Tính đến cuối tháng 9-2020, TPHCM đã có 39 phòng khám ngoại trú điều trị ARV (8 phòng khám tại các bệnh viện, 24 PK ở TTYT quận, huyện, 6 phòng khám tư nhân và 1 cơ sở thiện nguyện), đang điều trị ARV cho khoảng 42.000 người nhiễm HIV.
Theo GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, hiện TPHCM đã có 28 phòng khám triển khai việc khám chữa bệnh BHYT cho bệnh nhân HIV. Tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ BHYT 85% và 25% người nhiễm HIV nhận ARV qua BHYT chỉ trả.
Cùng với đó, TPHCM đã triển khai chương trình hợp tác với hệ thống y tế các tỉnh thành lân cận như Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh,... để tạo mạng lưới liên kết, chuyển gửi và nâng cao chất lượng chăm sóc điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS.
TPHCM cũng đã chủ trọng nâng cao chất lượng chăm sóc điều trị, đặc biệt áp dụng Công nghệ thông tin (bệnh án điện tử eClinica) để theo dõi, hỗ trợ tuân thủ điều trị, hạn chế bỏ trị kháng thuốc, đồng thời phấn đấu mục tiêu 90 thứ 3, tăng tỷ lệ bệnh nhân ARV đạt ức chế tải lượng virus.
Đến nay, sau hơn 15 năm điều trị ARV và mở rộng điều trị trên phạm vi toàn TP, tỷ lệ bệnh nhân thất bại phác đồ bậc 1 phải chuyển sang dùng phác đồ bậc 2 là 8%, thấp hơn so với nhiều nước trên thế giới. Tỷ lệ ức chế virus trong những năm gần đây luôn đạt trên 95% và năm 2020 đạt 98%.
Từ năm 2017, TPHCM thực hiện thí điểm điều trị dự phòng lây truyền HIV tại các trung tâm y tế quận huyện cho nhóm đối tượng nam quan hệ tình dục đồng giới. Đến năm 2019 đã mở rộng điều trị PrEP tại 24 cơ sở y tế (bao gồm 19 ca sở y tế công lập và 5 phòng khám tư nhân) tư vấn, chuyển gửi điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) cho khách hàng có nguy cơ cao (ma túy, mại dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới, chuyển giới và bạn tình người nhiễm HIV) tại các phòng khám điểu trị dự phòng trước phơi nhiễm.
Sau hơn 2 năm triển khai, TPHCM chưa ghi nhân khách hàng bị nhiễm HIV khi có dùng thuốc PrEP, trong khi da số đây là các khách hàng có nguy cơ cao bị lây nhiễm HIV.
Như vậy, theo ước tính với số lượng 7.735 khách hàng đang dùng thuốc PrEP hiện nay, TPHCM tránh được khoảng 400 ca lây nhiễm mới HIV mỗi năm.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương các địa phương, các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng, các cá nhân, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua đã nỗ lực, đóng góp nhiều công sức vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, mặc dù đạt được nhiều kết quả trong thời gian qua, song công tác phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta trong thời gian tới còn đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể: dịch HIV vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Mỗi năm nước ta vẫn có gần 10.000 trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện; khoảng 2.000 người tử vong. Vẫn còn khoảng 40.000 người nhiễm HIV sống trong cộng đồng mà chưa biết tình trạng nhiễm HIV của mình.
Tình trạng kỳ thị, phân biệt, đối xử liên quan đến HIV tuy đã giảm nhưng vẫn còn khá phổ biến, đó sẽ là rào cản cho những người nghi ngờ nhiễm HIV tiếp cận công bằng các dịch vụ y tế…
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam năm 2020 là: “30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam”, chủ đề này mang nhiều ý nghĩa, nó nhắc nhở mỗi chúng ta không quên rằng Việt Nam đã trải qua 30 năm phòng, chống HIV, là thời điểm để nhìn nhận lại công cuộc ứng phó với đại dịch AIDS và có những điều chỉnh phù hợp trong chặng đường sắp tới.
Bên cạnh đó, nhắc nhở chúng ta rằng dịch HIV/AIDS từng bước được kiểm soát ở Việt Nam nhưng cũng nhiều khó khăn trước mắt đang chờ đợi và cũng để chúng ta nhìn thấy cơ hội và tin tưởng rằng Việt Nam sẽ chấm dứt cơ bản đại dịch AIDS vào năm 2030.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả trong chặng đường 30 năm qua nhưng chúng ta không được phép chủ quan, lơ là. Dịch HIV/AIDS có thể bùng phát trở lại nếu chúng ta chủ quan, lơ là và nó không thể tự mất đi nếu không được đầu tư và can thiệp.
Ngành y tế, cần phát huy mọi nguồn lực hiện có, kết hợp với ứng dụng tiến bộ vượt bậc của cách mạng công nghiệp 4.0, tiếp tục tăng cường, mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng các dịch vụ khám chữa bệnh, can thiệp giảm tác hại, tư vấn xét nghiệm HIV, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS.
Các tổ chức xã hội, cộng đồng, cần tham gia tích cực, mạnh mẽ hơn nữa vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS nhất là việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho các nhóm đích của mình.
Theo báo cáo của Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS năm 2020, thế giới hiện có 38 triệu người nhiễm HIV đang sống chung với HIV và khoảng hơn 35 triệu người đã tử vong vì AIDS. Mỗi ngày qua đi, thế giới có khoảng 5.000 người nhiễm mới HIV và mỗi năm thế giới lại có khoảng 1,7 triệu người nhiễm mới và khoảng 700.000 người tử vong do AIDS. Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2020 là năm thứ 12 liên tiếp, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam được kiểm soát và liên tục đà giảm trên cả 3 tiêu chí, đó là: Giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong liên quan đến AIDS. |