Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu 8 nội dung phát triển kinh tế tập thể

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị, Văn phòng Chính phủ phối hợp Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khẩn trương trình Thủ tướng phê duyệt “Đề án Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp”.

Sáng 12-10, Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ VIII - 2023, chủ đề: “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp” được tổ chức tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại diễn đàn sáng 12-10

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại diễn đàn sáng 12-10

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, kinh tế tập thể là thành phần quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Đảng, Nhà nước cũng xác định rõ và coi kinh tế tập thể là một trong 4 thành phần kinh tế không thể thiếu, tạo nên sự ưu việt của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác sau khi được các hội nông dân hỗ trợ thành lập, đã làm ăn có lãi, tạo thêm nhiều công ăn việc làm và sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn, xây dựng được các thương hiệu sản phẩm OCOP; các mô hình hợp tác xã nông nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị ngày càng tăng, nhiều hợp tác xã đã đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP. Tuy vậy, các hợp tác xã hiện nay gặp không ít khó khăn, thách thức cả về vốn, đất đai, tiêu thụ nông sản cho đến năng lực quản trị, cơ chế, chính sách để vận hành, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị, thứ nhất là đánh giá đúng, đầy đủ bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan, khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể theo chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Nghị quyết số 20-NQ/TW.

Hai là, hội nông dân các cấp tiếp tục vận động, hướng dẫn thành lập mới nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác trên cơ sở các chi, tổ hội nghề nghiệp. Phấn đấu mục tiêu chung đến năm 2030, cả nước sẽ có 140.000 tổ hợp tác, 45.000 hợp tác xã với 2 triệu thành viên tham gia.

Ba là, Văn phòng Chính phủ phối hợp Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, Bộ NN-PTNT, Bộ KH-ĐT và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp”. Đề án phải đảm bảo tính khả thi, huy động được nguồn lực xã hội; phát huy và nâng cao hơn nữa vai trò của hội nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể, khuyến khích những cách làm mới, hình thành các chuỗi liên kết bền vững.

Bốn là, các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ cần tập trung nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do đại diện các hợp tác xã nêu, không đùn đẩy trách nhiệm.

Năm là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kinh tế tập thể; ưu tiên nguồn lực, bố trí kinh phí, cán bộ theo dõi về đổi mới kinh tế tập thể, hợp tác xã ở cơ quan, đơn vị từ Trung ương tới địa phương.

Sáu là, tăng cường hợp tác quốc tế để thu hút các nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nông nghiệp và mở rộng thị trường, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nguồn nhân lực các tổ chức kinh tế tập thể; xây dựng cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút đội ngũ tri thức trẻ làm việc tại các hợp tác xã, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao trong xây dựng chuỗi giá trị, hội nhập quốc tế.

Bảy là, các hợp tác xã phải chủ động, sáng tạo, đổi mới cách nghĩ, cách làm, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị; các sản phẩm phải có thương hiệu, chất lượng cao, đáp ứng thị trường trong nước và thế giới, nhất là gắn với thương hiệu Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Tám là, Hội Nông dân Việt Nam duy trì diễn đàn, tạo sân chơi bổ ích cho người nông dân chia sẻ, đề xuất các kinh nghiệm trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh; đồng thời nêu những đề xuất, kiến nghị để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương kịp thời có giải pháp, chính sách tháo gỡ.

Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn phát biểu khai mạc

Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn phát biểu khai mạc

Tại diễn đàn, ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, cho biết đến nay, Hội thu hút gần 570.000 lượt hộ nông dân gia các dự án, nhóm hộ xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh, thành lập được trên 23.000 mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả. Trong đó có trên 3.800 hợp tác xã và trên 19.000 tổ hợp tác đạt doanh thu bình quân mỗi hợp tác xã là 4,7 tỷ đồng, lợi nhuận 350 triệu đồng/năm; doanh thu bình quân mỗi tổ hợp tác khoảng 240 triệu đồng/năm, lợi nhuận đạt gần 40 triệu đồng/năm; số hợp tác xã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên ngày càng tăng với trên 700 hợp tác xã (chiếm gần 20%).

Ra mắt "Mạng lưới Nông dân Việt Nam xuất sắc"

Trong khuôn khổ diễn đàn, Báo Nông thôn Ngày nay (Dân Việt) ra mắt "Mạng lưới Nông dân Việt Nam xuất sắc", kết nối gần 800 nông dân xuất sắc trên cả nước đã được bình chọn, tôn vinh trong suốt 11 năm qua.

Ông Nguyễn Văn Hoài, Phó Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay (Dân Việt), cho biết, việc hình thành "Mạng lưới Nông dân Việt Nam xuất sắc" nhằm tập hợp, kết nối các nông dân Việt Nam xuất sắc của các thời kỳ để giao lưu, học hỏi, cùng tìm kiếm thị trường, hợp tác đầu tư; chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin trong sản xuất nông nghiệp.

Tin cùng chuyên mục