Tại buổi tiếp, Thủ tướng và Phó Chủ tịch EC vui mừng nhận thấy với bề dày hơn 30 năm quan hệ ngoại giao và đặc biệt là 10 năm triển khai quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện, Việt Nam và EU đã đạt nhiều bước tiến lớn về hợp tác trên mọi lĩnh vực. EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc), thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam.
Còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của EU tại ASEAN (thương mại hai chiều năm 2022 đạt 62,4 tỷ USD). EU cũng là nhà đầu tư lớn thứ 6 của Việt Nam với 2.535 dự án đang hoạt động với vốn đăng ký hơn 29 tỷ USD tính đến tháng 9-2023.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Việt Nam luôn coi EU là một trong những đối tác tin cậy, quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của mình. Thủ tướng đánh giá cao việc EU coi thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong 3 trọng tâm của chương trình hợp tác với Việt Nam giai đoạn 2021 - 2027; cảm ơn EU tiếp tục ưu tiên và dành 210 triệu EURO viện trợ không hoàn lại giai đoạn 2021 - 2024 cho Việt Nam.
Để triển khai hiệu quả quan hệ hợp tác Việt Nam - EU, Thủ tướng đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn; đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, xây dựng và hoàn thiện thể chế, đào tạo nhân lực…
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị thời gian tới EU thúc đẩy triển khai hiệu quả và hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực thực thi Hiệp định EVFTA; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường EU thuận lợi, nhất là hàng nông thủy sản, trong đó EU hỗ trợ hàng hóa Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn cao của EU, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU sớm đạt mốc 100 tỷ USD. Đồng thời đề nghị ngài Phó Chủ tịch có tiếng nói tích cực vận động các nước thành viên EU còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) nhằm tạo động lực đẩy mạnh đầu tư hai bên trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi.
Thủ tướng cũng đề nghị EC sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), tạo điều kiện để hai bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, phát triển nghề cá bền vững, phù hợp với lợi ích sinh kế của ngư dân Việt Nam; Việt Nam đang nỗ lực hết mình triển khai các giải pháp đồng bộ, quyết liệt về việc này.
Thủ tướng mong muốn Việt Nam và EU tăng cường hợp tác tại các diễn đàn đa phương để nắm bắt các cơ hội cũng như hóa giải các thách thức chung, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại các khu vực và trên thế giới, trong đó đề nghị EU tích cực thúc đẩy hợp tác phát triển tiểu vùng Mekong…
Phó Chủ tịch EC kiêm Cao ủy thương mại EU Valdis Dombrovski đánh giá Việt Nam đang trở thành một trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài. Ông nhấn mạnh Việt Nam là đối tác quan trọng của EU cũng như các nước thành viên và khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ giữa EU và Việt Nam trên các lĩnh vực, trong đó có các nội dung mà Thủ tướng đã đề cập, nhất là kinh tế, thương mại, đầu tư. Đồng thời cho biết, 15 quốc gia thành viên của EU đã phê chuẩn EVIPA và tiến trình này sẽ tiếp tục được thúc đẩy trong thời gian tới. Phía EU cũng ghi nhận sự hợp tác chặt chẽ của Việt Nam và sẽ tiếp tục tích cực hỗ trợ Việt Nam thực hiện các giải pháp, thúc đẩy giải quyết các vấn đề liên quan IUU.
Chia sẻ lập trường của ASEAN về biển Đông, Phó Chủ tịch EC nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông hiệu quả, thực chất.