiều thủ tục hành chính, cầm tay chỉ việc. Đơn cử vẫn còn nhiều phong trào, cuộc thi không vì học sinh. Cần phải nhận thức rõ tất cả vì học sinh, tạo thuận lợi cho các em. Hay đại học đã được tự chủ rồi thì hãy để họ được tự chủ.
Thứ hai, chậm trong triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Chương trình GDPT tổng thể được ban hành chậm cũng như tinh thần, nhận thức về đổi mới chậm được triển khai, quán triệt trong ngành, trong đội ngũ giáo viên.
Thứ ba, chưa chú ý toàn diện đến việc dạy người. Còn nhiều tiêu cực, tệ nạn, bạo lực học đường trong học sinh.
Thứ tư, thừa-thiếu giáo viên cục bộ. Vấn đề này đã tồn tại từ lâu nhưng vừa qua được cả xã hội quan tâm. Giáo viên mầm non thiếu trầm trọng, nhưng giáo viên thừa thì vẫn để đó, chưa đụng đến. Trách nhiệm này là của cả Bộ GD-ĐT, các sở, các tỉnh.
Thứ năm, giáo dục thường xuyên, nhất là cho người lớn chưa được chú trọng, dù chúng ta đang xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.
Xem lại việc tựu trường trước, khai giảng sau
Theo Phó Thủ tướng, nhiệm vụ tới đây, cần đặc biệt quan tâm đến việc dạy người, từ mẫu giáo trở đi. Phải làm chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn, thiết thực hơn. Phải dạy cho các em những gì thật nhân văn, những gì thật cụ thể, thiết thực. Trẻ em gặp người lớn phải biết khoanh tay chào, phải biết làm vệ sinh trường lớp; học sinh phải biết yêu lao động, trân trọng người lao động. Phải có những hoạt động khơi gợi, giáo dục cho các em học sinh từ bé biết yêu bố mẹ, người thân, biết quan tâm hàng xóm để lớn lên biết yêu Tổ quốc, có ý thức công dân. Tựu trung phải dạy cho học sinh có kiến thức, biết yêu gia đình, Tổ quốc, có ý thức công dân. Các bậc phụ huynh cũng cần chia sẻ với các giáo viên, nhất là giáo viên tiểu học.
Cùng với đó, cần bãi bỏ những quy định có tính chất cứng nhắc, hình thức, câu nệ, bệnh thành tích. Tăng cường tính tự chủ của cơ sở giáo dục. Phải tự chủ xuống đến từng giáo viên, đến từng bộ môn.
“Bộ GD-ĐT làm đúng vai trò của mình: Về quản lý nhà nước thì bỏ những quy định cứng nhắc; còn về bỏ chủ quản đối với những trường đại học thì bộ gương mẫu trước đi đối với mấy chục trường của bộ”, Phó Thủ tướng nhắc.
Về Chương trình GDPT mới, Phó Thủ tướng cho rằng, Nghị quyết Quốc hội đã ban hành, phải thực hiện. Tuy nhiên, trước mắt các địa phương rà soát cơ sở vật chất, đội ngũ để khẩn trương chuẩn bị triển khai. Chính phủ đồng ý quan điểm với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội là đổi mới phải hiệu quả, vì thế phải chuẩn bị kỹ, nếu cần thiết thì lùi thời gian để thêm thời gian chuẩn bị.
“Vấn đề quan trọng là ngành giáo dục, từ nơi thuận lợi đến khó khăn phải quán triệt tinh thần đổi mới GDPT, các giáo viên phải được chuẩn bị. Trong đó bao gồm cả vấn đề đào tạo giáo viên, phải đào tạo để mấy năm nữa cho ra một thế hệ giáo viên đủ tiêu chuẩn triển khai chương trình GDPT mới. Thừa-thiếu giáo viên là trách nhiệm của ngành giáo dục. Không một ngành nào dễ thống kê nhu cầu như sư phạm. Tại sao Bộ GD-ĐT chưa thống kê? Tại sao không bồi dưỡng lại số giao viên dư thừa để chuyển đổi sang dạy chỗ còn thiếu? Bộ hoàn toàn có thể làm được”, Phó Thủ tướng thẳng thắn.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, ngành sư phạm hiện ra trường thất nghiệp rất nhiều, chạy việc rất khó, các cháu phải “mai phục” để xin việc, phải chấp nhận dạy hợp đồng, nằm chờ để xin vào biên chế. Trong khi đó, chúng ta hoàn toàn thống kê được nhu cầu giáo viên. Giáo dục các địa phương phải rà soát, thống kê lại để báo cáo cấp có thẩm quyền để giải quyết. Ngành giáo dục cần làm đến nơi đến chốn việc này. Chỉ cần bảo đảm không thất nghiệp là sư phạm sẽ hấp dẫn, cùng với đó tăng thêm chế độ cho giáo viên nữa thì càng hấp dẫn hơn.
Về thi cử, tuyển sinh, Phó Thủ tướng cho rằng cần hoàn thiện Kỳ thi THPT quốc gia để bảo đảm cung cấp kết quả đáng tin cậy cho các trường tuyển sinh. Còn tuyển sinh phải là tự chủ của các trường đại học. Có cần thiết phải chia nhỏ các môn trong bài thi khoa học tự nhiên, khoa học xã hội để đáp ứng xét tuyển của các trường hay không? Bộ GD-ĐT cần làm việc với các trường để bàn cách tuyển sinh phù hợp nhất. ư
Tuyển sinh là tự chủ của các trường, các trường không nên cứ gặp khó khăn là kêu ca. Các trường phải chung sức chung lòng với Bộ GD-ĐT để có phương án xét tuyển phù hợp nhất.
Về thời gian tựu trường, Phó Thủ tướng cho rằng, cần xem xét kỹ. Thực tế các trường đều tựu trường sớm, con em ở đô thị họ cũng muốn tựu trường sớm, trong khi Bộ quy định khai giảng là ngày 5-9. Như vậy lại thành hình thức, năm học tới Bộ GD-ĐT cần bàn kỹ vấn đề này để có quy định phù hợp.