Ngoài ra, đối với câu hỏi đọc - hiểu, ngữ liệu được đánh giá khá hay, mang tính triết lý sâu sắc. Điều này sẽ gây khó cho một số thí sinh. Trong đó, câu 1 và câu 2 chỉ mang tính chất nhận biết kiến thức. Đối với câu 3 và 4, thí sinh cần phải bày tỏ suy nghĩ, chính kiến của bản thân để thấy được nét tương đồng giữa dòng chảy của nước và cuộc sống của con người, có bắt đầu, có kết thúc, luôn miệt mài, bền bỉ đi hết hành trình của đời mình với bao thăng trầm, với bao trải nghiệm quý giá.
Từ những gợi ý đó, thí sinh rút ra những bài học về lẽ sống, tiêu biểu nhất là bài học phải biết cống hiến, hy sinh cho cuộc đời.
Đối với câu nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh bàn về sự cần thiết phải biết sống cống hiến. Đây là vấn đề không mới nhưng vẫn hay, mang tính giáo dục cao, có tính thời sự, khơi gợi được lẽ sống đẹp ở các bạn trẻ chuẩn bị bước vào đời. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay, tinh thần cống hiến lại càng cần được phát huy.
Để làm tốt câu hỏi nghị luận xã hội, thí sinh phải vận dụng hiểu biết xã hội và các kỹ năng viết đoạn nghị luận xã hội (giải thích, phân tích, chứng minh…) để làm bật lên sự cần thiết của lẽ sống này đối với bản thân và cộng đồng. Các em cần trình bày đúng yêu cầu về hình thức của đoạn văn.
Riêng về câu nghị luận văn học, thí sinh được yêu cầu cảm nhận về các khổ 3, 4, 5 trong tác phẩm "Sóng" của nhà thơ Xuân Quỳnh. Thí sinh cần vận dụng kiến thức, kỹ năng (phân tích, bình luận) để làm bật lên nội dung "sóng là đối tượng suy tư về nguồn cội của tình yêu và nỗi nhớ trong tình yêu".
Từ đó, bài làm nhận xét về vẻ đẹp nữ tính trong thơ của tác giả Xuân Quỳnh như hồn nhiên, tươi tắn, chân thành, đằm thắm nhưng cũng nhiều trăn trở, suy tư, luôn da diết trong khát vọng hạnh phúc bình dị, đời thường, đồng thời luôn muốn vượt ra khỏi giới hạn của không gian, thời gian, đời người để trường tồn cùng tình yêu. Đây là vẻ đẹp vừa mang tính truyền thống, vừa mang tính hiện đại.
Giáo viên này dự đoán phổ điểm thi môn Ngữ văn năm nay sẽ phổ biến tử 6- 7 điểm.