Theo ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, với diện tích hơn 200.000ha, sản lượng thu hoạch hàng năm trên 460.000 tấn, Đắk Lắk được mệnh danh là thủ phủ cà phê. Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã trở thành Lễ hội cấp quốc gia, được tổ chức định kỳ 2 năm một lần, là nơi để những người trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê hội tụ và được tôn vinh.
Bên cạnh các hoạt động quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại nhằm nâng cao kiến thức và chất lượng sản phẩm cà phê, trong chương trình lễ hội còn diễn ra hội nghị xúc tiến đầu tư và nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn.
Nổi bật ở lễ hội lần này là chú trọng quảng bá, phát triển cà phê đặc sản Việt Nam với mong muốn đưa Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) trở thành điểm đến của cà phê thế giới.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, từ lâu, Đắk Lắk nổi tiếng với vùng đất đỏ bazan trù phú, nơi có những đồn điền cao su, cà phê bạt ngàn và được mệnh danh là thủ phủ cà phê Việt Nam. Sản phẩm cà phê của Đắk Lắk với thương hiệu và chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột nổi tiếng đã có mặt ở hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, góp phần lớn vào tổng giá trị xuất khẩu cà phê của cả nước, góp phần quan trọng đưa lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam năm 2018 lên gần 1,9 triệu tấn với kim ngạch hơn 3,5 tỷ USD.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đề nghị tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh trồng cà phê cần rà soát tổng thể việc phát triển ngành cà phê cho phù hợp với xu thế thị trường thế giới và đảm bảo các điều kiện sản xuất bền vững; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành cà phê theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn bảo quản, chế biến với tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích và thu hút đầu tư tư nhân vào tái canh cà phê; tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến khích phát triển cà phê đặc sản Việt Nam với tính chất là cà phê cao cấp có hương vị đặc biệt được đánh giá theo tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng nhu cầu, xu thế tiêu thụ thế giới và gia tăng giá trị cây cà phê, nhất là tăng lợi nhuận trực tiếp cho người trồng cà phê. Bên cạnh đó, cần tập trung đầu tư công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến sâu, bảo quản sau thu hoạch theo hướng hiện đại…
Lễ hội cà phê lần này có chủ đề “Tinh hoa đại ngàn”, diễn ra từ ngày 9 đến ngày 16-3 với nhiều hoạt động như: Khai trương đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột; lễ hội đường phố; hội chợ triễn lãm chuyên ngành cà phê; hội thảo phát triển cà phê đặc sản Việt Nam; hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Lắk; tổ chức cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam; triển lãm lịch sử cà phê thế giới; hội thi nhà nông đua tài; chương trình hội voi Buôn Đôn.