Báo cáo với Phó Thủ tướng và đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết: Trong những năm qua, thiên tai diễn biến phức tạp, trong đó tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh ngày càng lan rộng, đặc biệt là sạt lở dọc theo sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao, Sông Bình Di... gây thiệt hại lớn về tài sản, đe dọa tính mạng và làm đảo lộn cuộc sống của người dân.
Trong những tháng đầu năm 2019, ở An Giang xảy ra 17 điểm sụp lún, sạt lở, với chiều dài 1.294m, ảnh hưởng đến 78 căn nhà phải di dời khẩn cấp…
Ông Trần Anh Thư lo ngại, cùng với sạt lở các tuyến sông chính, gần đây tình trạng sạt lở ở các kênh rạch cũng rất phức tạp. Các ngành chức năng đã chủ động ứng phó nhưng tình hình rất khó khăn.
Tỉnh An Giang cũng kiến nghị hỗ trợ xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông Hậu (đoạn qua xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới) chiều dài 2.379m, kinh phí 280 tỷ đồng. Kiến nghị hỗ trợ kinh phí đầu tư tuyến dân cư di dời 590 hộ dân vùng sạt lở sông Hậu (xã Châu Phong, thị xã Tân Châu)…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, chia sẻ những khó khăn mà người dân trong vùng sạt lở ở An Giang đã và đang gánh chịu. Đối với điểm sạt lở Quốc lộ 91 (huyện Châu Phú) cho thấy mức độ nghiêm trọng, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân; ngoài ra khả năng tiếp tục sạt lở nếu không có giải pháp xử lý căn cơ.
Chính phủ cũng đồng ý về chủ trương là Bộ GTVT bàn giao đoạn Quốc lộ 91 đang bị sạt lở, sau khi tuyến tránh hoàn thành về cho UBND tỉnh An Giang quản lý.
Về lâu dài, để phòng chống sạt lở căn cơ, Phó Thủ tướng chỉ đạo tỉnh An Giang phối hợp với Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn, Bộ GTVT và các bộ ngành liên quan nhanh chóng lập dự án về phòng chống, khắc phục sạt lở ở tỉnh, kinh phí khoảng 160 tỷ đồng, trình Chính phủ xem xét…