Mới đây, Phở Hà Nội đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Tri thức dân gian. Đây không chỉ là sự tôn vinh các giá trị văn hóa, ẩm thực đặc sắc của phở Hà Nội mà còn là tiền đề quan trọng để món ăn hồn cốt này của Hà Nội sớm được UNESCO công nhận Phở Hà Nội là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới.
Dù là món ăn rất nổi tiếng nhưng nguồn gốc của phở Hà Nội vẫn là đề tài còn nhiều ý kiến khác nhau. Một số tài liệu lịch sử cho biết, phở xuất hiện ở Hà Nội vào đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên đến khoảng năm 1938 – 1942, lúc đó phở mới thực sự trở thành một món quà rong phổ biến trên phố phường Hà Nội. Sự ra đời của phở gắn liền với bối cảnh lịch sử, xã hội đặc biệt của Hà Nội đầu thế kỷ 20. Món ăn này được cho là kết quả của sự giao thoa văn hóa ẩm thực giữa người Việt, người Hoa và người Pháp. Người Pháp đưa đến thói quen ăn thịt bò, người Hoa góp phần tinh chỉnh kỹ thuật nấu nướng, còn người Việt sáng tạo nên cách thức chế biến độc đáo, tạo nên hương vị đặc trưng của phở Hà Nội.
Phở Hà Nội xưa thường được bán trên các gánh hàng rong với nước dùng đậm mùi quế, hồi, xương và thịt bò ninh cùng một số gia vị khác. Bánh phở Hà Nội là loại vừa, không quá dày để giữ được độ mềm mại quyện với nước dùng cùng với thịt bò chín vừa tới và bên trên là các loại rau thơm như: hành lá, rau mùi, hành củ.
Dẫu nguồn gốc của phở bắt nguồn từ đâu thì Phở Hà Nội lâu nay đã trở thành món ăn không chỉ được người dân Việt Nam ưa thích mà còn khiến bạn bè, du khách quốc tế ngưỡng mộ, trân trọng. Ngày nay, Phở Hà Nội được bày bán ở khắp nơi, từ các nhà hàng sang trọng cho tới các quán bình dân vỉa hè. Người ta không chỉ chủ yếu ăn phở vào buổi sáng mà Phở Hà Nội còn được ăn trưa, ăn tối và cả ăn đêm. Bên cạnh hương vị truyền thống, thịt trong phở cũng đa dạng hơn, cùng với phở bò chín truyền thống thì còn có thêm phở bò xào lăn, bò tái nạm, tái gầu, tái gân, sốt vang, cho tới phở gà, phở trâu và cả phở dê.
Thống kê của Phòng Quản lý Di sản, Sở VH-TT Hà Nội, tất cả 30/30 quận huyện, thị xã của Hà Nội đều có hàng phở và tính đến năm 2023, Hà Nội có gần 700 cửa hàng phở. Trong đó, những hàng phở Hà Nội nổi tiếng, gia truyền tập trung chủ yếu trên địa bàn các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình và Hai Bà Trưng.
Mới đây, trên cơ sở đề xuất của UBND TP Hà Nội với chủ thể của món phở chính là những cá nhân, gia đình trực tiếp thực hành và nắm giữ những tri thức, kỹ năng, kỹ thuật, bí quyết chế biến phở, được trao truyền qua nhiều thế hệ, thể hiện yếu tố tiếp nối bản sắc và thương hiệu, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch đã có quyết định công nhận nhận “Tri thức dân gian Phở Hà Nội” là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Theo nhiều chuyên gia ẩm thực, việc công nhận Phở Hà Nội trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia là cơ sở pháp lý rất tích cực để bảo tồn, phát huy và lan tỏa giá trị của phở Hà Nội ra khắp thế giới. Hơn nữa đây cũng là bước tiến quan trọng trên con đường đưa Phở Hà Nội trở thành Di sản văn hóa phi vật thể thế giới.