Sáng 1-6, phát biểu tại cuộc họp giao ban công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao nỗ lực của TPHCM trong công tác phòng chống dịch bệnh thời gian qua. Mặc dù, TP vẫn ở trong thế chủ động kiểm soát nhưng nếu chúng ta lơ là, mất cảnh giác thì hậu quả sẽ rất khó lường. Do đó chúng ta cần kiên quyết, chủ động phòng ngừa, chủ động tấn công, ngăn chặn, kiểm soát không để dịch lây lan, cần dập tắt các ổ dịch lớn xuất hiện trên địa bàn TP.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu TPHCM cần rà soát lại vấn đề quản lý Nhà nước đối với các điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo, nhất là các điểm nhóm nhỏ thu hút người dân trình độ thấp, mang tính chất mê tín, cuồng tín, thiếu hiểu biết. Trong đó cần phát huy sức mạnh hệ thống chính trị tại địa phương, sử dụng các lượng đoàn thể “đi từng ngõ, gõ từng nhà” phát hiện và ngăn chặn các điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo bất hợp pháp.
“Chúng ta không ngăn cản hoạt động tôn giáo mà chúng ta ngăn chặn các điểm nhóm mê tín, cuồng tín. Riêng việc khởi tố vụ án làm lây lan dịch bệnh là khởi tố hành vi vi phạm pháp luật, không phải khởi tố chức sắc, khởi tố tôn giáo”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định.
Theo Phó Thủ tướng, hiện nay nguy cơ dịch bệnh rất cao tại các KCN-KCX-KCNC, TP cần triển khai các bộ tiêu chí đảm bảo an toàn, có kế hoạch hành động kiểm tra cụ thể, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu không chỉ tại KCN-KCX mà cả các cơ sở sản xuất; quyết liệt thực hiện biện pháp 5K, chủ động về vaccine và sự hỗ trợ của truyền thông đúng đắn thì mới có điều kiện tốt để dập dịch.
“TPHCM nên chủ động huy động nguồn lực, xã hội hóa vận động quỹ vaccine cho TPHCM. Bộ Y tế xem xét đề xuất các cơ chế để TPHCM có thể vận động các nguồn lực xã hội, nguồn lực của các doanh nghiệp để tìm nguồn mua vaccine dưới sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của ngành y tế”, đồng chí Trương Hòa Bình nhấn mạnh
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu TP nghiên cứu triển khai các gói hỗ trợ cho người lao động, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngành công thương cần có kế hoạch dự phòng các nhu yếu phẩm đảm bảo cung ứng trong 6 tháng tới; có phương án cung ứng đến những nơi bị giãn cách, cách ly một cách kịp thời. Ngành y tế cần chuẩn bị các kịch bản ứng phó khi có 30.000, 50.000 ca nhiễm hoặc có khi 100.000 ca nhiễm, không để bị động trong bất kỳ hoàn cảnh nào.