Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, hiện nay, số lượng vaccine Vero Cell đến cuối ngày 30-9 trong kho HCDC còn trên 600.000 liều. Đó là chưa kể số đã phân về các quận huyện, TP Thủ Đức còn trong kho các quận huyện, TP Thủ Đức. Do đó, TPHCM khẳng định, không có chuyện hết vaccine Vero Cell.
Ngày 1-10, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, từng bước nới lỏng giãn cách xã hội. Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.
“Không có chuyện hết vaccine Vero Cell”
Liên quan đến thông tin hết vaccine Vero Cell trong khi nhiều người đến hạn tiêm mũi 2 vaccine này, Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, hiện nay số lượng vaccie Vero Cell đến cuối ngày 30-9 trong kho HCDC còn trên 600.000 liều.
Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM Phạm Đức Hải chủ trì họp báo. Ảnh: VĂN MINH Đó là chưa kể số đã phân về các quận huyện, TP Thủ Đức còn trong kho các quận huyện, TP Thủ Đức. “Không có chuyện hết vaccine Vero Cell”, Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm khẳng định.
Về tỷ lệ tiêm chủng cho người trên 50 tuổi tại TPHCM, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm giải thích: “Cách đây mấy ngày, tôi công bố gần 100% người trên 50 tuổi tiêm mũi 1. Hôm nay, các quận huyện cập nhật, rà soát điều chỉnh là 95% người trên 50 tuổi đã tiêm mũi 1 và 60% mũi 2”.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC). Ảnh: MẠNH HÒA Tính đến 18 giờ ngày 30-9, TPHCM có 389.202 người mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố. Số bệnh nhân nặng đang thở máy giảm liên tục và đến ngày 30-9 còn 1.568 trường hợp.
Trong ngày 30-9, có 2.046 bệnh nhân nhập viện, trong khi có 2.866 bệnh nhân xuất viện. Số bệnh nhân xuất viện cao hơn con số nhập viện. Và đặc biệt, số trường hợp tử vong trong ngày là 96 trường hợp (ngày 29-9 là 106 trường hợp, ngày 28-9 là 113 trường hợp, ngày 27-9 là 131 trường hợp).
Tiêm vaccine cho người lao động
Trao đổi về việc người lao động không được tiêm vaccine theo chỉ định của bác sĩ, đi nhiều bệnh viện vẫn chưa được tiêm vậy họ làm sao để được đi làm, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai nhấn mạnh, những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đều gắn với bảo vệ, đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Việc tiêm vaccine là để đảm bảo những người lao động có thể tự bảo vệ sức khỏe bản thân mình khi trước nguy cơ mắc Covid-19 trong môi trường làm việc, nhất là giai đoạn mới.
Về những trường hợp từng bị sốc phản vệ, có chống chỉ định tiêm vaccine, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho rằng, những trường hợp này không nhiều. Những trường hợp này phải đánh giá, phân tích rất rõ. Câu trả lời việc đi làm được hay không sẽ thuộc về cá nhân của người lao động và người sử dụng lao động.
Trong trường hợp chủ sử dụng lao động có thể đảm bảo cho người lao động làm việc ở nhà trong giai đoạn này thì người lao động có thể được sử dụng để làm việc trực tuyến. Khi cơ sở đủ điều kiện hoặc vị trí việc làm đó phải bắt buộc người đó phải có mặt, thì chủ cơ sở và cá nhân người người lao động phải cam kết, phải xem xét việc tăng cường bảo vệ cho người lao động đó.
Đồng thời, Tổ phòng chống Covid-19 tại cơ sở phải thông tin cho chính quyền địa phương để có sự hỗ trợ. Những trường hợp đó cần có báo cáo là trường hợp ngoại lệ.
Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai. Ảnh: MẠNH HÒA Về vụ việc bệnh viện tư nhân thu tiền hàng trăm triệu để điều trị bệnh nhân Covid-19, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, đây là một vụ việc cụ thể tại TPHCM. Sở Y tế TPHCM đã có văn bản 6928 ngày 27-9 về cơ chế tài chính với các cở sở y tế tư nhân chuyển đổi công năng điều trị Covid -19. Văn bản này đã được chuyển tới giám đốc các cơ sở y tế ngoài công lập.
Văn bản hướng dẫn rất rõ: đối người mắc Covid-19 thì ngân sách nhà nước sẽ chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh do Covid-19 gồm: tiềm khám bệnh, giường, dịch vụ kỹ thuật, thuốc (trừ thuốc Remdesivir 100mg, Molnupiravir 400mg đã được Sở Y tế cấp), máu, dịch truyền theo hướng dẫn có Bộ Y tế. Bệnh viện không thu thêm tiền của người bệnh.
Đối với các bệnh khác, người có thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ được Quỹ BHYT thanh toán toàn phần chi phí khảm bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng. Đối với phần chi phí đồng chi trả hoặc ngoài phạm vi hưởng BHYT nếu có, người bệnh phải tự chi trả theo quy định và người không có thẻ BHYT tự chi trả chi phí khám, điều trị theo mức giá theo Nghị quyết 16 của Chính phủ.
Liên quan đến chi phí này, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, công văn có hướng dẫn về trách nhiệm của cơ sở y tế tư nhân tổ chức khám chữa bệnh cho người mắc Covid-19 theo quy định và đảm bảo quyền lợi người mắc Covid-19 khi khám, chữa bệnh.
Bệnh nhân Covid-19 xuất viện, trở về nhà (ảnh chụp trên đường Võ Văn Tần, quận 3, chiều 1-10). Ảnh: HOÀNG HÙNG Cụ thể, các cơ sở không từ chối hoặc yêu cầu người mắc Covid-19 ký cam kết tự nguyện chi trả toàn bộ chi phí (như yêu cầu người bệnh không sử dụng ngân sách Nhà nước, thẻ BHYT...), không được thêm thu phí điều trị Covid -19 của người bệnh.
Các chi phí phục vụ khác theo yêu cầu ngoài phạm vi chi trả của ngân sách nhà nước (như: tiền phòng, tiền ăn theo yêu cầu, các dịch vụ tiện ích khác tăng thêm khác theo yêu cầu của người bệnh…) được thu tiền của người bệnh theo thỏa thuận giữa bệnh viện và người bệnh, nhưng không vượt quá mức giá mà bệnh viện đã kê khai với Sở Y tế (nếu có).
Các cơ sở cũng phải công khai giá dịch vụ, thuốc, vật tư y tế, giá các dịch vụ tiện tích theo yêu cầu; thông báo cho người bệnh Covid-19 các khoản được ngân sách nhà nước, Quỹ BHYT thanh toán và phần chi phí người bệnh phải đóng.
Liên quan đến trường hợp cụ thể, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai khẳng định, Sở Y tế TPHCM đang phối hợp các cơ quan chức năng để xác minh.
VĂN MINH - MẠNH HÒA