Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Ngọc Hòa: Lấy thực trạng quyết định giải pháp

Sau hơn 10 tháng đưa vào vận hành đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, đến ngày 3-10 vừa qua, TPHCM tiếp tục triển khai đề án Truy xuất nguồn gốc đối với thịt và trứng gia cầm.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa
Ông Nguyễn Ngọc Hòa
Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công, để làm rõ kết quả và những vấn đề đặt ra trong quá trình triển khai thực hiện đề án.

- Phóng viên: Ông có thể đánh giá sơ bộ việc thực hiện truy xuất nguồn gốc thịt heo, trứng và thịt gia cầm?

>> Ông Nguyễn Ngọc Hòa: Sau thời gian thực hiện việc truy xuất, có thể rút ra mấy vấn đề lớn sau đây: Thứ nhất, việc truy xuất đã giúp thị trường trở nên minh bạch với đầy đủ thông tin về sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Thứ hai, với những chủ thể tham gia quá trình truy xuất, nếu ý thức và chủ động thực hiện, họ sẽ khẳng định được giá trị, thương hiệu, giúp doanh nghiệp (DN) phát triển ổn định hơn. Thông qua truy xuất, không chỉ người tiêu dùng có thông tin mà cả nhà sản xuất, phân phối cũng đều có thông tin; qua đó, việc kết nối cung cầu, tìm hiểu thông tin về mặt hàng đó tốt hơn. Thứ ba, qua quá trình truy xuất, chúng ta hình thành được quy trình của một sản phẩm từ sản xuất đến tiêu dùng.

Như vậy, sau thời gian thực hiện đã có khoảng 35% tổng sản lượng thịt heo được truy xuất nguồn gốc. Với thịt gia cầm, sản lượng các DN đăng ký lên đến 200.000 con, trứng gia cầm 2,5 triệu quả. Sau quá trình thực hiện, tôi thấy tương đối yên tâm với mặt hàng trứng và thịt gia cầm, nhưng thịt heo không đạt kết quả như mong muốn, thậm chí có xu hướng thụt lùi vì nhiều nguyên nhân.

- Một số ý kiến cho rằng, chúng ta thực hiện truy xuất đối với thịt heo còn nóng vội, ông nghĩ sao?

Tôi lại cho rằng, điều kiện để thực hiện việc truy xuất đã chín muồi. Nhờ vào thành tựu của công nghệ thông tin nên kiểm soát được chi phí ở mức hợp lý. Còn với thực trạng của ngành chăn nuôi nước ta, nếu không mạnh dạn triển khai thì sẽ không bao giờ làm được. Điều này lý giải việc tổ chức thực hiện đề án của chúng tôi là lấy thực trạng để quyết định giải pháp. Cụ thể, chúng ta căn cứ vào thực trạng của việc chăn nuôi và tiêu thụ thịt heo, thịt và trứng gia cầm có xuất phát điểm ra sao, điều kiện như thế nào, từ đó mới có giải pháp và lộ trình phù hợp. 

- Ông có thể nói rõ hơn thực trạng đó là gì? 

Xuất phát điểm của thịt heo và gà hoàn toàn khác nhau. Do vậy, công sức, thời gian và đòi hỏi để triển khai thực hiện cũng rất khác nhau. Điều quan trọng là từ trước đến nay, chúng ta chưa từng làm truy xuất nên không phải một sớm một chiều đạt ngay kết quả, mà cần có lộ trình, thời gian. Hơn nữa, khi xây dựng đề án, chúng ta dựa theo quy định của luật pháp, tức ai làm ra sản phẩm và đưa ra thị trường thì người đó có trách nhiệm công bố thông tin và chịu trách nhiệm về sản phẩm do chính mình làm ra, tất nhiên là có vai trò giám sát của cơ quan chức năng.

Đối chiếu với thịt heo, ở chủ thể chăn nuôi còn nhỏ lẻ và phân tán. Hiện số đơn vị đăng ký tham gia đề án lên tới hơn 2.400 trang trại và hộ chăn nuôi, nhưng cơ sở giết mổ công nghiệp, hiện đại chỉ đếm trên đầu ngón tay, hiện chỉ có mỗi Vissan, còn đại bộ phận giết mổ thủ công và bán thủ công, chủ cơ sở không làm trực tiếp mà cho thương lái thuê lại cơ sở để giết mổ.  Trong khi với thịt và trứng gia cầm, sau đại dịch xảy ra cách đây vài năm, việc tổ chức chăn nuôi đã được đầu tư tốt hơn. Một trang trại ít nhất nuôi 20.000 con, nuôi nhiều lên tới 300.000 con. Do đầu tư đúng mức nên họ kiểm soát rất chặt chẽ, vì nếu để phát sinh dịch bệnh thì nguy cơ lây lan cả trang trại rất cao. Khâu giết mổ thịt gà đều là tập trung, hiện đại. Tập quán khâu bán ra của thịt heo là không đóng gói, nhưng thịt và trứng gia cầm đã có đóng gói bao bì. Tất nhiên, vẫn còn một bộ phận thịt và trứng gia cầm bán xá, không bao bì. 

- Đâu là khó khăn, thuận lợi trong quá trình triển khai đề án?

Như tôi đã nói, do chăn nuôi tập trung, chủ lò giết mổ cũng đồng thời chịu trách nhiệm phân phối ra thị trường nên việc triển khai đối với thịt và trứng gia cầm thuận lợi và dễ dàng hơn rất nhiều so với thịt heo. Chúng tôi đã triển khai truy xuất ngay từ con giống đối với gà nhưng với heo mới chỉ làm ở đoạn giữa, tức từ lúc xuất chuồng đến khâu phân phối. 

Điều đáng mừng là hiện nay chủ thể chăn nuôi heo rất có ý thức trong việc thay đổi để phù hợp với xu hướng chung. Kết quả cho thấy, người chăn nuôi đã khai báo và công bố với người tiêu dùng sản phẩm do trang trại làm ra, đạt tới 78% - 80%. Tuy nhiên, sang đến chủ thể thứ 2 là thương lái tại các lò giết mổ thì họ đi thuê nên chưa có ý thức khai báo, dẫn đến kết quả đạt được không cao. Đây cũng chính là “điểm nghẽn” trong quá trình triển khai đề án truy xuất đối với thịt heo.

- Phải xử lý “điểm nghẽn” này ra sao, thưa ông?

Như tôi đã nói, tính đến nay chỉ 35% tổng lượng heo truy xuất có đầy đủ thông tin, trong đó có 17% - 18% ở kênh phân phối hiện đại, còn lại vẫn chưa làm được do thương lái chưa tham gia. Sở Công thương thấy rằng, với thương lái đã cho họ thời gian dài 7 - 8 tháng để thực hiện nhưng sự chuyển dịch không đáng kể. Có thể họ không tự tin để khẳng định đây là sản phẩm do họ làm ra. Do vậy, cần phải tác động đến chủ thể thứ 3 là 2 chợ đầu mối. 2 chợ này phải xem việc truy xuất là điều kiện để đưa hàng vào chợ. Nói cách khác, nếu không có chế tài thì tình hình sẽ không chuyển biến. 

Từ thực tế chúng tôi kiến nghị, UBND TPHCM đã chỉ đạo chợ đầu mối phải nâng ý thức trách nhiệm, thay mặt người tiêu dùng đưa ra điều kiện để đưa hàng vào chợ. Cần xem đây là một trong những điều khoản trong quan hệ dân sự. Khi giải quyết được điểm nghẽn này thì mới giải quyết tiếp các bước tiếp theo là từ chợ đầu mối đến nơi bán lẻ.

Tôi cũng nói rõ, việc truy xuất đối với con heo vẫn đang làm, chứ chưa hoàn chỉnh như ở con gà. Con heo chỉ hoàn chỉnh ở kênh phân phối hiện đại. Từ trước đến nay, thương nhân hoạt động tự do, không kiểm soát được họ. Do vậy, quan điểm của đề án là phải đưa họ vào quỹ đạo hoạt động. Mặt khác, chúng tôi cũng sẽ rà soát lại toàn bộ và lập danh sách các thương lái giết mổ heo, nếu không có giấy phép kinh doanh sẽ bị ngừng hoạt động. 
Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Ngọc Hòa: Lấy thực trạng quyết định giải pháp ảnh 1 Người tiêu dùng sử dụng điện thoại quét mã vạch trên bao bì thịt gà để truy xuất được nguồn gốc
- Theo ông, đâu là mấu chốt để giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm? Theo tôi cần phải giải quyết từ gốc. Điều quan trọng là làm sao để nhà sản xuất có ý thức tốt ngay từ gốc, thực hiện theo tín hiệu và nhu cầu của thị trường. Không nên đưa sản phẩm ra rồi mới triển khai kiểm soát, lấy mẫu. Chúng ta đã xây dựng quy trình truy xuất giống như một ISO, chỉ cần mỗi công đoạn vận hành đúng sẽ cho ra chuỗi thông tin. Trong quá trình sử dụng thực phẩm nếu xảy ra vấn đề, chỉ cần xem lại toàn bộ quy trình, đường đi của sản phẩm là biết ngay lỗi ở khâu nào, từ đó chấn chỉnh và quy trách nhiệm.- Công việc sắp tới của việc truy xuất sẽ triển khai ra sao?  Với thịt heo, chúng tôi vẫn còn nhiều việc phải làm. Thật ra, cái vòng nhận diện có thể xem là nhãn hàng hóa chứa đựng tất cả thông tin. Tuy nhiên, để làm tốt thì người chăn nuôi phải khai báo đầy đủ trên vòng nhận diện, rồi sang đến người thứ 2,  thứ 3… cũng như thế, tức ai làm cái gì phải khai báo cái đó. Chỉ thiếu một khâu không khai báo, ngay lập tức vòng nhận diện đó sẽ không có giá trị. Nói cách khác, nhãn hàng hóa này phải qua tay 4 chủ thể nêu trên thì mới coi là hoàn tất một quy trình với đầy đủ thông tin. Riêng với thịt và trứng gia cầm, chúng tôi đang tạo điều kiện tốt nhất cho các đơn vị tham gia cung ứng hàng hóa theo đúng tiến độ. Năng lực càng lớn, sản lượng càng nhiều thì ngày càng thu hẹp những sản phẩm chưa được truy xuất. Kèm theo đó là tổ chức lại mạng lưới phân phối, đặc biệt là kênh truyền thống vẫn còn tới 50% sản lượng trứng bán xá, không thể truy xuất được. Theo kế hoạch, sở sẽ tiếp tục hoàn thiện quy trình truy xuất đến cuối năm nay để thu hẹp dần tình trạng bán xá, tăng năng lực nguồn cung. Điều quan trọng, đề án truy xuất là tiên phong của TPHCM nhưng cái khó là chỉ mới đáp ứng được 15% tổng sản lượng thực phẩm tươi sống, còn 85% vẫn ở các tỉnh nên bị lệ thuộc rất lớn. Do vậy, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các sở, ngành tại TPHCM cũng như các tỉnh, thành khác thì đề án mới đạt hiệu quả cao nhất. - Xin cảm ơn ông!
Thịt, trứng gia cầm dồi dào, giá ổn định

Những ngày qua, song song với việc triển khai đề án Quản lý, nhận diện, truy xuất thịt và trứng gia cầm, các doanh nghiệp (DN) bình ổn đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng tết.

Theo Công ty Vĩnh Thành Đạt, giá trứng sẽ không tăng và công ty cam kết cung cấp đủ nguồn hàng bình ổn trong dịp tết. Giá trứng vịt khoảng 3.100 - 3.300 đồng/quả, trứng gà 2.100 - 2.200 đồng/quả. Vào thời điểm gần tết, nhu cầu thị trường sẽ tăng gấp đôi so với ngày thường, có thể 5 - 10 triệu quả trứng/ngày. “Vài năm trở lại đây, nguồn hàng công ty cung ứng thị trường tết rất dồi dào nhưng sức mua rất chậm. Nguyên nhân do các chợ truyền thống, hệ thống siêu thị mở bán rất sớm, thậm chí Mùng 1 Tết Nguyên đán vẫn mở cửa kinh doanh nên người tiêu dùng không cần dự trữ thực phẩm. Để cung ứng đủ sản phẩm, công ty đã đặt hàng với đối tác cung cấp tăng sản lượng trứng vịt. Đối với trứng gà không cần tăng do các công ty mua trứng để sản xuất bánh, kẹo thường ngưng hoạt động trước tết khoảng 1 tháng”, ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, chia sẻ.

Trong khi đó, đại diện Công ty Ba Huân dự báo nhu cầu tết sẽ tăng 30% so với ngày thường và công ty cam kết bán sản phẩm với giá bình ổn. Đặc biệt, năm nay công ty đưa ra thị trường tết thêm sản phẩm mới như bò viên, gà viên, xúc xích…

Theo Công ty San Hà, thị trường ngày tết thường tăng mạnh sản phẩm gà ta nguyên con do phần lớn người dân mua về để cúng tổ tiên. Hiện công ty đã có đơn hàng với các trại vệ tinh nuôi gà ta  để tăng đàn. Một số DN khác cũng cho rằng, sản lượng hàng hóa cung ứng thị trường tết rất dồi dào, phong phú, giá cả ổn định. Vấn đề hiện nay là các DN đang theo dõi sức mua để điều chỉnh việc tăng hoặc giảm nguồn cung phù hợp với thị trường. 
THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục