Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Giảm đánh bắt, tăng nuôi trồng trên biển

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội chiều nay về chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ: Phải chuyển mạnh sang nuôi trồng trên biển, Chính phủ coi đây là nhiệm vụ đột phá trong tái cấu trúc ngành thủy sản trong giai đoạn mới.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trả lời chất vấn chiều 6-11. Ảnh: VIẾT CHUNG
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trả lời chất vấn chiều 6-11. Ảnh: VIẾT CHUNG

Được chỉ định tham gia trả lời cùng Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường và các bộ trưởng khác tại phiên chất vấn đầu giờ chiều ngày 6-11 về những vấn đề nóng liên quan, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thừa nhận, hiện nay tình trạng đánh bắt cá trái phép tại vùng biển nước ngoài vẫn chưa chấm dứt. 

Theo Phó Thủ tướng, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Thủy sản Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại và đứng trước nhiều khó khăn thách thức, như: quy mô sản xuất còn chưa tương xứng với tiềm năng; cơ cấu ngành thủy sản chưa hợp lý, hệ thống hạ tầng thủy sản còn lạc hậu, thiếu đồng bộ; vốn đầu tư cho hạ tầng thủy sản còn khó khăn; chất lượng và giá trị gia tăng của ngành Thủy sản còn thấp; việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản chưa được chú trọng. 

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, Chính sách phát triển Thủy sản (Nghị định 67) chưa hiệu quả. 

Đề cập trách nhiệm của Chính phủ về phát triển ngành Thủy sản trong giai đoạn tới, Phó Thủ tướng cho biết, sẽ phát triển thành một ngành Thủy sản hàng hóa, có thương hiệu, khả năng cạnh tranh, khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người dân. 

Trước hết sẽ tập trung tái cấu trúc ngành Thủy sản. Tổ chức lại hoạt động khai thác, đẩy mạnh nuôi trồng, gắn với bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản, hiện đại hóa tàu cá. “Phải chuyển mạnh sang nuôi trồng trên biển, Chính phủ coi đây là nhiệm vụ đột phá trong tái cấu trúc ngành Thủy sản trong giai đoạn mới” - Phó Thủ tướng nói. Chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực đánh bắt sang nuôi trồng, tạo nhiều việc làm cho người lao động. 

Thủ tướng sẽ chỉ đạo Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT cùng các bộ liên quan lập mới các quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch sử dụng biển quốc gia, xác định các khu vực biển đảo có tiềm năng, lợi thế để phục vụ khai thác và nuôi biển. Với các dự án nuôi biển, sẽ huy động nguồn vốn xã hội, trong đó có vốn của doanh nghiệp trong và ngoài nước. 


Thủ tướng sẽ tổng kết Nghị định 67/2014/NĐ-CP để điều chỉnh những nội dung còn chưa phù hợp, như cơ chế tín dụng. Sẽ có chính sách phát triển các đội tàu viễn dương, dịch vụ hậu cần nghề cá, chính sách hỗ trợ nuôi biển, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thủy sản. Giải quyết dứt điểm tình trạng tàu thuyền Việt Nam vi phạm, đánh bắt cá trái phép tại vùng biển nước ngoài. 

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, cần chuyển mạnh sang nuôi trồng trên biển. Ảnh: VIẾT CHUNG

Phó Thủ tướng cho biết, tuần sau, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ quay trở lại Việt Nam lần thứ 2 để xem xét việc gỡ thẻ vàng. Nếu không gỡ được thẻ vàng thì sẽ ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu của ngành Thủy sản Việt Nam. “Nên nhiệm vụ trước mắt, đề nghị các đại biểu Quốc hội tại các địa phương, các bộ ngành tập trung khắc phục những nội dung mà EC khuyến nghị để sớm tháo gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam” - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị.

Trước đó, khi trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) về tình trạng tổ chức khai thác thủy sản không hiệu quả, hiện nay có nhiều ngư dân vỡ nợ, phải vay mượn tín dụng đen… Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã nêu quan điểm: “Trong thời gian tới sẽ thay đổi lại cơ cấu ngành Thủy sản, không đi khai thác nhiều nữa mà tập trung nuôi biển. Đây sẽ là hướng chiến lược của Việt Nam. Nếu làm tốt chiến lược này, nay mai cá nuôi của chúng ta lớn hơn gấp nhiều lần cá đi khai thác”.

Tin cùng chuyên mục