Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam lần thứ 17 - VESF 2025 với chủ đề “Cải cách - kiến tạo kỷ nguyên tăng trưởng và thịnh vượng: Giải pháp đột phá đạt mục tiêu tăng trưởng cao và phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới” được Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cùng với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp tổ chức chiều 7-1. Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc tham dự.
Đánh giá cao sáng kiến tổ chức diễn đàn, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc khẳng định, diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam được tổ chức hàng năm đã đóng góp nhiều sáng kiến để Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành kinh tế phát triển mạnh hơn, bền vững hơn.
Nhìn lại kết quả đạt được năm vừa qua, Phó Thủ tướng đánh giá, cả nước đã hoàn thành 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội; GDP đạt 7,09% - là chỉ tiêu cao; quy mô kinh tế tăng 2 bậc, đứng thứ 33 trên thế giới. Thu ngân sách vượt dự toán đặt ra. Đặc biệt, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt xấp xỉ 800 tỷ USD, xuất siêu 24 tỷ USD; đây là con số “xô đổ mọi kỷ lục”.
Thông tin đến diễn đàn về 3 nhóm giải pháp hết sức quan trọng của Chính phủ, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhận định, hoàn thiện chính sách tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng để tạo bước đột phá phát triển mạnh mẽ hơn. Cùng với đó là phát triển cơ sở hạ tầng. Theo Phó Thủ tướng, năm 2025, dự kiến sẽ dành khoảng 800 nghìn tỷ đồng từ nguồn đầu tư công để triển khai các công trình trọng điểm như đường cao tốc, bến cảng, sân bay Long Thành, đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Thứ 3, nhưng hết sức quan trọng, là giải pháp về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trước đó, khai mạc diễn đàn, TS Chử Văn Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam chia sẻ, diễn đàn VESF năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt, do đây là năm cuối của giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025 và là năm bản lề, tạo bước chuyển bứt phá cho giai đoạn phát triển mới 2026-2030.
Diễn đàn được cấu trúc thành 3 phiên (1 phiên tham luận và 2 phiên thảo luận). Phiên tham luận về chủ đề "Bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực năm 2025: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam", với các chia sẻ thông tin, phân tích và đưa ra các nhận định từ chuyên gia kinh tế của Ngân hàng HSBC, UOB Singapore kết hợp với các ý kiến đánh giá từ chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam. Trong 2 phiên thảo luận, phiên thứ 1 có chủ đề “Cải cách thể chế: Tháo gỡ điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực đẩy tốc lực tăng trưởng”. Phiên thứ 2 có chủ đề “Kiến tạo thể chế: Khai phóng và bứt phá các nguồn lực, động lực mới”.