Sáng 14-10, Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI (nhiệm kỳ 2020-2025) tổ chức Hội nghị lần thứ 9 mở rộng. Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM chủ trì hội nghị.
Hội nghị có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cùng lãnh đạo các cơ quan Trung ương.
Về phía TPHCM có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối từ điểm cầu chính tới 2 điểm cầu Trung tâm hội nghị 272 Võ Thị Sáu (quận 3). Tại hội nghị, các đại biểu đã dành một phút tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị BCH Đảng bộ TPHCM khóa XI lần 9 mở rộng, sáng 14-10-2021. Ảnh: VIỆT DŨNG
Tình hình kinh tế TPHCM dần được cải thiện
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình trình bày dự thảo báo cáo kinh tế - xã hội, ngân sách 9 tháng đầu năm và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2021.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM, kể từ khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, TPHCM nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước, các bộ, ngành Trung ương và sự hỗ trợ tích cực, nghĩa tình và trách nhiệm của các địa phương trong cả nước. Đồng thời TPHCM đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp.
Đến nay, công tác phòng chống dịch Covid-19 của TPHCM đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Trong đó hệ thống y tế được củng cố; số ca mắc mới Covid-19, nhập viện, chuyển nặng và tử vong có xu hướng giảm. Tỷ lệ tiêm vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên đạt trên 98% mũi 1 và trên 72% được tiêm mũi 2. Song song với đó, ý thức của người dân và doanh nghiệp về công tác phòng chống dịch được nâng cao.
Bên cạnh đó, công tác an sinh xã hội, cung ứng lương thực, thực phẩm được đảm bảo. TPHCM đã chủ động nghiên cứu, ban hành kế hoạch số 3066 về phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế với 11 chiến lược trên các lĩnh vực. TPHCM cũng đã ban hành Chỉ thị số 18 của UBND TPHCM về tăng cường kiểm soát, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.
Các đại biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
Phó Chủ tịch UBND TPHCM đánh giá, trong những ngày đầu triển khai thực hiện Chỉ thị số 18 đã góp phần tạo tinh thần phấn khởi cho người dân, các doanh nghiệp và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Số ca mắc mới giảm mạnh, số ca nhập viện hàng ngày đã thấp hơn số ca được xuất viện.
Đặc biệt, số ca tử vong liên tục giảm, bình quân dưới 100 ca/ngày. Các chốt kiểm soát nội thành đã được tháo gỡ, lưu thông thuận lợi; chủ động phối hợp với các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho người dân trên địa bàn TPHCM có nhu cầu về các địa phương và quay trở lại thành phố.
Đồng chí Lê Hòa Bình đánh giá, tình hình kinh tế dần được cải thiện, số doanh nghiệp, hộ kinh doanh mở cửa trở lại có xu hướng tăng nhanh. Chính quyền các cấp chủ động xây dựng các kế hoạch khôi phục kinh tế phù hợp với tình hình kiểm soát dịch tại địa phương. Ngành du lịch TPHCM cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi hoạt động trong điều kiện thích ứng an toàn Covid-19, trong đó ưu tiên các địa phương đã kiểm soát được dịch.
Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, thu chi ngân sách của TPHCM trong 9 tháng đầu năm 2021, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình cho biết, nhìn chung, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cùng với việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội liên tục trong thời gian dài đã tác động đến toàn bộ các hoạt động kinh tế xã hội, dẫn đến các chỉ tiêu kinh tế giảm sâu. Công tác kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn, dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống, tâm lý của người dân, sức chịu đựng của doanh nghiệp. |
Quang cảnh Hội nghị BCH Đảng bộ TPHCM khóa XI lần 9 mở rộng, sáng 14-10-2021. Ảnh: VIỆT DŨNG
Hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi kinh tế
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình cũng đã trình bày phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2021 để xin ý kiến hội nghị. Trong đó ban hành kế hoạch chi tiết triển khai 11 chiến lược phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM trong giai đoạn mới. Tập trung triển khai nghiêm, hiệu quả Chỉ thị số 18 của UBND TPHCM về tăng cường kiểm soát, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đồng chí, TPHCM triển khai mở cửa từng bước thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn theo phương châm "An toàn là trên hết", "An toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn". Bám sát tình hình thực tiễn để xem xét áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội phù hợp.
Trong đó TPHCM phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng, đảm bảo giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về hoạt động lưu thông hàng hoá, xuất nhập khẩu, vận tải hành khách, vận chuyển người lao động, chuyên gia, người đi khám chữa bệnh, người có nhu cầu về quê, lưu thông qua lại giữa các địa phương,… từng bước đưa sinh hoạt của người dân sang trạng thái bình thường mới.
Bên cạnh đó, TPHCM tiếp tục triển khai đồng bộ công tác phòng chống dịch theo từng lĩnh vực. Chủ động tiếp cận nguồn vaccine, thuốc đặc trị Covid-19, trang thiết bị và vật tư y tế. Triển khai tiêm vaccine cho trẻ em ngay khi có hướng dẫn của Bộ Y tế và có nguồn vaccine phù hợp. Chủ động trong công tác xét nghiệm và đánh giá cấp độ dịch thường xuyên theo đơn vị hành chính với quy mô phù hợp; kiểm soát chặt chẽ nguồn lây nhiễm. Tổ chức hiệu quả việc chăm sóc và quản lý F0 dựa vào cộng đồng.
Đối với công tác điều trị, tiếp tục phát huy hiệu quả của mô hình điều trị 3 tầng. Nâng cao năng lực điều trị của hệ thống các bệnh viện, nghiên cứu thành lập “Khoa Covid” tại các bệnh viện chuyên khoa Nhiễm và bệnh viện đa khoa. Xây dựng hệ thống cảnh báo và xác định ngưỡng năng lực điều trị Covid-19; có lộ trình phục hồi công năng của các bệnh viện trong tình hình mới, vừa sẵn sàng thu dung, điều trị người mắc Covid-19, vừa đảm bảo chức năng khám, chữa bệnh thông thường.
Triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi kinh tế: Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 105 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 01, 03 và 14 của Ngân hàng Nhà nước. Triển khai chính sách hỗ trợ lãi vay theo Chương trình kích cầu đầu tư của TPHCM ngay khi được HĐND TPHCM xem xét, thông qua.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án và thực hiện giải quyết các khó khăn vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư xây dựng. Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2021 đạt trên 95%.
Đồng thời, TPHCM tiếp tục triển khai hỗ trợ đợt 3 cho đối tượng là người có hoàn cảnh thật sự khó khăn; phát huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng thiết yếu phục vụ người khó khăn bởi dịch Covid-19; tiếp tục triển khai hiệu quả phong trào "lấy sức dân chăm lo cho dân, không ngừng cải thiện chất lượng sinh hoạt đời sống của người dân”.
Hội nghị lần thứ 9 mở rộng Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI (nhiệm kỳ 2020-2025), sáng 14-10-2021. Ảnh: VIỆT DŨNG
Một số nhiệm vụ, chỉ tiêu 9 tháng đầu năm vẫn cơ bản hoàn thành và là điểm sáng đáng ghi nhận: Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt gần 75% dự toán, tăng 7,96% so với cùng kỳ. Các dịch vụ ngân hàng đều duy trì hoạt động và tăng trưởng, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 3.045.000 tỷ đồng, tăng 4,71% so với cuối năm 2020; Giá trị sản xuất tại Khu công nghệ cao TPHCM ước đạt 16,215 tỷ đô la, tăng 12,51% so với cùng kỳ;.... Đối với Chương trình công tác năm 2021, đến nay đã hoàn thành 57/174 nội dung, tỷ lệ 32,76%. Nhiều nội dung phải tạm hoãn hoặc điều chỉnh thời gian thực hiện cho phù hợp do ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến tỷ lệ nội dung trễ hạn còn ở mức cao. |