Ngày 26-6, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức Đại hội thi đua yêu nước TPHCM lần thứ VII, giai đoạn 2015-2020.
Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình bày tỏ vui mừng khi đến dự Đại hội Thi đua yêu nước TPHCM lần thứ VII.
Đồng chí chia sẻ, lịch sử đấu tranh cách mạng, xây dựng và phát triển đất nước của nhân dân ta những năm qua luôn gắn liền với các phong trào thi đua yêu nước do Chủ tịch Hồ Chí minh kính yêu phát động năm 1948.
Người nói: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, “Thi đua, khen thưởng là động lực phát triển và biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày”.
Từ đó đến nay, thi đua yêu nước đã trở thành phong trào cách mạng, là động lực mạnh mẽ để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, toàn dân tộc ta giành thắng lợi trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
TPHCM vinh dự được mang tên Bác Hồ kính yêu. Trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, Đảng bộ, nhân dân TPHCM luôn là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, hội nhập quốc tế hàng đầu của đất nước ta.
Trong những năm tháng gian khổ, ác liệt của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, TPHCM có các phong trào “Thi đua giết giặc lập công”, “Diệt ác trừ gian, diệt giặc, phá kềm”; xây dựng “Địa đạo kháng chiến”, “Tự chế tạo vũ khí”...
Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, TPHCM là nơi khởi xướng và thực hiện nhiều phong trào, như: “Đền ơn đáp nghĩa”, “Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng”, “Xây dựng nhà tình nghĩa”, “Xây dựng nhà tình thương”, “Chương trình xóa đói, giảm nghèo”... Những chương trình này được lan tỏa, hưởng ứng, trở thành các phong trào của cả nước.
Trong 5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước của TPHCM tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, chiến sĩ các lực lượng vũ trang tích cực tham gia. Có thể kể đến phong trào thi đua, các cuộc vận động như: “Giảm nghèo, tăng hộ khá”, “Xây dựng cuộc sống mới trên địa bàn dân cư”, “Bảo trợ bệnh nhân nghèo”, “Nụ cười trẻ thơ”, “Cả thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Vì biển đảo quê hương, vì tuyến đầu Tổ quốc”...
Trong những tháng đầu năm nay, dịch Covid-19 gây ra hậu quả nặng nề cho đất nước ta, nhất là ở các thành phố lớn như TPHCM. Đảng và Nhà nước đã hành động quyết liệt với những thông điệp mạnh như “chống dịch như chống giặc”, “mục tiêu kép - chống dịch đi đối với duy trì, phát triển kinh tế”...
TPHCM là nơi có số ca mắc nhiều thứ hai cả nước, với 61 ca mắc, đã chữa khỏi 59 ca. Đặc biệt, bệnh nhân phi công người Anh sau 100 ngày chữa trị đã phục hồi kỳ diệu. Sau gần 70 ngày, đất nước ta không còn ca nhiễm mới trong cộng đồng, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên trên thế giới kiểm soát được dịch Covid-19 với phương pháp chống dịch hiệu quả, chi phí thấp. Hiện nay, đất nước bước vào “trạng thái bình thường mới” vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vừa cảnh giác phòng, chống dịch.
Trong thành công chung của cả nước có sự đóng góp to lớn và quan trọng của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân TPHCM cùng nhau thi đua thực hiện các quyết sách quan trọng. Chẳng hạn như “Chống dịch như chống giặc”, “thà hy sinh quyền lợi kinh tế trong ngắn hạn để đảm bảo sức khỏe của nhân dân”; “cách ly tập trung”, “đi từng ngõ, gõ từng nhà”; “thần tốc, thần tốc, hơn nữa”...
“Mọi người dân TPHCM cùng tham gia chống dịch, đóng góp tiền của, công sức và trách nhiệm với cộng đồng đã tạo nên những điều kỳ diệu của đất nước chúng ta”, đồng chí Trương Hòa Bình vui mừng nhận xét.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, các phong trào thi đua đã tạo ra động lực và khí thế để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM - một trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, hội nhập quốc tế của cả nước và khu vực. |
Kết quả này góp phần to lớn vào việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đại hội XII của Đảng. Đặc biệt, TPHCM (cùng với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam) đã thi đua quyết không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 trong bối cảnh đất nước và TPHCM chịu hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19 đang diễn biến ngày càng khó lường trên thế giới.
Đồng chí Trương Hòa Bình ghi nhận công lao và thành tích to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM trong những năm qua. Trong đó, nhiều đơn vị và cá nhân của TPHCM đã được nhận nhiều hình thức khen thưởng và danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước. Tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ VII, TPHCM lại có thêm nhiều tập thể, cá nhân được đón nhận các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và TPHCM trao tặng, do có những thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua 5 năm qua.
Đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ biểu dương, chúc mừng kết quả của các phong trào thi đua yêu nước và ghi nhận sự phấn đấu năng động, sáng tạo, quyết liệt và nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền, quân và dân TPHCM.
Song, đồng chí cũng chỉ ra những hạn chế nhất định trong công tác thi đua, khen thưởng của TPHCM, như nội dung thi đua còn chưa phong phú, thiết thực hoặc còn có tình trạng phong trào thi đua còn mang tính hình thức.
Đồng chí lưu ý, trong những năm tới, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta có những thời cơ, thuận lợi lớn, nhưng cũng phải đương đầu với những khó khăn, thách thức.
Do đó, TPHCM cần tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng về thi đua yêu nước của Bác Hồ, Chỉ thị “tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng” của Bộ Chính trị cũng như Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), nhằm tiếp tục giữ vững vai trò đi đầu trong các phong trào thi đua của cả nước.
Cùng với đó, đồng chí yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị của TPHCM tăng cường tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa của các phong trào thi đua. Thông qua đó vận động thu hút sự tham gia tự giác, tích cực của đông đảo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, các tầng lớp nhân dân, chiến sĩ các lực lượng vũ trang thành phố. Đồng thời chú trọng đổi mới nội dung, hình thức thi đua. Các phong trào thi đua phải có mục tiêu, nội dung cụ thể, thiết thực, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của TPHCM, của cơ quan, đơn vị mình, gắn với thực hiện công việc hàng ngày, như Bác Hồ dạy.
Đặc biệt, hình thức, cách thức tổ chức thi đua phải hết sức sáng tạo, phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, từng hoàn cảnh, điều kiện cụ thể, thuận lợi cho mọi người tham gia.
“Thi đua phải thường xuyên, liên tục, có kiểm tra, đôn đốc; coi trọng việc phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, tổng kết rút kinh nghiệm”, đồng chí Trương Hòa Bình lưu ý và yêu cầu thi đua phải gắn với khen thưởng.
Trong đó, khen thưởng phải trên cơ sở kết quả thi đua, đồng khen thưởng phải đúng đắn, kịp thời, đúng người, đúng việc, đúng thành tích. Đặc biệt là hết sức quan tâm tới khen thưởng người lao động, công nhân, nông dân, trí thức, văn nghệ sĩ, doanh nhân, chiến sĩ các lực lượng vũ trang.
Bên cạnh đó, TPHCM phải có những phong trào thi đua thiết thực gắn với thực tiễn cuộc sống hàng ngày từ thi đua “phố phường sạch đẹp, đô thị văn minh” đến thi đua “phát triển đô thị thông minh, hạ tầng khang trang, giao thông phát triển, môi trường trong lành”, “TPHCM vì miền Nam, vì cả nước; miền Nam và cả nước vì TPHCM”.
“Trong bối cảnh hiện nay, TP cần có những phong trào thi đua “nhân lực chất lượng cao, tận dụng cơ hội cách mạng công nghiệp 4.0” nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển của công nghệ, của đất nước”, đồng chí Trương Hòa Bình gợi ý và đề nghị thực hiện phong trào “thủ tục nhanh, gọn, cán bộ liêm chính” trong bộ máy hành chính TP.
Đồng chí Trương Hòa Bình chia sẻ, đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội XII của Đảng tới đây sẽ đề ra chủ trương, đường lối, mục tiêu và nhiệm vụ đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của đất nước ta trong những năm tới. Trong đó, thi đua yêu nước tiếp tục sẽ là một động lực lớn để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra.
Nhấn mạnh đến truyền thống yêu nước, bất khuất, kiên cường, năng động sáng tạo và những kết quả đạt được trong phong trào thi đua của TPHCM, đồng chí kỳ vọng TPHCM tiếp tục đi đầu trong phong trào thi đua yêu nước của cả nước. Thông qua đó, phong trào thi đua yêu nước của thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu trong thời gian tới sẽ đạt được nhiều thành quả to lớn, đóng góp tích cực vào phong trào thi đua chung của cả nước, đưa nước ta tới đài vinh quang.
Đại hội chỉ đạo điểmTPHCM là địa phương được chọn làm đại hội chỉ đạo điểm của 33 tỉnh - thành phố khu vực miền Trung, Tây nguyên và Nam bộ. Tham dự Đại hội Thi đua yêu nước TPHCM lần thứ VII, về phía Trung ương có các đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Trương Mỹ Hoa, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước; Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; Trung tướng Trần Hoài Trung, Bí thư Đảng ủy Chính ủy Bộ Tư lệnh Quân khu 7... Về phía TPHCM có các đồng chí: Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TP; Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TP; Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Phan Thị Thắng, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM… Cùng dự có lãnh đạo các địa phương thuộc 33 tỉnh - thành phố trực thuộc Trung ương. |