Sáng 2-6, UBND TPHCM tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022; triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Tham dự và chủ trì hội nghị có đồng chí Phan Thị Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cùng các đồng chí Phó Chủ tịch UBND TPHCM: Dương Anh Đức và Ngô Minh Châu.
Kinh tế phục hồi mạnh
Báo cáo về tình hình kinh tế xã hội 5 tháng đầu năm, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Đào Minh Chánh cho biết, tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt, kinh tế TPHCM tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ, tạo tâm lý và tin tưởng cho người dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh. Trong tháng 5, chỉ số sản xuất công nghiệp duy trì mức tăng trưởng ổn định, tổng doanh thu bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng so với cùng kỳ, thu ngân sách giữ nhịp tăng trưởng tốt.
Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5-2022 ước tăng 6,5% so với tháng 4 và tăng 9% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 tăng nhẹ 0,84% so với tháng trước, tăng 10,4% so với cùng kỳ.
Tính chung 5 tháng đầu năm, các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá. Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt hơn 209.800 tỷ đồng, đạt 54,28% dự toán năm và tăng 19,52% so với cùng kỳ.
Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 57.200 tỷ đồng, đạt 49,1% dự toán, tăng 11,7% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 2,6% so với cùng kỳ, trong đó bốn ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 5,6% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước ước đạt 20,7 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ.
Tổng doanh thu du lịch ước đạt 39.509 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Khách du lịch nội địa đến TPHCM ước đạt 8,97 triệu lượt, tăng 24,9% so với cùng kỳ; khách quốc tế đến TPHCM ước đạt 262.090 lượt.
Bên cạnh đó, kinh tế xã hội TPHCM cũng đối mặt với một số khó khăn thách thức, như thị trường chứng khoán suy giảm làm ảnh hưởng tâm lý của nhà đầu tư; nguy cơ lạm phát có biểu hiện gia tăng do diễn biến tình hình thế giới. Một số ngành có chỉ số lao động giảm, như: sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 36,3%; sản xuất đồ uống giảm 22,4%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất giảm 21,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm 16,6%. Bên cạnh đó là dịch sốt xuất huyết có chiều hướng diễn biến phức tạp.
Giám đốc Sở Tài chính Phạm Thị Hồng Hà cho biết, tháng 5 tiếp tục đà tăng trưởng mạnh trong thu ngân sách trên địa bàn TPHCM. Tháng 5, TPHCM thu trên 34.128 tỷ đồng, tăng 22,46% cùng kỳ. Tổng cộng 5 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 209.824 tỷ đồng, đạt 54,28% dự toán năm, tăng 19,52% so với cùng kỳ.
Trong tháng 6, ngành tài chính thực hiện một số giải pháp chống thất thu, trong đó tập trung 4 chuyên đề là kiểm soát hoạt động chuyển giá giữa các doanh nghiệp có giao dịch liên kết; quản lý thu đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử; thanh kiểm tra sau hoàn thuế với chuyển nhượng nhà đất; quản lý công tác thuế với hoạt động cho thuê nhà, cho thuê mặt bằng kinh doanh.
Làm chậm vì “càng làm nhanh càng lỗ”
Tại phiên họp, một vấn đề được quan tâm thảo luận là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 5 tháng đầu năm còn thấp. Theo số liệu từ Kho bạc Nhà nước TPHCM, tính đến ngày 25-5, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 đã giải ngân được hơn 4.300 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 13,5% kế hoạch.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng đánh giá, tỷ lệ giải ngân hiện nay rất thấp và từ quý 1 đến nay không có chuyển biến.
Lý giải về việc này, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Kho Bạc Nhà nước TPHCM, cho biết qua theo dõi toàn TP thì khối tượng nghiệm thu thực tế trên các công trường rất chậm. Trong đó, một nguyên nhân lớn là giá xăng dầu trong nước 5 tháng qua đã có 11 lần tăng (hơn 30%), ảnh hưởng đến giá vật liệu xây dựng.
Từ đó, các nhà thầu quan ngại “càng làm nhanh thì càng lỗ” nên có tâm lý làm cầm chừng, chờ có chính sách điều chỉnh giá vật liệu xây dựng và điều chỉnh giá hợp đồng. Bên cạnh đó, đặc thù của các công trình xây dựng cơ bản là đến những tháng đầu năm 2022 mới được giao kế hoạch vốn; do đó đến tháng 4, tháng 5, các kế hoạch như mời thầu, tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu… mới được triển khai nên giá trị giải ngân thấp.
Ngoài ra, theo Sở KH-ĐT, tỷ lệ giải ngân thấp hơn so với cùng kỳ do chủ yếu là ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2021, việc tái khởi động thi công các dự án trong những tháng đầu năm 2022 có độ trễ nhất định và chi phí đầu vào tăng cao.
Trong khi đó, Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM Nguyễn Khắc Hoàng nhìn nhận để kinh tế TP tăng trưởng bền vững cần thực hiện hiệu quả việc sử dụng tài sản trên cơ sở tăng cường thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Ông đề nghị cần đặt ra việc giải ngân là nhiệm vụ trọng tâm của phát triển kinh tế, TPHCM phải chỉ đạo rà soát, tháo gỡ các điểm nghẽn trong giải ngân.
Giám đốc Sở Tài chính Phạm Thị Hồng Hà cho biết trong tháng 6 sở sẽ tăng kiểm soát công tác chi giải ngân vốn đầu tư công, đôn đốc các chủ đầu tư lập hồ sơ thanh toán ngay khi nghiệm thu, không để tập trung vào cuối năm.
Phải xem lại năng lực và trách nhiệm
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng nhìn nhận một số hạn chế, bên cạnh đà phục hồi tốt của kinh tế 5 tháng đầu năm.
Cụ thể, kinh tế TPHCM có phục hồi, tăng trưởng so với quý 1-2022 nhưng phục hồi chậm so với cùng kỳ và so với tốc độ chung cả nước. Đặc biệt, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra.
Đồng chí Phan Thị Thắng đề nghị các sở ngành được giao nhiệm vụ nhanh chóng đề ra giải pháp mạnh mẽ hơn. “Phải thấy rằng, tiền kiếm được rất khó, có tiền mà không xài được thì phải xem lại năng lực và trách nhiệm”, đồng chí Phan Thị Thắng nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng, với các doanh nghiệp đã được bố trí vốn mà chưa giải ngân thì phải tự mình rà soát lại. Còn với các đơn vị phân bổ vốn cũng phải xem lại, khi đến thời điểm này vẫn chưa phân bổ vốn của năm 2022. Nếu không rà soát lại và đẩy nhanh tiến độ, đến cuối năm 2022 sẽ không thể hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra.
Về nhiệm vụ tháng 6, đồng chí Phan Thị Thắng đề nghị các sở, ban ngành tiếp tục triển khai kiểm soát tốt dịch Covid-19, phục hồi phát triển kinh tế. Trong tháng 6, Sở Y tế phải tổng hợp tất cả nội dung còn vướng mắc liên quan đến kinh phí phòng chống dịch, cùng Sở Tài chính đề xuất UBND TPHCM xử lý sớm, vì càng để lâu càng phức tạp, khó xử lý.
Giao Sở KH-ĐT chủ trì thành lập Tổ công tác của UBND TPHCM tháo gỡ vướng mắc, khó khăn thúc đẩy các dự án ODA. Sở KH-ĐT cũng được giao chủ trì tham mưu các giải pháp phát triển nguồn vốn đầu tư hơn 119.000 tỷ đồng trong trường hợp đề xuất Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương nới trần nợ công.
Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị các cơ quan tham gia nội dung này phải có trách nhiêm cao hơn. Đây là nội dung TPHCM rất quan tâm, nhiều lần đề xuất và đã được Chủ tịch Quốc hội đồng thuận về cơ chế, nhưng đến nay đã mấy tháng trôi qua mà các Sở vẫn chưa trình được.
Liên quan đến công tác cải cách hành chính, đồng chí Phan Thị Thắng yêu cầu Sở Nội vụ tham mưu để tổ chức hội nghị trong tháng 6, tìm giải pháp sau khi công bố xếp hạng các chỉ số PAPI, PCI, PAR-Index.
“TPHCM đề ra quyết tâm, nhưng các chỉ số chưa đạt như kỳ vọng, là điều rất đáng suy nghĩ. Ai là người làm nên những chỉ số này? – chính là chúng ta ở đây thôi”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng nói, và đề nghị Sở Nội vụ tổng hợp, có nhận định, đánh giá các giải pháp những năm qua đã đủ răn đe, đủ chuyển biến chưa hay cần giải pháp mạnh hơn.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng cũng yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì khẩn trương triển khai các chương trình, chính sách về nhà ở, xây dựng, ban hành các tiêu chí, quy trình đầu tư xây dựng Nhà lưu trú cho công nhân, nhà ở xã hội, ban hành đề án huy động các nguồn lực đầu tư của xã hội.
Đồng chí Phan Thị Thắng cũng đặc biệt lưu ý các đơn vị tập trung hoàn thiện các tờ trình đúng thời gian để trình HĐND TPHCM trước kỳ họp giữa năm. Đồng thời hoàn thành công tác tổng kết thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 54 của Quốc hội, tham mưu các cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM trong nội dung dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54.