Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, chủ trương của TPHCM là không cấm xe gắn máy vì đây là phương tiện để người dân đi lại, làm ăn, song cũng cần hạn chế vì xe máy quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến giao thông.
“Mục tiêu của TP là phải đẩy mạnh phát triển phương tiện giao thông công cộng. Quốc gia văn minh bao giờ cũng phát triển mạnh hoạt động này. Chính vì vậy, TP đang tập trung đầu tư tuyến metro, buýt nhanh, buýt thủy… thậm chí cả những phương tiện công cộng như xe đạp công cộng để người dân có thể di chuyển từ buýt thủy để đi xe điện, buýt nhanh. Từ đó, người dân có thêm cơ hội chọn lựa những phương tiện giao thông công cộng. Chỉ khi nào người dân cảm thấy việc chọn lựa giao thông công cộng thuận lợi thì chính quyền mới hạn chế xe gắn máy chứ không có chuyện cấm”, ông Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cũng cho biết, hiện TP đã có Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông. Mục tiêu đến năm 2020, lượng khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng ít nhất là 15%, trong khi hiện nay tỉ lệ này chỉ có khoảng 9,7%. Để người dân chọn đi xe buýt, điện ngầm, cần phải đảm bảo tiêu chuẩn như các nước là từ nhà ra đường đi bộ khoảng 500m sẽ có một trạm dừng đỗ của các phương tiện giao thông công cộng.
Về phát triển vận tải hành khách công cộng, theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, TP sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công và đưa vào khai thách tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên); tuyến BRT số 1 trên đại lộ Đông Tây; tiến độ thực hiện dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TPHCM (Bến Thành - Tham Lương).