Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: “Sẽ quan tâm kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng”

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Chính phủ đã dự báo khả năng giá cả tiêu dùng tăng nhẹ, chủ yếu là do tâm lý. Cung cầu hàng hóa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại nghị trường chiều 26-6. Ảnh: QUANG PHÚC
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại nghị trường chiều 26-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Lắng nghe ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐB) tại phiên thảo luận chiều 26-6, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhìn nhận, cải cách tiền lương là vấn đề rất khó.

“Sau khi có ý kiến của cấp có thẩm quyền, chúng tôi đã hoàn thiện báo cáo gửi ngay cho ĐB, cố gắng báo cáo trung thực nhất, phản ánh đầy đủ nhất, viết lách phải gọn gàng, do đó gửi hồ sơ có chậm, mong các đại biểu thông cảm, chia sẻ”.

Các ý kiến về cải cách chính sách tiền lương của ĐB được Phó Thủ tướng đánh giá là “rất xác đáng”. Đồng chí Lê Minh Khái khẳng định sẽ tiếp tục một số giải pháp để thực hiện cho bằng được Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách tiền lương và các nghị quyết có liên quan của Quốc hội, Chính phủ.

Theo Phó Thủ tướng, khi xây dựng báo cáo về việc này, Chính phủ đã dự báo khả năng giá cả tiêu dùng tăng nhẹ, chủ yếu là do tâm lý. Cung cầu hàng hóa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu. Công tác tuyên truyền cũng đã được chú trọng.

"Ngay từ khi chuẩn bị chính sách mới, Chính phủ đã có sự chỉ đạo, Ban chỉ đạo điều hành giá đã có công điện”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, tiếp thu ý kiến ĐB, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ Nội vụ, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu có giải pháp thực sự khả thi để hoàn thành những mục tiêu đề ra trong năm 2024, trong đó có kiểm soát giá tiêu dùng.

HT.jpeg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: QUANG PHÚC

Điều hành nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các ý kiến thảo luận đều thống nhất, trong bối cảnh hiện nay rất cần thiết thực hiện các nội dung cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, các khoản trợ cấp từ ngày 1-7-2004 để đảm bảo đời sống cho công chức, viên chức, người lao động, người nghỉ hưu và các đối tượng chính sách. ĐB thống nhất đề nghị Chính phủ, Quốc hội khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ theo thẩm quyền để cải cách toàn diện tiền lương, lương hưu, trợ cấp theo chủ trương của Đảng. Trước mắt cần triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả Kết luận số 83 của Bộ Chính trị để đảm bảo sự công bằng, công khai, minh bạch, tăng thu nhập cho người hưởng lương và trợ cấp.

Cũng tại phiên họp, Quốc hội đã thảo luận về việc gia hạn trả nợ các khoản vay tái cấp vốn cho Vietnam Airlines (VNA). Tổng kết nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, ĐB cơ bản đồng ý; song đề nghị quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn lực này kết hợp với các giải pháp khác, đặc biệt là giải pháp tự thân của VNA để nhanh chóng cải thiện tình hình tài chính cho VNA; khẩn trương hoàn thiện đề án tổng thể tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh việc cơ cấu lại toàn diện VNA. VNA và các cơ quan có liên quan cần dự báo rủi ro tiềm ẩn để xây dựng kịch bản đối phó, đảm bảo khả năng trả nợ và hoạt động liên tục, bình thường.

Tin cùng chuyên mục