Khách về quê đông dần
Ghi nhận tại Bến xe miền Tây vào lúc 8 giờ sáng 10-1, những chiếc xe chở đầy khách liên tục xuất bến, chạy về Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang, Trà Vinh. Nhiều hành khách mang lỉnh kỉnh hành lý, vali… để về quê đón tết. Nhiều xe trung chuyển vừa thả khách xuống đã lập tức quay vào trung tâm đón khách cho chuyến tiếp theo. Chị Nguyễn Thị Thúy Ngân (huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang) cùng bạn đi chuyến xe 9 giờ từ TPHCM về Vĩnh Thuận. Lo sợ kẹt xe nên chị có mặt tại bến lúc 7 giờ 30. Công ty cho nghỉ sớm nên trước đó một tuần, chị đã đặt vé. “Thời điểm này, tôi về quê để có thể phụ giúp gia đình làm đẹp nhà cửa, mua sắm đồ tết”, chị Ngân vui vẻ nói.
Ông Đặng Nguyễn Nguyên Huân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe miền Tây, cho biết, hiện nay khách về quê ăn tết bắt đầu đông dần. Tuy nhiên, vì cự ly đi các tỉnh, thành ĐBSCL ngắn, nên thường sau 26 tháng Chạp mới đông khách. Nhờ vậy, các doanh nghiệp có thể chạy quay đầu liên tục để tăng cường xe vào những ngày cao điểm, đáp ứng nhu cầu của khách. Dự kiến, ngày 12-1 có 1.050 lượt xe với 25.000 khách; cao điểm nhất là ngày 19-1, có khoảng 1.600 lượt xe, tương ứng 49.000 lượt khách.
Trong khi đó, ông Nguyễn Lâm Hải, Phó Giám đốc Bến xe miền Đông (mới), ước tính, hiện tại hành khách đến bến đón xe về quê ăn tết tăng khoảng 30% so với ngày thường. Ở Bến xe miền Đông (cũ), theo lịch trình, đối với khu vực Tây Nguyên từ ngày 26 tháng Chạp mới có nhiều khách đến bến xe. Nguyên do, một số doanh nghiệp, công ty đã cho nghỉ sớm và nghỉ nhiều ngày, thậm chí cho nghỉ gần 1 tháng nên khách đi xe máy về quê khá nhiều.
Chúng tôi có mặt tại ga Sài Gòn vào trưa 10-1, thời điểm khách ra ga đi tàu SE22 tuyến TPHCM - Đà Nẵng. Nhìn chung không khí khá vắng vẻ. Hành khách ngoài mang hành lý, còn có thêm giỏ quà tết, cành mai, cành đào và lịch năm 2023. Theo Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn, trong ngày 10-1 có 8 chuyến tàu xuất phát từ ga Sài Gòn, tăng 1 chuyến so với ngày 9-1. Cao điểm từ ngày 23 tháng Chạp, tàu sẽ chạy 18 chuyến và tăng dần đến ngày 29 tháng Chạp. Ngành đường sắt cũng tổ chức chạy thêm chuyến tàu SD2 từ Sài Gòn đi Diêu Trì vào ngày 20-1; mở thêm ghế phụ vào các ngày trước tết đi đến tất cả các ga. Hiện nay, chiều TPHCM - Hà Nội còn gần 7.000 chỗ, trong đó: còn vé đến tất cả các ga vào các ngày 12-1 trở về trước và ngày 21-1, các ngày cao điểm từ ngày 13-1 đến 20-1 chủ yếu còn ghế phụ.
Đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, hiện tại chuyến bay nhiều nhất vào sau 17 giờ. Trong thời gian phục vụ cao điểm Tết Quý Mão 2023, sân bay Tân Sơn Nhất duy trì sử dụng cổng 15, 26 để tăng diện tích cho hành khách ngồi chờ và nâng cao chất lượng dịch vụ. Tại các cửa đến, có lực lượng an ninh, nhân viên, lực lượng đoàn thanh niên tình nguyện hỗ trợ hành khách. Đối với việc đưa đón khách, sân bay yêu cầu các đơn vị vận tải tăng số lượt xe vận chuyển lên hơn 20%, hiện nay trung bình 11.500 lượt/ngày, trong đó taxi 5.700-6.000 lượt, xe hợp đồng 1.800-2.000 lượt, xe công nghệ 5.500-6.000 lượt. Các đơn vị linh hoạt điều chỉnh phương án phân làn, điều hành taxi, xe công nghệ. Dự kiến vào các khung giờ cao điểm, taxi sẽ sử dụng làn C và một phần làn D; xe công nghệ hoạt động tại các làn D1, D2 và một phần của làn D. Sân bay tăng cường phối hợp với Đồn Công an Cảng Tân Sơn Nhất, Thanh tra Sở GTVT TPHCM trong việc xử lý các trường hợp cò mồi, chèo kéo bắt khách, taxi dù hoạt động trái phép.
Ngưng đào đường, làm đẹp phố phường
Những ngày giáp tết, từ mặt đường đến vỉa hè hàng loạt tuyến đường ở các quận trung tâm TPHCM được khoác “áo mới” sạch sẽ, đẹp hơn. Nhiều tuyến đường được thảm nhựa mới, với vạch phân làn, phân luồng, vạch người đi bộ được sơn, kẻ lại sáng bóng hơn.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, yêu cầu các phòng ban liên quan trực thuộc gấp rút tân trang hàng loạt tuyến đường, tăng cường hoa kiểng và dọn dẹp vệ sinh tại một số khu vực trung tâm. Trong đó, ngoài khu vực trung tâm quận 1, các tuyến đường dẫn từ cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm thành phố, xa lộ Hà Nội, Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, mảng xanh ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm… được tăng cường hoa kiểng, cây xanh. Vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm - Điện Biên Phủ, vòng xoay Dân Chủ… được tăng cường cây hoa kiểng, đèn hoa; cải tạo bồn kiểng khu vực Cột cờ Thủ Ngữ trên địa bàn quận 1; thay hoa, cắt tỉa tạo dáng cây xanh tại bồn hoa trong các công viên, có sử dụng các loại hoa màu sắc đẹp, tươi sáng.
Các khu quản lý giao thông đô thị và Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn được yêu cầu thường xuyên tuần tra để bảo vệ và phát hiện kịp thời những cây chết khô, sâu bệnh, mục gốc; qua đó kịp thời đốn hạ, thay thế nhằm đảm bảo an toàn cho người dân. Lực lượng chuyên trách sẽ tổ chức kiểm tra, thay thế các bóng đèn chiếu sáng công cộng bị hư hỏng, cũng như tăng cường chiếu sáng cho các khu vui chơi và trang trí lễ hội tại một số khu vực, như lễ hội chào đón năm mới tại khu vực trung tâm thành phố, Hội Hoa xuân tại Công viên Tao Đàn, chợ hoa tết tại Công viên Lê Văn Tám, Đường hoa Nguyễn Huệ, khu vực hồ Con Rùa, Công trường Quốc tế, Công viên Gia Định…
Bà Trần Thị Vân Trang, Chánh Thanh tra Sở GTVT TPHCM, cho biết, thanh tra đã phối hợp với Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, các cơ quan chức năng yêu cầu các đơn vị thi công công trình tạm ngưng thi công, thu hẹp, tháo dỡ rào chắn, khẩn trương dọn dẹp vệ sinh khu vực công trường, tái lập mặt đường nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc vui chơi, giải trí và việc đi lại của người dân trong dịp tết.
Bố trí lực lượng 24/24 điều tiết giao thông
Chánh Thanh tra Sở GTVT TPHCM Trần Thị Vân Trang cho biết, trong đợt cao điểm tết sẽ bố trí lực lượng trực 24/24 giờ hỗ trợ lực lượng chức năng điều tiết giao thông tại các khu vực trọng điểm bến xe, bến phà, hầm vượt sông Sài Gòn, cảng Cát Lái, sân bay Tân Sơn Nhất, tuyến xa lộ Hà Nội… Duy trì chế độ liên lạc 24/24 giờ giữa lãnh đạo thanh tra sở và ban chỉ huy các đội trực thuộc, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan để kịp thời nắm bắt, chỉ đạo, triển khai công tác kiểm tra hoặc hỗ trợ thực hiện các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, điều tiết khi xảy ra các sự cố, ùn tắc giao thông. Đặc biệt, lực lượng thanh tra tăng cường hoạt động kiểm tra tại các nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất, ga Sài Gòn; tại các Bến xe miền Đông (cũ), miền Đông (mới), Bến xe miền Tây, An Sương, Ngã tư Ga; phối hợp xử lý tình trạng xe khách chở quá số người quy định, lắp thêm ghế, giường để “nhồi nhét” hành khách...
Chưa phát hiện xe giường nằm vi phạm
Ngày 10-1 là ngày đầu tiên TPHCM thực hiện lệnh cấm ô tô chở khách giường nằm lưu thông vào nội đô trong khoảng thời gian 6 giờ - 22 giờ. Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, Thanh tra Sở GTVT, Cảnh sát giao thông đã tuần tra, đứng chốt các cửa ngõ, các tuyến đường có gắn biển cấm. Đến cuối ngày, không ghi nhận trường hợp nào vi phạm. Nguyên nhân được lý giải là do công tác tuyên truyền sâu rộng, treo bảng thông báo, đặt biển báo khu vực cấm, hình thức phạt khá nặng (tước bằng lái 2 tháng) nên nhiều tài xế không dám vi phạm.
Taxi có bãi đậu sát sân bay Tân Sơn Nhất
Ngày 10-1, khu đất hơn 3.500m² hình tam giác ngay dưới chân cầu vượt sân bay Tân Sơn Nhất, tiếp giáp đường vào nhà ga quốc tế, góc đường Bạch Đằng - Trường Sơn - Hồng Hà, được rào quanh bằng lưới B40 kiên cố.
Khu đất này được UBND TPHCM chấp thuận cho bố trí bãi đậu xe trong 1 tháng cao điểm phục vụ Tết Quý Mão. UBND TPHCM giao đơn vị quản lý sân bay Tân Sơn Nhất xây dựng phương án và tổ chức điều hành bãi đậu xe tạm. Sở Xây dựng chủ trì, khẩn trương phối hợp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất kiểm tra hiện trường để lắp đặt thêm hạng mục cho việc đi lại an toàn. Công an TPHCM tăng cường kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng dừng đậu xe sai quy định trên các tuyến đường xung quanh bãi đậu xe tạm.