Theo thông tin từ văn phòng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sáng nay, 21-7, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với mùa mưa lũ bão năm 2021.
Nơi đầu tiên đoàn công tác tới kiểm tra là tỉnh Hòa Bình. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã kiểm tra công tác đảm bảo an toàn vận hành xả lũ tại Nhà máy Thủy điện Hòa Bình ở TP Hòa Bình.
Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hồ đập thủy điện
Tại buổi kiểm tra sáng 21-7, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Công ty Thủy điện Hòa Bình đã chuẩn bị kỹ lưỡng trước mùa mưa bão năm nay. Trong công tác này, EVN có nhiều kinh nghiệm thực tiễn để vừa đảm bảo an toàn cắt lũ cho hạ du, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp, phát huy vai trò của thủy điện chiến lược đa mục tiêu trên bậc thang thủy điện sông Đà.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các bộ ngành và UBND tỉnh Hòa Bình phối hợp chặt chẽ với EVN để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho hồ đập và thực hiện nghiêm các quy định về an toàn hồ đập; đảm bảo hiệu quả nguồn nước vì các mục tiêu phát điện, chống lũ, an toàn hạ du.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu EVN và các công ty thành viên quản lý các nhà máy trên bậc thang thủy điện sông Đà tiếp tục kiểm tra quy trình vận hành, an toàn hồ đập cũng như các hạng mục liên quan; bổ sung thiết bị quan trắc để nâng cao chất lượng công tác dự báo; chú trọng tuyên truyền cho vùng hạ du khi nhà máy xả lũ theo quy trình.
Theo lịch trình, cùng ngày 21-7, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành sẽ tới kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó mưa lũ bão tại khu vực công trình Đập Đáy ở huyện Đan Phượng – Phúc Thọ (Hà Nội) và kiểm tra tình hình tại đê Hữu Hồng, cống Liên Mạc trên đê hữu Hồng (Hà Nội).
Bão số 3 sẽ gây mưa ở miền Bắc
Còn cập nhật lúc 12 giờ trưa từ Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia, sáng nay 21-7, cơn bão số 3 (Cempaka) đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên đất liền phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km. Đến 10 giờ ngày 22-7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 22,3 độ vĩ Bắc và 109,1 độ kinh Đông, trên đất liền phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 160km về phía Đông Đông Bắc.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Nam Tây Nam, mỗi giờ đi được 5-10km. Đến 10 giờ ngày 23-7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở ngay trên vùng biển Bắc vịnh Bắc bộ, cách Móng Cái khoảng 80km về phía Đông Nam.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Đông Nam, mỗi giờ đi được 5-10km và suy yếu thành một vùng áp thấp.
Ngày mai (22-7), ở vùng biển vịnh Bắc bộ có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, biển động với sóng cao từ 2-3,5m. Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, biển động mạnh; khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận có gió Tây Nam cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, biển động sóng cao 2-4m. Khu vực Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và Cà Mau đến Kiên Giang có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Sáng 21-7, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia cho rằng, bão số 3 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới sẽ gây mưa gió ở khu vực Đông Bắc bộ, trọng tâm là các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Cạn, Cao Bằng, Tuyên Quang có mưa từ đêm 22 đến 23-7.