Chia sẻ bên hàng lang Quốc hội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Temu vừa xuất hiện tại Việt Nam và nền tảng này cũng nằm trong diện phải nộp thuế như Google, Facebook…
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay đã yêu cầu Tổng Cục Thuế rà soát, yêu cầu nền tảng này kê khai nộp thuế và thu thập các dữ liệu thống kê. “Trường hợp Temu không nộp thuế, cơ quan quản lý sẽ tổ chức thanh tra, xử lý”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói.
Gần đây có quảng cáo của sàn giao dịch Temu rất rầm rộ, giảm giá mạnh đến 70%, đại biểu Quốc hội (ĐB) Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) đánh giá đây là sự cảnh báo rất lớn, có thể người dân tập trung mua và không còn thị trường trong nước, quan ngại hàng giá rẻ này sẽ triệt tiêu hàng hóa trong nước. Chúng ta cần có hành động, không thể cấm nhưng phải có kiểm soát về chất lượng hàng hóa, thời gian qua đã có hàng Trung Quốc nhưng dán dán mác Việt Nam.
Cùng với đó, cần xem chính sách miễn thuế nhập khẩu với hàng hóa giá trị dưới 1 triệu đồng bây giờ tràn lan có cần tính đến yếu tố đó không, cần tính đến tăng cường năng lực cho các sàn thương mại điện tử trong nước, để tránh tạo điều kiện cho hàng hóa nước ngoài tràn vào.
Hoạt động thương mại điện tử có đến trên 95% là sàn giao dịch nước ngoài, cần có chính sách xây dựng sàn trong nước. Tôi cho rằng gắn liền với kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, cần có chính sách phát triển sàn giao dịch trong nước để phát triển kinh tế số.
Trong phiên thảo luận tại tổ, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, giao dịch trên 5 sàn thương mại điện tử lớn hiện nay tại Việt Nam đạt khoảng 1 tỷ đô la (USD) mỗi tháng. Trong 9 tháng đầu năm, tổng giao dịch trên các sàn này đạt khoảng 8,9 tỷ đô la, tương đương khoảng 225.000 tỷ đồng, tức mỗi tháng khoảng 25.000 tỷ đồng. So với tổng giao dịch bán lẻ của cả nước, con số này vẫn còn khiêm tốn.
Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm trước, đây là một mức tăng trưởng rất nhanh, phù hợp với xu thế phát triển của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số.
Song song với sự phát triển này, một số vấn đề nổi lên, như gian lận thương mại và trốn thuế trên các nền tảng giao dịch điện tử, đã được báo chí phản ánh trong thời gian gần đây. Chính vì vậy, chúng ta cần phải xem xét kỹ vấn đề này.
Theo ĐB Trần Hoàng Ngân, đáng mừng là trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật như Luật Chứng khoán, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế... đã cập nhật nội dung này, nhất là Luật Quản lý thuế.
Điều này cho thấy thể chế của chúng ta đã cập nhật bổ sung, dù có phần chậm trễ nhưng đã đáp ứng kịp thời, cấp bách và cần thiết trong việc quản lý thuế đối với các hoạt động thương mại điện tử.
Theo đó, các bộ, ngành Trung ương và các cơ quan liên quan sẽ có trách nhiệm phối hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin kết nối nhằm chia sẻ dữ liệu về đối tượng kinh doanh thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số, để hỗ trợ công tác quản lý thuế.
Các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, và các tổ chức tài chính khác cũng có trách nhiệm cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch trong lĩnh vực này.
Quy định này giúp đảm bảo tính chặt chẽ trong quản lý doanh thu và phòng chống thất thu thuế từ các giao dịch thương mại điện tử. Quan trọng hơn, quy định này sẽ đảm bảo tính minh bạch, công bằng cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước và quốc tế, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong lần sửa đổi luật này, chúng ta cũng quy định rõ ràng rằng các nhà cung cấp dịch vụ ở nước ngoài có hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ phải thực hiện nghĩa vụ đăng ký, khai thuế, và nộp thuế tại Việt Nam, thông qua phương thức trực tiếp hoặc ủy quyền theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Đây là những quy định rất cần thiết để đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp, đồng thời bảo vệ người tiêu dùng, đảm bảo xuất xứ và chất lượng hàng hóa, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh.