Ngày 27-11, Thường trực HĐND TPHCM tổ chức phiên họp giải trình về quy hoạch, thực hiện quy hoạch các khu vực có chức năng giáo dục, công viên - cây xanh trên địa bàn TPHCM.
Tham dự và chủ trì phiên giải trình gồm: Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm; Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Đức Hải và Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Trương Thị Ánh. Cùng tham dự có Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến; đại diện các sở, ngành, quận, huyện.
Thiếu khả thi vì “vẽ” công viên trên nhà dân
Tại phiên giải trình, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở QH-KT cho biết, đơn vị liên quan đang tập trung thực hiện các đồ án quy hoạch, như chương trình phát triển công viên, cây xanh trên địa bàn.
Đối với chương trình này, các cơ quan chức năng đang phối hợp rà soát quỹ đất, quy hoạch, đề xuất chính sách kêu gọi, huy động nguồn lực xã hội kết hợp với ngân sách để đầu tư xây dựng công viên cây xanh. Tuy nhiên, hiện nay diện tích đất quy hoạch công viên cây xanh chưa có kế hoạch triển khai thực hiện là gần 11.030 ha (chiếm gần 96%). Ngoài ra, tỷ lệ thực hiện quy hoạch đất giáo dục cũng chỉ đạt khoảng 30%.
Trước thực trạng này, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh, đất dành cho chức năng giáo dục, công viên cây xanh đã được quy hoạch với chỉ tiêu khá cao nhưng kết quả thực hiện đạt tỷ lệ rất thấp. Nguyên nhân do quy hoạch không khả thi, không hợp lý như quy hoạch cây xanh giữa khu dân cư nên khả năng thu hồi thực hiện quy hoạch gặp khó. Người đứng đầu HĐND TP đặt vấn đề: “Ai sẽ chịu trách nhiệm trước thực trạng này?”.
Tại phiên giải trình, các đại biểu cũng dẫn chứng nhiều bất hợp lý trong công tác quy hoạch, thực hiện quy hoạch và có nơi theo hướng ưu ái cho các chủ đầu tư các dự án bất động sản.
Chẳng hạn, ở một số dự án chủ đầu tư đã hoàn chỉnh nhà ở cùng phần diện tích thương mại để khai thác, kinh doanh. Thế nhưng, phần diện tích quy hoạch làm đường công cộng, công viên cây xanh hay trường học thì chậm trễ thực hiện. Sau đó, chủ đầu tư “than vãn” vướng bồi thường, không tiếp tục thực hiện dự án được nên đề nghị điều chỉnh quy hoạch dự án, làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu chung về tỷ lệ đất dành cho giáo dục, cây xanh.
Đại biểu Trương Lâm Danh, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TPHCM thẳng thắn cho rằng, việc thu hẹp ranh nêu trên chỉ làm lợi cho chủ đầu tư dự án.
“Sở QH-KT, Sở Xây dựng có giải pháp gì khắc phục việc giao dự án cho chủ đầu tư không đủ năng lực?”, đại biểu Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng Ban Đô thị HĐND TPHCM truy hỏi.
Cũng theo đại biểu Trương Lâm Danh, đa phần quy hoạch công viên cây xanh nhằm vào khu dân cư nên phải điều chỉnh. Ví dụ, ở huyện Củ Chi quy hoạch cây xanh “chụp” vào khu dân cư sầm uất nên điều chỉnh và như vậy thì điều chỉnh đi đâu?
“Có vô khu dân cư khác không?”, đại biểu Trương Lâm Danh thắc mắc và phân tích, thực tế này dẫn đến việc có quy hoạch đất cho giáo dục và công viên cây xanh nhưng không thực hiện được.
“Không chuyển quy hoạch treo từ chỗ này sang chỗ khác”
ĐB Trương Trung Kiên, Trưởng Ban Đô thị HĐND TPHCM bày tỏ, qua khảo sát, đa phần người dân không phản đối quy hoạch làm trường học, cây xanh nhưng người dân bức xúc trước kế hoạch thực hiện quy hoạch là rất… xa vời. Như vậy, trách nhiệm của Sở QH-KT như thế nào trong công tác tham mưu về sự hợp lý của các vị trí quy hoạch?
Bày tỏ quan tâm đến nội dung này, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, thắc mắc những nơi đã có quy hoạch rồi thì công tác quản lý quy hoạch và thực hiện quy hoạch được thực hiện như thế nào?
“Thực hiện quy hoạch đòi hỏi có thời gian”, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm chia sẻ nhưng cũng đề nghị, phải thông tin rõ cho người dân về thời gian thực hiện, là 5 năm, 10 năm hay 30 năm… Đồng thời, tương ứng với thời gian đó thì cơ quan chức năng, nhất là UBND TPHCM có biện pháp, chính sách gì để đảm bảo quyền lợi của người dân trong khu vực bị ảnh hưởng.
Giải trình, người đứng đầu ngành quy hoạch thành phố cho rằng, về nguyên tắc phải có chế tài, giảm chỉ tiêu, phạt và Sở QH-KT sẽ có giải trình đối với các địa chỉ cụ thể.
Ông Nguyễn Thanh Nhã nhìn nhận, tính khả thi của một số quy hoạch các khu chức năng giáo dục và công viên cây xanh còn hạn chế. Nguyên nhân có phần do quy hoạch trên đất của hộ gia đình, cá nhân có chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng cao, làm ảnh hưởng đến tính khả thi.
“Có lúc, do bị áp lực về thời gian, đơn vị tư vấn cũng không đủ năng lực. Trong khi đó, Sở QH-KT là đơn vị thẩm định các đồ án quy hoạch nhưng năng lực cán bộ cũng hạn chế, là nguyên nhân khiến một số đồ án quy hoạch có chất lượng kém, không khả thi”, ông Nguyễn Thanh Nhã giải bày. Đồng thời cũng cam kết, trong thời gian tới sẽ thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đồ án quy hoạch, đảm bảo quy hoạch có tính khả thi.
“Chia lửa” với thủ trưởng, Phó Giám đốc Sở QH-KT Nguyễn Thanh Toàn cho rằng, nhiều nơi đã được quy hoạch dành cho giao thông, cho công viên cây xanh và cho giáo dục. Do đó, vấn đề còn lại là các đơn vị liên quan như Sở GT-VT, cần mạnh dạn đăng ký với Sở Kế hoạch - Đầu tư để từ đó có căn cứ bố trí vốn thực hiện dự án.
Trả lời về việc “dời” các quy hoạch không khả thi, ông Toàn cho biết: “Quan điểm của Sở QH-KT là không thể đem quy hoạch treo từ chỗ này sang chỗ khác”.
Chấm dứt ngồi bàn giấy duyệt quy hoạch
Tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến khẳng định, quy hoạch để phát triển là tất yếu. Song, hạn chế lớn nhất của thành phố vẫn là công tác quy hoạch, trong đó có phần do quy hoạch chậm triển khai, không khả thi hoặc khi triển khai thực thì gặp phản ứng vì việc thực hiện gây ảnh hưởng lớn đến người dân.
“Chúng ta tăng chỉ tiêu đất quy hoạch cây xanh và giáo dục thì người dân mừng hay lo? Tôi khẳng định rằng người dân không mừng vì cách làm hiện nay gây nhiều bất ổn cho đời sống của người dân”, Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến nhìn nhận và cam kết, UBND TPHCM sẽ ghi nhận, lắng nghe ý kiến của người dân để thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch không khả thi.
Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến dẫn chứng một con hẻm ở quận 2 hiện rộng 4m nhưng được quy hoạch làm đường 16m. Tuy nhiên, hai bên hẻm này toàn là nhà cao tầng, rất khó thực hiện theo quy hoạch nên thành phố đã kịp thời điều chỉnh.
Vì vậy, thành phố cũng tính toán lại cách thức triển khai thực hiện, bởi việc chậm trễ thực hiện quy hoạch gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, đặc biệt là không thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
“UBND TPHCM cũng phải nhìn lại chính mình”, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến nhận trách nhiệm và phân tích nếu chỉ ngồi ở bàn giấy và duyệt thì quy hoạch sẽ khó khả thi, gây ảnh hưởng rất lớn đến người dân.
Ngoài ra, UBND TPHCM cũng sẽ tính toán lại những quy hoạch gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, đặc biệt là chính sách đối với người dân trong vùng quy hoạch.
Hiện nay, người dân có đất ở những nơi quy hoạch thì không được chuyển mục đích sử dụng đất và khi thực hiện dự án, tiền bồi thường cho người dân là rất thấp vì tính theo giá đất nông nghiệp. Quan điểm của UBND TPHCM là cho phép người dân nơi quy hoạch được chuyển đổi mục đích và khi thu hồi đất, người dân sẽ được bồi thường với giá cao hơn.
“Những việc làm giảm thiểu thiệt hại cho người dân thì không thể không làm”, Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh và khẳng định, UBND TPHCM sẽ tính toán để kiến nghị Ban Thường vụ Thành ủy về nội dung này.
Phát biểu kết luận phiên giải trình, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, lưu ý việc quy hoạch đất cho cây xanh, giáo dục là nhằm đảm bảo cho phát triển bền vững.
“Quy hoạch thì chỉ có 2 vợ chồng nhưng đến nay, con họ đã lớn mà quy hoạch nơi đó vẫn chưa thực hiện được”, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu dẫn chứng và cho rằng kết quả thực hiện quy hoạch cây xanh thời gian qua quá thấp là do không có nguồn lực.
Do đó, trong thời gian tới, các đơn vị liên quan cần đổi mới tư duy trong quy hoạch, quản lý quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch; đồng thời khi quy hoạch phải tính đến lộ trình, nguồn lực thực hiện quy hoạch. Chủ tịch HĐND TPHCM cũng đề nghị UBND TPHCM khẩn trương rà soát, đánh giá quy hoạch một cách thận trọng, kỹ lưỡng nhằm đảm bảo việc điều chỉnh phải hợp lý, theo kế hoạch.
Ý KIẾN* Ông NGUYỄN THANH NHÃ, Giám đốc Sở QH-KT: Thực hiện quy hoạch cây xanh ở ngoại thành rất thấpDiện tích đất quy hoạch cho giáo dục, cây xanh ở ngoại thành rất lớn, nhưng tỷ lệ thực hiện đạt rất thấp. Cụ thể, đất quy hoạch giáo dục, cây xanh ở 5 huyện ngoại thành (huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ) lần lượt là hơn 1.674 ha (gần 51% đất quy hoạch giáo dục của thành phố) và gần 6.760 ha (gần 60% tổng diện tích đất quy hoạch cây xanh). Như vậy, ở ngoại thành có đủ quỹ đất bố trí cây xanh, đất giáo dục nhưng hiện lại ít công viên cây xanh hơn nhiều so với khu vực nội thành. Tuy nhiên, tỷ lệ thực hiện quy hoạch giáo dục, cây xanh ở ngoại thành đạt kết quả thấp, lần lượt là 18% và 0,68%. Trên toàn địa bàn thành phố, tỷ lệ thực hiện quy hoạch giáo dục đạt khoảng 30% (gần 992 ha, trong tổng số 3.303 ha); tỷ lệ thực hiện quy hoạch công viên cây xanh chỉ đạt 4,3% (hơn 491 ha, trong tổng số gần số gần 11.420 ha). * Ông LÊ HOÀI NAM, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT: Đề nghị xây trường mầm non ở nơi không quy hoạch giáo dụcCăn cứ vào dự báo lượng học sinh, Sở GD-ĐT tính toán diện tích đất giáo dục và phối hợp với Sở QH-KT để có sự điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp. Chỉ tiêu đất quy hoạch cho giáo dục, dù có thay đổi nhưng chỉ tiêu về đất giáo dục không được giảm mà chỉ có thể tăng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện quy hoạch gặp vướng mắc, nhất là công tác bồi thường, giải tỏa nên tỷ lệ thực hiện quy hoạch chưa cao. Ở khu vực nội thành, các trường học có diện tích sân chơi hẹp; đồng thời nhu cầu về trường mầm non ngoài công lập rất cao. Vì vậy, Sở GD-ĐT kiến nghị nâng tầng cao các trường học ở khu vực nội thành và kêu gọi xã hội hóa thực hiện các đồ án quy hoạch giáo dục. Cùng đó, đề nghị cho phép được đầu tư xây trường mầm non ở nơi không phải là đất giáo dục, để đáp ứng nhu cầu của người dân. |