Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Kỳ vọng quy hoạch mới tạo xung lực để Bình Định bứt phá

Sáng 23-12, tỉnh Bình Định tổ chức công bố quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Đoàn công tác Trung ương cùng hàng trăm đại biểu, chuyên gia, doanh nghiệp đến dự.

Mở đầu buổi lễ, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thông tin về các điểm nhấn, tiềm năng và thế mạnh kinh tế, xã hội, văn hóa, lịch sử của tỉnh.

q48a5738-2463.jpg
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phát biểu tại sự kiện

Trong năm 2023, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 7,61% (kế hoạch từ 7 - 7,5%) xếp thứ 6/14 địa phương vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, thứ 1/5 địa phương vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Quy mô kinh tế của tỉnh xếp thứ 24/63 địa phương trong cả nước, thứ 5/14 địa phương vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, thứ 3/5 địa phương vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

mg-8388-8993.jpg
Hàng trăm đại biểu tham gia lễ công bố quy hoạch

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã công bố tóm tắt quy hoạch.

Theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ và văn hóa phía Nam của vùng; trung tâm lớn cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại.

mg-8395-7597.jpg
Ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định công bố quy hoạch

Đến 2050, Bình Định phát triển thành trung tâm kinh tế biển; trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng Việt Nam; trung tâm du lịch lớn của cả nước…

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, bản quy hoạch tỉnh Bình Định được công bố hôm nay được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh; cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3-11-2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thể hiện khát vọng của Đảng bộ và nhân dân Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ.

mg-8833-8098.jpg
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại sự kiện

Trong quy hoạch, tỉnh đóng vai trò là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại.

Quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới cho tỉnh Bình Định; được kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực mới để Bình Định phát triển đột phá và tạo ra kỳ tích về phát triển kinh tế - xã hội, với 5 trụ cột, 3 đột phá phát triển mà tỉnh đề ra.

Qua đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đưa ra 7 nhóm nhiệm vụ, yêu cầu Bình Định bám sát, thực hiện hiệu quả. Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai tốt quy hoạch. Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển với các tỉnh, thành phố khu vực. Công bố, công khai rộng rãi quy hoạch, quảng bá để thu hút các nguồn lực xã hội.

img-4291-392.jpg
Phó Thủ tướng tham quan gian hàng đặc trưng tỉnh Bình Định

Tỉnh khẩn trương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch một cách chi tiết, khoa học, phù hợp nguồn lực, điều kiện thực tiễn của địa phương. Tiếp tục huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác, để tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả.

Ưu tiên kết cấu hạ tầng giao thông có ý nghĩa chiến lược, kết nối Bình Định với các tỉnh khu vực, cả nước và quốc tế. Tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, nâng cao cạnh tranh các ngành, lĩnh vực có thế mạnh trên nền tảng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn.

mg-8437-5368.jpg
Phó Thủ tướng trao quyết định quy hoạch tỉnh Bình Định giai đoạn mới

Tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài theo định hướng phát triển tỉnh, nhất là nhân lực công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghệ, du lịch, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao…

Phó Thủ tướng cho biết thêm, thời gian tới, Chính phủ cùng các bộ, ngành Trung ương luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi và đồng hành cùng chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định, để thực hiện tốt quy hoạch giúp tỉnh phát triển tốt nhất.

q48a6092-3103.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng phát biểu cuối buổi lễ

Ưu tiên kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn

Tại lễ công bố, TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đánh giá cao quy hoạch giai đoạn mới tỉnh Bình Định. Ông cho rằng, đây là cả quá trình kế thừa, tích lũy xây dựng từ thực tiễn, tiềm năng phát triển của tỉnh.

z5001864759541-4e61bed070e2f7026802385e307a8528-1647.jpg
TS Trần Du Lịch phát biểu

Theo TS Trần Du Lịch, quy hoạch vốn đã khó, hiện thực càng khó hơn nhiều. Vì vậy, tỉnh Bình Định cần nỗ lực, có lộ trình chi tiết, xác định rõ giai đoạn bứt phá. Trong phát triển, ưu tiên công nghiệp chế biến, chế tạo, làm sao phát triển kinh tế, đô thị biển. Chú trọng phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Tỉnh có độ che phủ rừng rất lớn, diện tích rừng trồng lớn nên chú trọng phát triển rừng gỗ lớn, để đi nhanh vào thị trường carbon, kinh tế carbon… Ngoài ra, tập trung phát triển thế mạnh năng lượng tái tạo, nhất là điện gió ngoài khơi.

Chuyển đổi kinh tế xanh cần năng lực, nhân lực nên cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực kinh tế xanh, kinh tế số, công nghệ, thông tin. Chuyển dịch tư duy từ nhân lực xuất cư thành nhập cư…

Tại buổi lễ, nhiều đại diện doanh nghiệp gợi ý, Bình Định cần phát huy thế mạnh ngành công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip. Tiếp tục tìm kiếm các hợp tác mới để đào tạo nhân lực từ các nước tiên tiến, đẩy mạnh lĩnh vực này nhằm hiện thực Trung tâm Trí tuệ nhân tạo quốc gia.

Ký kết hàng loạt dự án với tổng hàng chục ngàn tỷ đồng

Tại buổi lễ, Bộ GTVT đã trao quyết định phê duyệt quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Mục tiêu, đến 2030, sân bay Phù Cát đạt cấp 4C, sân bay quân sự cấp I – công suất 5 triệu hành khách/năm và 12.000 tấn hàng hóa/năm; loại tàu bay khai thác là code C như A320/A321 và tương đương; phương thức tiếp cận hạ cánh: CAT II.

img-4356-9509.jpg
Trao ghi nhớ đầu tư dự án điện gió ngoài khơi cho tập đoàn Đức tổng vốn 4,6 tỷ đồng

Dịp này, Bình Định trao chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư 22 dự án trên địa bàn tỉnh, với tổng vốn trên 12.400 tỷ đồng; trao bảng ghi nhớ đầu tư 20 dự án tổng vốn trên 90.000 tỷ đồng; trao ghi nhớ đầu tư cho 2 dự án điện gió ngoài khơi tổng vốn 9,4 tỷ USD…

Tin cùng chuyên mục