Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Bảo hiểm xã hội có 1.242.000 tỷ đồng là số dư trên sổ sách

Sáng 5-11, tại phiên thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2024, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2025, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội (ĐB) quan tâm.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: VIẾT CHUNG
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: VIẾT CHUNG

Về tiết kiệm chi, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, tiết kiệm chi thường xuyên chủ yếu tiết kiệm ở sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp đô thị, chi phí công tác phí, hội nghị tiếp khách và các mua sắm nhỏ, còn lương và các khoản phụ cấp lương gần như không tiết kiệm được.

Chính phủ đã ban hành định mức từ đầu nhiệm kỳ. “Thực ra tiền lương đã chiếm 45%, còn 55% là các khoản chi khác, đầu nhiệm kỳ đã ra quyết định giảm 10% và chúng tôi đã cắt luôn 10% ngay từ khi giao dự toán, sau đó giảm tiếp 5% và đợt này lại giảm tiếp 5% nữa là 20%, không thể cắt giảm được nữa”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu.

Theo đồng chí Hồ Đức Phớc, việc chi thường xuyên đã rất tiết kiệm rồi, hiện giờ khuyến khích các bộ, ngành, các địa phương có thể tiết kiệm được các khoản chi khác như công tác phí hay hội nghị... Trong năm 2024, Bộ Tài chính đã trình cả nước giảm tiết kiệm được khoảng 7.000 tỷ đồng chi thường xuyên, trong đó đối với bộ, ngành chỉ được 1.000 tỷ đồng. 5% tiếp tục tiết kiệm để chi vào vấn đề xóa nhà dột nát, tạm bợ...

1.jpg
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: VIẾT CHUNG

Về vấn đề tự chủ tài chính, đồng chí Hồ Đức Phớc cho biết, có các mức tự chủ, tự chủ một phần như tự chủ thường xuyên, tự chủ đầu tư. Một số đơn vị tự chủ toàn diện như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K vừa rồi quay trở lại xin tự chủ một phần là chi thường xuyên cũng được Chính phủ đồng tình, còn phần đầu tư, mua sắm cơ sở vật chất vẫn là ngân sách đảm bảo để những bệnh viện này phục vụ chữa trị bệnh cho nhân dân, là những tuyến cuối nên cần được hỗ trợ.

Các loại tài sản để quản lý trong các đơn vị sự nghiệp đã quy định rất rõ trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sửa đổi) trên quan điểm rất thoáng, có liên doanh, liên kết, cho thuê nhưng không được làm mất tài sản của Nhà nước và mất đất của Nhà nước, có thể cho thuê nhưng không thể để như trước đây, liên doanh, liên kết, họ làm lỗ, sau đó lấy cả đất đai, cả tài sản.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng giải trình ý kiến về các quỹ. Trước ý kiến cho rằng quỹ bảo hiểm xã hội có 1.242.000 tỷ đồng là số dư, theo đồng chí Hồ Đức Phớc, đây là số dư trên sổ sách, số dư này dùng để trả lương hàng tháng cho những người hưu trí và để thực hiện đúng quy định.

Số dư này không phải nằm ở trên tài khoản tiền gửi, số dư này đã được đầu tư vào trái phiếu Chính phủ 80%, còn 20% gửi ở các ngân hàng thương mại nhưng chủ yếu là 5 ngân hàng thương mại của Nhà nước, không gửi vào các ngân hàng khác vì sợ sẽ rủi ro như các các nhiệm kỳ trước đây.

Với huy động được nguồn trái phiếu Chính phủ, đồng chí Hồ Đức Phớc cho hay, Quốc hội năm 2023 giao cho Bộ Tài chính huy động 400.000 tỷ đồng, hiện nay huy động được 268.000 tỷ đồng thì đang còn hơn 100.000 tỷ đồng, tức là huy động chưa hết. Khoản huy động này để bù vào bội chi ngân sách Quốc hội đã duyệt.

Khoản chi này về bản chất là đầu tư vào các công trình xây dựng cơ bản, các công trình đầu tư công hiện nay. Các quốc gia khác cũng đầu tư vào trái phiếu của Chính phủ là phần nhiều, việc này vừa có lợi ích cho Chính phủ nhưng vừa đảm bảo độ an toàn cho bảo hiểm xã hội.

Theo đồng chí Hồ Đức Phớc, quỹ ngân sách gửi ngân hàng là một khoản gửi tạm thời, đã có dự chi nhưng vì chưa giải ngân được, chưa chi tiêu được. Ví dụ chương trình mục tiêu quốc gia chưa chi tiêu được thì gửi, khi nào có khối lượng, có thủ tục sẽ rút ra hoặc chi đầu tư công đang còn tồn; tập trung vào gửi ở Ngân hàng Nhà nước quản lý để đảm bảo tính thống nhất và an toàn (chỉ để một phần rất nhỏ gửi ở một số ngân hàng thương mại nhưng là thương mại nhà nước). Vấn đề này đã được các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và kiểm tra Đảng rất đồng tình với cách điều hành của Chính phủ.

Về vấn đề thất thu ngân sách, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, 4 năm qua chúng ta đã thực hiện chính sách tài khóa mở rộng (đã giảm thuế cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời tăng chi ngân sách), đã thúc đẩy nền kinh tế 4 năm. Tuy nhiên, qua 4 năm thu ngân sách đã vượt thu gần 1 triệu tỷ đồng và nhờ đó mới làm được đường giao thông, mở đường cao tốc, làm sân bay, làm bến cảng, an sinh xã hội và đầu tư các kết cấu hạ tầng.

Để vượt thu được 1 triệu tỷ đồng này, ngành thuế và ngành hải quan phải thay đổi toàn diện về phương thức thu, từ phương thức thủ công chuyển sang phương thức thu điện tử, thu sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, sàn thương mại điện tử trong nước, thu thuế bất động sản một giá và nhiều khoản thu khác.

Về sàn thương mại điện tử, Bộ Tài chính đã thu thuế sàn thương mại điện tử xuyên biên giới. Có 102 nhà cung cấp nước ngoài, như Facebook, Google đã nộp thuế được 18.600 tỷ đồng, còn sàn thương mại điện tử trong nước năm nay bắt đầu thu, riêng TP Hà Nội đến nay được 35.000 tỷ đồng. Trong tuần sau, Bộ Tài chính sẽ ra mắt một công cụ dùng AI để kiểm soát những vấn đề doanh thu và mua bán trên sàn thương mại điện tử.

Tin cùng chuyên mục