Kiểm tra khu neo đậu tàu thuyền cảng cá Thuận An (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao công tác chuẩn bị, ứng phó bão số 5 của chính quyền, ban ngành địa phương. Đồng thời cho rằng, bão số 5 đi khá nhanh và mạnh dần, dự kiến đổ bộ vào đất liền cùng lúc với triều cường nên yêu cầu tỉnh Thừa Thiên – Huế khẩn trương triển khai các công tác ứng phó, đồng thời hết sức cảnh giác, không được chủ quan.
Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên – Huế khẩn trương rà soát, kiểm đếm tất cả tàu thuyền còn hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên, có biện pháp kêu gọi, hướng dẫn để ngư dân vào nơi tránh trú an toàn và kiểm soát chặt chẽ việc ra vào cửa biển của tàu thuyền. Ngoài ra cũng cần chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng để bảo vệ, gia cố đê điều, nhất là đối với các tuyến đê biển, đê cửa sông.
Cùng với đó, tỉnh Thừa Thiên – Huế cần chủ động rà soát phương án sơ tán, di dời dân cư, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai đảm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là tại các khu vực ven biển, cửa sông, khu vực có nguy cơ ngập sâu, sạt lở, trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, nhà yếu không bảo đảm an toàn.
Riêng khu vực miền núi, trung du, Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất khi mưa lớn để chủ động sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Vận hành an toàn, hiệu quả các hồ chứa thủy lợi, thủy điện; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đập, hồ, nhất là các đập, hồ chứa nước xung yếu.
Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên – Huế dự trữ 100 tấn mì ăn liền, 100 tấn gạo, 35.000 thùng nước đóng chai, 2,2 triệu lít xăng, 2,3 triệu lít dầu diezen, 30 ngàn lít dầu hỏa, 70 tấn tôn lợp, 2,5 tấn đinh vít, 2,5 tấn dây thép. Ngoài ra các địa phương tự dự trữ tại cấp huyện, cấp xã và vận động người dân dự trữ lương thực thực phẩm đảm bảo 7 ngày khi có bão xảy ra.
Ghi nhận tại khu vực ven biển tỉnh Thừa Thiên – Huế vào sáng 17-9, bà con ngư dân đang tích cực đưa tàu thuyền đi tránh bão. Trong đó, tàu công suất lớn được di chuyển đến các âu thuyền neo đậu và ràng buộc cẩn thận, các phương tiện nhỏ được bà con ngư dân cùng lực lượng xung kích địa phương đem vào gần nhà.
Ông Đặng Văn Hòa, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, trưa nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác Trung ương sẽ trực tiếp đi thị sát tình hình công tác phòng chống báo số 5 tại Thừa Thiên – Huế. Hiện Bộ đội Biên phòng tỉnh đã liện lạc và đang hướng dẫn 31 phương tiện còn lại của tỉnh với 260 lao động trên biển khẩn cấp vào bờ tránh bão, dự kiến vào bờ chiều nay 17-9. Phương án di dời các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm chủ yếu triển khai tại chỗ từ nhà cấp 4 sang nhà cao tầng kiên cố.
Sáng 17-9, cùng với việc sử dụng phương tiện thông tin tìm kiếm cứu nạn liên lạc, đài trực canh, Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên – Huế còn tổ chức bắn pháo hiệu để kêu gọi tàu thuyền của địa phương này cũng như các địa phương khác đang hoạt động đánh bắt trên biển về nơi trú ẩn.
Cũng trong sáng 17-9, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ đã có công điện yêu cầu các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị cần hết sức cảnh giác, không được chủ quan, tăng cường chỉ đạo ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản và tính mạng của nhân dân.
Việc di dời dân phải chú ý công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Việc di dời dân phục vụ phòng chống bão số 5 dự kiến hoàn thành vào trước 19g ngày 17-9.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế theo dõi sát diễn biến của bão số 5, nếu không có thay đổi hướng đi của bão thì chủ động thông báo các trường nghỉ học từ thứ sáu, ngày 18-9 để đảm bảo an toàn cho học sinh, cho học sinh trở lại học khi có thông báo mới.
Cùng với đó, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng còn ra tận ruộng để giúp người dân thu hoạch vụ lúa Hè thu.
Ông Văn Lập, Trưởng phòng NN-PTNT huyện A Lưới cho biết, các thành viên ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện cũng về các địa phương để rà soát, kiểm tra tình hình phòng, chống lụt bão, các phương án di dời người dân khi cần thiết. Huyện A Lưới cũng đã chủ động có phương án dự trữ hàng hóa phục vụ phòng, chống lụt bão năm 2020, trong đó có 13 tấn gạo, 22.000 gói mì ăn liền, 5.000kg muối, 22.000 lít nước uống đóng chai, 11.000 lít xăng dầu…
Cùng với đó, với sự giúp đỡ của cán bộ chiến sĩ các đồn biên phòng đóng quân trên địa bàn, người dân địa phương đã thu hoạt được hơn 90% diện tích lúa Hè Thu, hiện chỉ còn khoảng 9ha lúa ở một số địa phương còn quá xanh, chưa thể thu hoạch.