Chiều 7-11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Giải trình trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhìn nhận việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật là còn chậm. Trách nhiệm thuộc về Chính phủ, bộ trưởng phụ trách các bộ, ngành được giao là cơ quan chủ trì soạn thảo.
Theo Phó Thủ tướng, các đại biểu Quốc hội cũng đưa ra những con số "giật mình" như có đến hơn 60% văn bản hướng dẫn dưới luật được ban hành sau ngày luật đó có hiệu lực.
“Chúng tôi xin nhận khuyết điểm rất lớn chỗ này và sẽ cố gắng từng bước khắc phục trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thẳng thắn nhận khuyết điểm.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang giải trình trước Quốc hội. Ảnh: QUANG PHÚC |
Phó Thủ tướng mong các đại biểu Quốc hội chia sẻ, yêu cầu phải xây dựng nghị định, thông tư có tính chuẩn mực, vừa kiểm soát được tình hình vừa tạo được sự thông thoáng để mọi việc chạy được. Do đó, đây là áp lực đầu tiên khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.
Một việc tốn kém thời gian nữa đó là đánh giá tác động sau khi chính sách ra đời sẽ tác động như thế nào. Một thực tế nữa, đó là dồn lực sửa nghị định, thông tư đang có hiệu lực mà còn bất cập. “Xét về thứ tự ưu tiên thì việc này ưu tiên nhiều hơn bởi vì đang rất vướng”, Phó Thủ tướng cho biết.
Về giải pháp, Phó Thủ tướng cho biết đó là nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, công tác phối hợp cần thực hiện nhịp nhàng, tốt hơn. "Thực ra có việc bộ, ngành này hỏi ý kiến bộ, ngành kia dẫn đến chậm”, Phó Thủ tướng chỉ rõ thực trạng.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 7-11. Ảnh: QUANG PHÚC |
Cùng với đó, tăng cường năng lực, nguồn lực cho đội ngũ làm công tác pháp chế. Phó Thủ tướng nhìn nhận, có cơ quan, đơn vị không muốn phân cấp, vẫn muốn ôm nếu không phải vì lợi ích thì cũng đâu đó sợ mất đi quyền lực của mình.
Chính ở địa phương mới biết thế nào là tốt nhất cho mình. Phân cấp thì cũng giúp cải cách thủ tục hành chính rất lớn. Nhưng khi phân cấp thì năng lực của chính quyền địa phương có đủ sức thực hiện được hay không cũng là vấn đề được cân nhắc.
Vì vậy thời gian tới, Chính phủ, các bộ, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh tăng cường phân cấp hơn nữa nhưng có chọn thứ tự ưu tiên kết hợp kiểm tra, giám sát và tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính cộng với chuyển đổi số.
Đại biểu Quốc hội dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 7-11. Ảnh: QUANG PHÚC |
Về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ được giao nhiệm vụ phải có hành lang pháp lý để góp phần giải quyết câu chuyện sợ sai, né tránh, đùn đẩy công việc, trách nhiệm...
Hiện nay Chính phủ đã ban hành Nghị định 73 về về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Dù vậy, hiện nay vấn đề bảo vệ thì vẫn còn phải tiếp tục nghiên cứu bởi quy định hiện hành đang có nhiều xung đột. Muốn vậy phải sửa luật nhưng rất khó.
Cho nên chỉ làm được một việc, đó là người đứng đầu cơ quan đơn vị có trách nhiệm xem xét thấu đáo động cơ của cán bộ khi có khuyết điểm, hạn chế thậm chí vi phạm, để có ứng xử theo thẩm quyền và đề xuất cơ quan có trách nhiệm trong việc xử lý vi phạm.
“Về giải pháp đúng là việc này khó, mong các đại biểu Quốc hội cùng với chúng tôi nghĩ thêm giải pháp. Có khả năng là chúng ta phải đề xuất sửa một số điều trong một số luật”, Phó Thủ tướng cho biết.