Sáng 2-7, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TPHCM đã họp giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Tham dự có các đồng chí: Trương Hòa Bình, Phó Thủ trướng Thường trực Chính phủ; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế.
Phải luôn đặt tình huống có F0 để có giải pháp phù hợp
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, ghi nhận đến hôm nay, TPHCM có 4.302 ca mắc, đợt dịch lần này nguy hiểm hơn, phức tạp hơn và khó dự đoán hơn. Thậm chí có thời điểm TPHCM ghi nhận trên 500 ca/ngày. Phân tích số ca mắc cho thấy, riêng từ ngày 19-6 đến 30-6 (thời điểm áp dụng Chỉ thị số 10), số ca mắc phát hiện thông qua tầm soát trong cộng đồng bình quân 8,5 ca/ngày. Số ca mắc phát hiện thông qua sàng lọc ở các bệnh viện bình quân 35 ca/ngày.
Chủ tịch UBND TPHCM đánh giá, số ca mắc phát hiện trong cộng đồng có xu hướng tăng là do người dân chủ động đi khám bệnh sàng lọc, cùng với đó TPHCM đẩy mạnh tầm soát trong cộng đồng. Điều này cho thấy, các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt hiện nay đã từng bước phát hiện những ca mắc còn tiềm ẩn trong cộng đồng. Mặt khác cũng phản ánh dịch bệnh đã len lỏi sâu trong cộng đồng với nhiều biến chủng phức tạp.
Cho nên, TPHCM phải triển khai mạnh mẽ đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19 theo kế hoạch thành phố đã ban hành. Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, văn bản đã gửi đến tất cả các quận huyện và đề nghị lãnh đạo các quận huyện chỉ đạo quyết liệt hơn để thực hiện tốt kế hoạch trong văn bản.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, các sở ngành, TP Thủ Đức và các quận huyện tập trung triển khai 9 nhóm giải pháp trong đợt cao điểm kiểm soát dịch Covid-19 từ ngày 29-6 đến 10-7. Đồng thời yêu cầu lưu ý một số nội dung, trong đó, chủ động tổ chức thực hiện, từng khâu, từng bộ phận phải hợp tác nhịp nhàng, nhất là trong công tác chỉ đạo của Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế, để tạo thành một sức mạnh thống nhất trong phòng chống dịch.
Phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của các quận huyện và TP Thủ Đức trong việc chủ động đề ra các giải pháp, với tinh thần và theo phương châm “5 tại chỗ”, chống dịch phù hợp với tình hình địa phương.
Trong tình hình mới hiện nay, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu phải tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, vai trò chỉ đạo và thay đổi cách thức chỉ đạo cho phù hợp với điều kiện, tình hình mới.
Trong đó phân ra các nhóm: nhóm nguy cơ rất cao, nhóm nguy cơ cao và nguy cơ; đến từng xã, phường, thị trấn, khu phố để tăng cường lực lượng đến các điểm nóng, nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch bệnh. Việc này, Chủ tịch UBND TPHCM đã nhắc nhở nhiều lần đến Chủ tịch TP Thủ Đức và Chủ tịch UBND các quận huyện cần lưu ý, chủ động.
Chủ tịch UBND TPHCM giao trách nhiệm tổng chỉ huy công tác lấy mẫu xét nghiệm cho Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu, phải đảm bảo giãn cách triệt để trong khâu lấy mẫu xét nghiệm.
Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh phải luôn đặt tình huống có F0 để có các giải pháp phù hợp, rút kinh nghiệm từ việc tiêm vaccine vừa qua tạo nên cảnh ùn ứ, không thực hiện đúng việc giãn cách. Ngay ở khâu lấy mẫu xét nghiệm phải hết sức chú ý việc này, tránh lặp lại.
“Các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các bộ phận điều phối của Sở Y tế TPHCM để cân đối số lượng người dân đến lấy mẫu xét nghiệm, để đảm bảo việc trả kết quả nhanh, chính xác và tránh tình trạng tồn đọng mẫu trong ngày”, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu.
Đẩy mạnh test nhanh, tăng cường lực lượng truy vết
Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, TPHCM đã có Trung tâm phân tích dữ liệu, trực 24/24 để kết nối, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời về tình hình dịch bệnh. Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị các quận huyện, TP Thủ Đức học tập cách làm của quận Bình Tân, huyện Hóc Môn trong việc tổ chức phân tích dữ liệu hàng ngày khi tiếp nhận thông tin từ các xã, thị trấn, phường.
Hiện nay, Sở Y tế đã cung cấp 3 đơn vị cung ứng test nhanh, một đơn vị trong nước và 2 đơn vị nước ngoài. Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu các quận huyện, TP Thủ Đức phải đẩy nhanh thực hiện test nhanh, không thể để tồn đọng, bởi việc test nhanh rất hiệu quả, phục vụ công tác phòng chống dịch của thành phố. Vấn đề hiện nay chính là ở khâu tổ chức xét nghiệm, Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo, Chủ tịch UBND các quận huyện, TP Thủ Đức phải chủ động, thể hiện rõ năng lực trong việc tổ chức thực hiện.
“Các đồng chí chủ tịch phải hết sức sâu sát, kiểm tra chặt chẽ trong công tác triển khai thực hiện lấy mẫu xét nghiệm và một số công việc mang tính cấp bách hiện nay”, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu tăng cường lực lượng truy vết, phối hợp chặt chẽ hơn nữa. Đối với các khu cách ly tập trung, đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM sẽ trực tiếp phụ trách và chịu trách nhiệm toàn bộ.
Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, đã có 2 cuộc họp về vấn đề này và rà lại tất cả các khu cách ly tập trung của thành phố. Đối với những khu cách ly nào không đủ điều kiện thì phải tổ chức lại. Mỗi phòng trong khu cách ly phải có nhà vệ sinh, không thể dùng trường học làm khu cách ly vì không đảm bảo về nhà vệ sinh cho người cách ly.
“Sắp tới đây, TPHCM ra một quyết định thành lập Ban Quản lý các khu cách ly tập trung. Thứ nhất, các đồng chí trong Bộ Tư lệnh TPHCM là người chỉ huy, tiếp đến là lực lượng công an, y tế, tài nguyên môi trường, thông tin truyền thông và an toàn thực phẩm”, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết và nói thêm, Sở TT-TT đã làm việc với các nhà mạng để trong thời gian cách ly, người cách ly sẽ nhận được thẻ kết nối wifi và được sử dụng miễn phí trong suốt thời gian cách ly nhằm phục vụ nhu cầu giải trí, trao đổi thông tin, học tập.
Đối với các khu cách ly tập trung ở TP Thủ Đức và các quận huyện, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu không tổ chức cách ly ở các trường học, đặc biệt là các trường tiểu học. Mỗi khu cách ly phải có nhà vệ sinh riêng; có camera; có hệ thống viễn thông cần thiết và đảm bảo khâu xử lý rác.
Từ đó, Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị tăng cường sử dụng nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn để phục vụ cách ly tập trung. Nhà tái định cư chưa sử dụng hiện nay ở TPHCM còn nhiều, do đó TPHCM yêu cầu các địa phương phối hợp với sở, ban ngành để giải quyết đưa vào sử dụng làm khu cách ly tập trung, khả năng đáp ứng được 5.000 người. Các quận huyện, TP Thủ Đức nghiên cứu theo hướng dẫn của Bộ Y tế về cách ly tại nhà.
Riêng các khu công nghiệp, khu chế xuất, TPHCM đã giao sở, ban, ngành nhanh chóng thẩm định 24 doanh nghiệp đăng ký vừa hoạt động sản xuất vừa thực hiện cách ly, hoàn thành trước ngày 5-7. Đồng thời, tiếp tục vận động mạnh hơn nữa các doanh nghiệp thực hiện vừa hoạt động sản xuất vừa thực hiện cách ly. TPHCM cũng xem xét bố trí một số khu cách ly cho các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Thậm chí thành lập khu cách ly dã chiến tại những nơi này.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng, trong tuần qua, chúng ta thực hiện chủ trương phân cấp cho các quận, huyện, rút kinh nghiệm trong hoạt động điều hành của Ban Chỉ đạo TP, hoạt động phòng chống dịch của TP đã mạch lạc hơn, đồng bộ hơn, hiệu quả hơn. Qua đây, Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM cũng như Thường trực Thành ủy hiểu hơn về năng lực tổ chức và điều hành của các quận huyện trong hoạt động phòng chống dịch. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu. Ảnh: CAO THĂNG Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM hoan nghênh sự chủ động của rất nhiều địa phương. "Các đồng chí rất chủ động trong phối hợp xét nghiệm, chủ động đề xuất các khu phong tỏa cách ly, như huyện Hóc Môn đã có quyết định của Chủ tịch huyện về phong tỏa các khu vực, việc này thể hiện trách nhiệm, đúng thẩm quyền trong quản lý nhà nước trên địa bàn, giải quyết các vấn đề khẩn trương trong các hoạt động phòng chống dịch", Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi nói. Theo đồng chí Phan Văn Mãi, chúng ta đặt ra mục tiêu là xét nghiệm 5 triệu mẫu để nhanh chóng phát hiện F0, để tách F0 ra. Tuy nhiên, việc tổ chức lực lượng để đạt mục tiêu này trong thời gian qua, tại các địa bàn có sự chệch choạc. Cần tập trung phối hợp các lực lượng trong từng khâu của quy trình xét nghiệm, kết hợp test nhanh để kịp thời khoanh vùng. “Mục tiêu 5 triệu mẫu, chúng ta định ra thời gian để làm cái khung. Trên thực tế, chúng ta phải chạy theo số lượng, phải làm sao xét nghiệm gần như hết để tách được F0, không để sót F0”, đồng chí Phan Văn Mãi yêu cầu. Đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị Bộ Tư lệnh TPHCM chủ trì phối hợp với ngành y tế và các địa phương kiểm tra lại các cơ sở cách ly; chỉ đạo ban chỉ huy quận huyện chủ trì kiểm tra, đề xuất. “Cần khẩn trương thay trường học, vì việc cách ly còn dài, cần thay các trường học bằng khu ký túc xá có điều kiện tốt hơn, hay những khu nhà tái định cư, cơ sở vật chất có thể đảm bảo được việc cách ly. Phải có 1 cuộc rà soát để biến chuyển ngay. Bởi vì thời gian qua, số ca F1 chuyển thành F0 tại các khu cách ly khá nhiều, nên chúng ta rà lại làm cho chuẩn để ngăn chặn khả năng lây chéo”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh. Theo đồng chí Phan Văn Mãi, cần xác định F0 thành 3 nhóm (nhóm không có triệu chứng; nhóm có triệu chứng nhẹ, vừa và nhóm nặng). Bố trí lực lượng cơ sở vật chất, phương tiện gắn liền với kế hoạch mà Bí thư Thành ủy có chỉ đạo, là xây dựng 1 trung tâm đảm bảo vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch. Liên quan đến thi kỳ tốt nghiệp THPT, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM yêu cầu Ban chỉ đạo và các quận huyện phải thống nhất tổ chức kỳ thi đảm bảo an toàn nhất có thể. Phải rà soát công tác chuẩn bị kỳ thi đảm bảo an toàn và cung cấp thông tin đầy đủ để phụ huynh, học sinh yên tâm. Bên cạnh đó, phải thực hiện nhanh các gói an sinh xã hội, chủ động chính xác không bỏ sót, bởi lúc này càng nhanh sẽ càng có ý nghĩa. |
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: CAO THĂNG Theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, sau khi bổ sung, cần triển khai thực hiện cho thật tốt đến tận cơ sở, xí nghiệp… đảm bảo giãn cách an toàn, tiếp xúc đi lại trong các khu cách ly. Tùy theo diễn biến từng địa phương, từng khu vực mà áp dụng các chỉ thị sao cho phù hợp, có tổ chức thực hiện, kiểm tra giám sát và nêu trách nhiệm người đứng đầu. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nếu có vi phạm đối với các quy định trong công tác phòng chống dịch. |