Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ghi nhận những cố gắng, chia sẻ những khó khăn các địa phương đang gặp phải trong công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Đồng chí nhận xét hầu hết khó khăn, vướng mắc mang tính truyền thống, phổ quát; vướng mắc về quy định về thủ tục pháp luật chưa xử lý được. Cùng với đó là những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, vấn đề liên quan điều chỉnh quy hoạch; một số tỉnh vướng Luật Khoáng sản; nguồn vật liệu xây dựng…. Các vướng mắc này đã được Bộ KH-ĐT tổng hợp, báo cáo và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt với nhiều giải pháp cũng như đôn đốc thực hiện.
Đánh giá kết quả giải ngân đến thời điểm này của các địa phương vùng Đông Nam bộ rất thấp (thấp hơn bình quân chung cả nước), Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành đánh giá kỹ hơn từng vấn đề, có giải pháp quyết liệt hơn để giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền. Phó Thủ tướng lưu ý đến công tác phối hợp giữa các cơ quan, năng lực điều phối, trách nhiệm của cơ quan thực thi, đặc biệt là các ban quản lý dự án. Bên cạnh đó là vấn đề liên quan đến phân cấp, ủy quyền nhưng phải tạo điều kiện để cơ quan được phân cấp thực thi.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ KH-ĐT tiếp tục tổng hợp cụ thể các khó khăn, vướng mắc của địa phương. Từ đó phân loại, tham mưu Chính phủ giải quyết kịp thời, như chủ trương giải quyết một số dự án tồn đọng trên cơ sở không hợp thức hóa các sai phạm. Đồng chí lưu ý với các dự án này, địa phương cần chuẩn bị kỹ để báo cáo, có cơ sở tháo gỡ…
Trước đó, phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, năm 2024, TPHCM được giao kế hoạch vốn là 79.263 tỷ đồng, tính đến nay, đã giải ngân 16.871 tỷ đồng (đạt 21,29%). Đồng chí nhìn nhận tỷ lệ này thấp so với kế hoạch của thành phố và mức trung bình chung của cả nước.
Lý giải nguyên nhân, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, do đặc thù thành phố có vốn lớn và được đưa vào kế hoạch 2 kỳ. Đầu kỳ trung hạn, Thủ tướng giao cho TPHCM 142.000 tỷ đồng; đến năm 2023 thành phố đề xuất và mở rộng thêm 107.000 tỷ đồng, nâng tổng vốn trung hạn gần 250.000 tỷ đồng. Theo đó, số lượng vốn tăng hơn 100.000 tỷ đồng nằm ở năm 2023, đến cuối năm 2023 mới triển khai các kế hoạch chuẩn bị đầu tư, nguồn vốn lớn và bố trí chậm trong trung hạn dẫn đến chuẩn bị đầu tư cũng chậm. Theo đồng chí, thủ tục chuẩn bị các dự án đầu tư tốn nhiều thời gian, trừ dự án đường Vành đai 3, còn các dự án khác quá trình chuẩn bị mất cả năm.
Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng và một số trường hợp chậm do phải chờ các luật sửa đổi. Ngoài ra, còn có nguyên nhân chủ quan về công tác điều hành của UBND TPHCM trong việc đề xuất bổ sung vào trung hạn vốn, vào kế hoạch vốn hàng năm còn chậm; trách nhiệm, sự phối hợp của các sở, ngành trong giải quyết các thủ tục về chuẩn bị dự án và triển khai dự án còn tốn nhiều thời gian.
Một nguyên nhân nữa là sự điều hành của chủ đầu tư đối với các nhà thầu giải quyết các vấn đề như vấn đề thiếu cát, thiếu nguyên liệu. Việc này, TPHCM đã họp, giao các ban quản lý dự án làm việc với từng nhà thầu, lên kế hoạch, tiến độ, xác định vướng mắc tháo gỡ và đã có phân công các sở, ngành, phân công Phó Chủ tịch UBND TPHCM phụ trách để tháo gỡ…
Dù đối diện với nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng Chủ tịch UBND TPHCM cho biết thành phố vẫn kiên trì giữ mục tiêu giải ngân 95%. Để thực hiện mục tiêu này, TPHCM tiếp tục phân nhóm, rà soát để giải quyết khó khăn liên quan đến giải phóng mặt bằng; triển khai đúng tiến độ các dự án chuyển tiếp; tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về quy hoạch…
Báo cáo từ Bộ KH-ĐT cho biết, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của 6 địa phương trong vùng Đông Nam bộ là hơn 128.580 tỷ đồng. Trong đó, hơn 11.445 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương trong nước; hơn 1.185 tỷ đồng vốn nước ngoài và hơn 115.949 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương. Theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng số vốn ước giải ngân đến 30-9 của 6 địa phương trong vùng là hơn 45.594 tỷ đồng, đạt 35,46% kế hoạch (thấp hơn mức bình quân cả nước là 47,29%).
Khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công của 6 địa phương trong vùng Đông Nam bộ cũng là các khó khăn, vướng mắc chung của cả nước, đã được Bộ KH-ĐT tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ, Hội nghị của Thường trực Chính phủ về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
Tuy nhiên, nguyên nhân giải ngân chậm vẫn là do công tác tổ chức triển khai tại các địa phương còn nhiều bất cập; trong một số thời điểm, tại một số dự án, một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét.