Các đại biểu dự hội nghị đã phát biểu làm rõ 4 vấn đề lớn. Thứ nhất, là khái niệm Nhà nước là đại diện cho “sở hữu toàn dân”. Vậy nhà nước ở đây là ai, khái niệm “toàn dân” được hiểu thế nào cho đúng, cần xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ.
Vấn đề thứ hai là vấn đề quy hoạch. Vấn đề thứ ba là giá đất, phương pháp xác định giá đất. Và vấn đề thứ tư là thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định: Việc sửa đổi Luật Đất đai là rất cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Luật Đất đai sửa đổi nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập quốc tế; giải quyết các chồng chéo, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn; tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế... hài hòa quyền, lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản lành mạnh; phát huy nguồn lực đất đai, tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao…
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương cũng góp ý cụ thể vào từng chương, mục, những kiến nghị sửa đổi gửi tới cơ quan soạn thảo dự án luật; những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn cuộc sống.
Đại biểu phát biểu ý kiến |
Đánh giá cao sự chủ động của các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung trong hướng dẫn, tổ chức các hội nghị lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thời gian vừa qua, Phó Thủ tướng cho rằng, thời gian đóng góp còn lại không nhiều nên các địa phương cần làm tốt hơn nữa việc truyền thông rộng rãi để người dân biết, nắm bắt, góp ý nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật.
Cùng đó, cơ quan soạn thảo dự án luật tiếp thu, nghiên cứu, tổng hợp các nội dung đóng góp phù hợp với thực tế, được đông đảo nhân dân quan tâm để trình cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).