Chiều 19-3, UBND TPHCM tổng kết 12 chương trình, đề án, kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012-2020 trên địa bàn TPHCM.
Kẻ xâm hại trẻ em chủ yếu là người quen biết
Tóm tắt kết quả thực hiện 12 chương trình, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Trần Ngọc Sơn cho biết, TPHCM có hơn 12.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong tổng số hơn 2 triệu trẻ em. Trong đó, có hơn 2.300 trẻ em được chăm sóc thay thế tại các cơ sở bảo trợ xã hội, gần 9.600 trẻ em tại cộng đồng; khoảng 34.200 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Trong những năm qua, TPHCM đã đầu tư nguồn ngân sách rất lớn để xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp, nhất là tập trung nguồn lực xây dựng trường mầm non đạt chuẩn ở địa bàn có các khu công nghiệp, khu chế xuất phục vụ người nhập cư. Đồng thời, TPHCM xây dựng bệnh viện, cơ sở vui chơi giải trí dành cho trẻ em (11 công trình cấp thành phố, 22 phòng chiếu phim 3D…). TPHCM cũng thành lập và đưa vào hoạt động khoảng 50 cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Theo ông Trần Ngọc Sơn, mặc dù đã nỗ lực nhưng với áp lực gia tăng dân số cùng những tác động về mặt xã hội đang đặt TPHCM đứng trước nhiều thách thức trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Thượng tá Ngô Xuân Thọ, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TPHCM cho biết, trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020, Công an TPHCM ghi nhận 790 vụ án và 140 vụ việc liên quan đến trẻ em như bạo lực đối với trẻ em, bắt cóc, mua bán, chiếm đoạt trẻ em, các tội xâm hại tình dục trẻ em. Trong tổng số 790 vụ án, có tới 732 vụ (chiếm gần 93%) liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em, tập trung vào 3 tội danh hiếp dâm trẻ em, giao cấu với trẻ em, dâm ô với trẻ em. Các tội phạm khác liên quan đến xâm hại trẻ em (như bạo lực, bắt cóc, chiếm đoạt, mua bán, khiêu dâm trẻ em…) là 58 vụ.
Địa bàn xảy ra các vụ xâm hại chủ yếu tập tại các khu vực vắng người, ngoại thành (22 vụ), trường học (18 vụ), nơi công cộng như công viên, bãi xe (61 vụ), khách sạn, nhà nghỉ (277 vụ), phòng trọ, nhà riêng (411 vụ), cá biệt có trường hợp xảy ra tại Trung tâm bảo trợ xã hội (1 vụ).
Theo địa giới hành chính thì số vụ xâm hại trẻ em xảy ra nhiều nhất tại huyện Củ Chi (117 vụ), quận 9 (109 vụ), Bình Chánh (98 vụ)…
Về mối quan hệ giữa đối tượng và bị hại, chủ yếu là hàng xóm, quen biết với gia đình bị hại (350 vụ, chiếm hơn 44%), quan hệ tình cảm nam nữ (331 vụ, gần 42%).
Nhiều gia đình lo sợ, không trình báo công an khi con em bị xâm hại
Theo Thượng tá Ngô Xuân Thọ, quá trình điều tra, xử lý tội phạm xâm hại trẻ em có một số khó khăn, vướng mắc.
Trở ngại đầu tiên là người bị hại và gia đình người bị hại thường không hợp tác với cơ quan điều tra. Nếu như trong các vụ bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em, gia đình bị hại rất hợp tác với cơ quan công an thì trong các vụ bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, bị hại và gia đình người bị hại thường có tâm lý e dè, lo sợ, không trình báo cơ quan công an.
Bị hại trong các vụ xâm hại thường là các em nhỏ, chưa có khả năng nhận thức được sự việc đã xảy ra, không nhớ thời gian, địa điểm xảy ra. Có trường hợp, do sợ ảnh hưởng đến tâm lý bị hại, danh dự gia đình và việc học hành của các cháu, nên sau khi đã tố cáo, gia đình lại rút đơn tố cáo (38 vụ chiếm gần 5%), không đưa các cháu đi giám định pháp y về tình dục, bị hại cũng nhất định không đi giám định, thay đổi nơi cư trú.
Điều đáng lo ngại là một số vụ xâm hại tình dục trẻ em, người thực hiện hành vi xâm hại lại chính là những người thân, quen với gia đình bị hại (350 vụ chiếm tỷ lệ 44%), do đó không ai đứng ra tố giác hoặc chậm trễ trong việc tố giác. Việc thu thập chứng cứ cũng gặp rất nhiều khó khăn do đã bị xóa dấu vết, tiêu hủy.
Trong nhiều trường hợp, hai bên gia đình tự thỏa thuận với nhau, đến khi không thỏa thuận được hoặc đến khi có phát sinh mâu thuẫn thì gia đình bị hại mới đứng ra tố giác với cơ quan công an. Lúc này, các dấu vết, các tài liệu chứng cứ vật chất đã bị mất, bị xóa, khó thu thập hoặc đối tượng thực hiện hành vi phạm tội đã bỏ trốn, không có thông tin để truy xét, gây khó khăn cho quá trình điều tra, truy cứu trách nhiệm của đối tượng.
Phó Trưởng Phòng PC02 cũng nêu việc đăng ký lưu trú của các nhà nghỉ, khách sạn có nhiều hạn chế. Phần lớn các vụ giao cấu với trẻ em và hiếp dâm trẻ em (giao cấu với trẻ dưới 13 tuổi là hiếp dâm trẻ em) xảy ra tại khách sạn, nhà nghỉ (277 vụ chiếm tỷ lệ 35%), phòng cho thuê (133 vụ chiếm tỷ lệ gần 17%). Song, chủ khách sạn hay nhân viên quản lý khi cho thuê phòng không kiểm tra giấy tờ tùy thân, không ghi vào sổ lưu trú, hệ thống camrera an ninh tại các cơ sở này không đảm bảo, thậm chí không có camera, dẫn đến không thể xác định được đối tượng lẫn bị hại, không nắm được diễn biến vụ việc. Khi vào khách sạn, nhà nghỉ, cả bị hại và đối tượng đều đeo khẩu trang tránh để lộ “thân phận”, sự việc xảy ra quá lâu nên dữ liệu camera không còn dẫn đến không có cơ sở để xác định địa điểm nơi xảy ra tội phạm.
Quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ vật chất gặp nhiều khó khăn. Thượng tá Ngô Xuân Thọ cho hay, hầu hết các vụ bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em đều không phải là tội phạm quả tang, không có người làm chứng. Trong khi đó, bị hại còn quá nhỏ, bị hạn chế về khả năng nhận thức, gia đình bị hại không trình báo, không hợp tác, hoặc chỉ trình báo khi các bên hòa giải không thành, thường rất lâu từ thời điểm xảy ra vụ xâm hại (có trường hợp lên đến 1-2 năm)… Vì thế, nhiều vụ không thể thu thập được các chứng cứ vật chất (như các dấu vết sinh học: mẫu tinh trùng, tinh dịch, tế bào nam), hoặc thu được tế bào nam nhưng không phân tích được cấu trúc AND dẫn đến không có cơ sở để so sánh với ADN của đối tượng nghi vấn. Việc thu thập chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội “dâm ô trẻ em” là vô cùng khó khăn bởi dâm ô là việc đụng chạm, cọ xát, chà xát… mà việc thu thập chứng cứ vật chất gần như không có nếu không có hình ảnh camera ghi nhận tại thời điểm đó.
Thượng tá Ngô Xuân Thọ cho hay, với trách nhiệm của mình, Công an TPHCM tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xác minh, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc, bạo lực, xâm hại trẻ em; khẩn trương xác minh, điều tra, bảo vệ bị hại…
Phó Trưởng Phòng PC02 kiến nghị Sở GD-ĐT TPHCM nghiên cứu, tham mưu bổ sung quy định bắt buộc lắp đặt camera giám sát tại các cơ sở giáo dục là các nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học (kể cả các trung tâm, các cơ sở bảo trợ xã hội có nuôi dạy trẻ thuộc Sở LĐTB-XH TPHCM) trên địa bàn TPHCM. Việc này nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, góp phần ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em, tăng cường sự giám sát của gia đình, xã hội đối với công tác chăm sóc trẻ em, đồng thời đây cũng là nguồn chứng cứ để cơ quan công an điều tra, xử lý khi có vụ xâm hại xảy ra.
Thượng tá Ngô Xuân Thọ đề nghị TPHCM tổ chức tập huấn các kỹ năng cơ bản cho cán bộ thực thi quyền trẻ em ở cấp cơ sở (phường, xã, thị trấn) để khi có vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra thì biết cần làm những việc gì, bảo vệ hiện trường ban đầu ra sao, là vụ việc dân sự, hành chính hay có dấu hiệu của tội phạm hình sự và cần liên hệ đến cơ quan nào.
Người đã xâm hại trẻ em phải bị cách ly với trẻ em
Phát biểu tại buổi tổng kết, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan bày tỏ, một trẻ em bị xâm hại cũng là nỗi đau với TPHCM. Vì thế, các cơ quan, đơn vị cần hành động quyết liệt hơn trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em, dứt khoát không để trẻ em mất đi thời thơ ấu.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nêu ra một loạt các giải pháp bổ sung cho chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Trong đó, yêu cầu Sở VH-TT TPHCM sớm trình UBND TPHCM tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc. Tiêu chí này là định hướng để các gia đình điều chỉnh, phấn đấu tạo dựng hạnh phúc gia đình.
Để xử lý các hành vi xâm hại trẻ em, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan yêu cầu các sở, ngành phối hợp, lập quy trình xử lý cụ thể từng hành vi vi phạm. Yêu cầu đặt ra là phải phản ứng nhanh, vào cuộc nhanh, xử lý nhanh. Cùng với đó, TPHCM cần thiết lập đường dây nóng tiếp nhận tất cả các phản ánh về hành vi xâm hại trẻ em và nhanh chóng kết nối, thông báo tới chính quyền địa phương để xử lý kịp thời.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng chỉ đạo sớm kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật theo hướng quy định chặt chẽ hơn, có mức xử phạt hành chính thật nặng và xử lý hình sự tương xứng. Đồng thời, có biện pháp cách ly đối với đối tượng xâm hại trẻ em, buộc đối tượng không được tiếp xúc với trẻ em.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan chỉ đạo ngành công an tập trung xử lý các vụ án xâm hại trẻ em một cách nhanh chóng, đưa thành án điểm và thông tin rộng rãi trên thông tin đại chúng tên đối tượng xâm hại trẻ em, dù đó là bất kỳ ai.
Trong khi đó, Sở LĐTB-XH TPHCM cần nghiên cứu mô hình truyền thông nhằm huy động được nam giới và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn quan tâm tới công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Dịp này, UBND TPHCM tặng bằng khen tới 39 tập thể và 73 cá nhân có thành tích tốt trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em trên địa bàn TPHCM.