Về tình hình, kết quả thực hiện IUU, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, hiện vẫn còn một số nhiệm vụ chống vi phạm IUU chậm khắc phục. Cụ thể, tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp.
Từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra 61 tàu/418 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, tăng 12 tàu/16 ngư dân so với cùng kỳ năm 2023 (49 tàu/402 ngư dân). Lực lượng chức năng trong nước phát hiện, bắt giữ, xử lý 19 tàu vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Các địa phương để xảy ra vi phạm nhiều là tỉnh Kiên Giang, Bình Định, Cà Mau
Việc đăng ký tàu cá được cập nhật trên cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia mới đạt khoảng 89% (75.398/84.720 tàu), cấp giấy khai thác thủy sản còn hạn mới đạt khoảng 74%.
Hiện cả nước còn 9.322 tàu cá “3 không” (không đăng ký, không giấy phép khai thác, không đăng kiểm). Tình trạng mua bán, chuyển nhượng, sang tên đổi chủ tàu cá không thực hiện thủ tục xóa đăng ký, đăng ký lại tàu cá trong và giữa các tỉnh vẫn còn diễn ra thường xuyên.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh nêu thực trạng: Tàu cá từ 12m - 15m hiện không bắt thuộc phải lắp đặt thiết bị VMS. Trong khi đó, số tàu vi phạm từ đầu năm 2024 đến nay phần lớn là tàu cá dưới 15m, các tàu này dù đăng ký ở Bình Định nhưng hoạt động tại các địa phương khác.
Vì vậy, cần có cơ chế quản lý chặt đối với tàu từ 12m - 15m; có chiến lược đầu tư dài hạn phát triển bền vững nghề cá, tăng cường nuôi biển, có cơ chế chính sách chuyển đối nghề đối với ngư dân…
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thống nhất nhận thức, việc thực hiện các biện pháp nhằm gỡ "thẻ vàng" IUU không chỉ để tham gia thị trường châu Âu, mà phát phát triển ngành thuỷ sản bền vững, bảo đảm lợi ích, sinh kế lâu dài, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho ngư dân, đồng thời thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.
Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương rà soát, quán triệt nghiêm túc Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống IUU và phát triển bền vững ngành thuỷ sản; kiểm điểm trách nhiệm, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng chỉ ra một số bất cập, tồn tại trong công tác chống IUU như: Chưa kiểm soát được toàn bộ tàu cá, nhất là tàu cá "3 không" (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép); chưa rõ trách nhiệm của các lực lượng chức năng trong việc quản lý hoạt động tàu cá từ cửa sông đến cảng cá và trên biển; các quy định quản lý, xử lý tàu cá, chủ tàu vi phạm và công tác tổ chức thực hiện chưa sát với thực tiễn; việc lắp đặt, sử dụng thiết bị VMS chưa rõ trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp thiết bị, dịch vụ cũng như chủ tàu.
Phó Thủ tướng yêu cầu, trong tháng 11-2024, các địa phương phải hoàn thành việc đăng ký. Cục Kiểm ngư xây dựng chiến dịch cao điểm phối hợp với các lực lượng chấp pháp trên biển kiểm soát toàn bộ tàu cá "3 không", tàu cá đã xóa số đăng ký, không để các tàu này hoạt động.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ NN-PTNT phối hợp, khẩn trương kết nối, chia sẻ các địa phương, lực lượng chức năng (bộ đội biên phòng, kiểm ngư, cảnh sát biển, hải quân) sử dụng cơ sở dữ liệu về tàu cá đăng ký, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cũng như hoạt động của toàn bộ tàu cá trên biển; rà soát quy trình thủ tục hành chính kiểm định thiết bị, tàu cá, với tinh thần "khả thi, thiết thực, khoa học, bảo đảm an toàn"; nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ chủ tàu mua, lắp đặt thiết bị VMS; có chế tài xử lý các hành vi cố tình ngắt tín hiệu, hoặc gửi, vận chuyển thiết bị VMS trên tàu cá khác như là hành vi xâm phạm tài sản công; cung cấp dịch vụ sửa chữa thiết bị VMS trên biển…
Trước đó, chiều 16-10, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã trực tiếp đến thăm, động viên các chủ tàu cá, ngư dân tại cảng cá Sông Đốc (thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau). Đồng thời lắng nghe ngư dân phản ánh những khó khăn trong việc thực hiện các quy định về IUU.