Lễ hội Văn Miếu Hà Tĩnh năm nay được tổ chức từ ngày 23 đến 25-3 với 2 phần lễ và hội. Đây là năm thứ 3, UBND TP Hà Tĩnh thực hiện khôi phục lại lễ hội Văn Miếu, nhằm phát huy, bảo tồn các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống; tạo không gian sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, đề cao, tôn vinh đạo học; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao lành mạnh, bổ ích cho nhân dân, tăng cường thêm tình đoàn kết cộng đồng…
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng các đại biểu thực hiện các nghi thức lễ tế, dâng hương các vị tiền nhân khai nguồn đạo học, các danh nhân văn hóa tại Văn Miếu, các vị đại khoa được khắc tên vào văn bia và lễ dâng “Văn phòng tứ bảo” (dâng bút, giấy, mực, nghiên) để cầu may cho người được tặng chữ...
Tiếp đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng các đại biểu tham quan khu vực trưng bày tranh, ảnh về lịch sử, văn hóa TP Hà Tĩnh và các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của địa phương.
Sau phần lễ là phần hội gồm nhiều hoạt động, như: trưng bày sách, báo, ảnh; tặng chữ thư pháp; thi viết chữ đẹp; các trò chơi dân gian; đêm hội thơ nhạc “Thành Sen sức sống mới”; hội chợ ẩm thực, sản phẩm OCOP… thu hút đông đảo người dân trong và ngoài địa phương đến tham gia.
Theo sử sách, Văn Miếu Hà Tĩnh được dựng từ năm Minh Mệnh thứ 14 (1833) ở làng Hoàn, xã Đông Lỗ (nay là phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh) trên khuôn viên rộng 5.000m2.
Đây là nơi thờ phụng đức Khổng Tử, bậc hiền triết sáng lập nên đạo Nho và các học trò sĩ tử như: Nhà giáo Chu Văn An (1292-1370), Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-1791), Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713-1789), La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (1723-1804), Đại thi hào Nguyễn Du (1765-1820). Trước đây, tại Văn Miếu Hà Tĩnh từng có lễ tế xuân, lễ tế thu và là nơi tổ chức các kỳ thi thời phong kiến.
Với những ý nghĩa lịch sử, văn hóa quan trọng đó, năm 2000, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt dự án phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa Văn Miếu Hà Tĩnh với quy mô gần 1,7ha. Công trình do UBND TP Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, đến nay đã hoàn thành các hạng mục và trở thành điểm đến của người dân.
Văn Miếu Hà Tĩnh không chỉ là nơi thờ tự các bậc hiền tài mà còn là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa, tôn vinh, khuyến khích tinh thần hiếu học, tinh thần vượt khó vươn lên học giỏi của các thế hệ học sinh Hà Tĩnh.