Dịp này, thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, đồng chí Lê Hòa Bình đã trao kinh phí hỗ trợ mỗi xã, thị trấn 50 triệu đồng, hỗ trợ mỗi Ban điều hành ấp 5 triệu đồng và hỗ trợ mỗi cán bộ, công chức, người làm việc không chuyên trách ở các xã, thị trấn 1 triệu đồng. Đây là nguồn động viên kịp thời, ý nghĩa giúp đội ngũ cán bộ cơ sở giữ vững "pháo đài chống dịch" hướng tới chiến thắng đại dịch Covid-19. |
Ngày 2-9, đồng chí Lê Hòa Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đã đi thăm hỏi, động viên lực lượng phòng chống dịch tại cơ sở ở 2 xã Tân Nhựt và Tân Kiên (huyện Bình Chánh).
Cùng đi với đoàn có Bí thư Huyện ủy huyện Bình Chánh Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Đào Gia Vượng.
Tại các điểm đến thăm hỏi, thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, đồng chí Lê Hòa Bình gửi lời chúc sức khỏe đến cán bộ, công chức, lực lượng không chuyên trách của xã đã cùng tham gia chống dịch Covid-19.
Phó Chủ tịch UBNDTPHCM Lê Hoà Bình thăm và tặng quà tại xã Tân Kiên. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đồng chí cũng gửi lời cám ơn đến lực lượng tuyến đầu được tăng cường vào thành phố chống dịch. Đồng thời động viên tinh thần cán bộ, công chức, các lực lượng cơ sở, lực lượng tuyến đầu tiếp tục giữ vững niềm tin để nỗ lực vượt qua khó khăn, tiếp tục đồng hành cùng với người dân, của xã mình, huyện mình để cùng nhau nắm tay nhau vượt qua đại dịch Covid-19.
Kể từ ngày 23-8, TPHCM tăng cường thực hiện giãn cách, người dân “ai ở đâu ở đó”. Đồng chí Lê Hòa Bình bày tỏ rất thấu hiểu những khó khăn mà người dân đang đối mặt trong lúc này. TPHCM đã cố gắng triển khai các biện pháp chống dịch và nhận sự hỗ trợ rất lớn từ Trung ương. Tất cả đã chiến đấu với đại dịch, nỗ lực rất lớn thậm chí có những hy sinh mất mát.
Trong suốt thời gian vừa qua, lãnh đạo các cấp của Trung ương, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng đã có nhiều chuyến công tác vào TPHCM và cử hai Phó Thủ tướng ở lại thành phố để cùng chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cả nước đang hướng về miền Nam ruột thịt, không chỉ riêng TPHCM.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình chia sẻ những khó khăn, áp lực là đội ngũ cơ sở phải chịu, nhất là ở các xã, các huyện có địa bàn dân động, rộng lớn như huyện Bình Chánh. Đồng chí mong tất cả cố gắng đồng cam cộng khổ, tiếp tục lắng nghe những phản ánh, những khó khăn của người dân để kịp thời giải quyết.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình phát biểu trong buổi thăm và làm việc với xã Tân Nhựt. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đồng chí Lê Hòa Bình bày tỏ có niềm tin đến ngày 15-9, dịch bệnh sẽ cơ bản được kiểm soát tại TPHCM. Tất cả đã nỗ lực rồi, quyết tâm rồi, kể cả đã hy sinh rồi nhưng tình hình dịch bệnh vẫn chưa kiểm soát như mong muốn. Đồng chí động viên lực lượng cơ sở, phải có niềm tin, nỗ lực nhiều hơn nữa để cùng với người dân “là những chiến sĩ” giữ vững "pháo đài chống dịch", cùng với TPHCM hoàn thành mục tiêu theo Nghị quyết 86 của Chính phủ đã giao cho thành phố.
Theo đồng chí Lê Hòa Bình, để chống được đại dịch này, giảm tỷ lệ tử vong không gì khác phải hành động kịp thời hơn, quyết liệt hơn, là khi F0 cách ly tại nhà phải có oxy cho người dân, khi họ có triệu chứng phải chuyển đi cấp cứu ngay, phải tận tình chăm sóc giúp đỡ người dân.
Hiện nay TPHCM đã chuẩn bị rất tốt các trạm y tế lưu động, chuẩn bị các túi thuốc để phát cho F0 tại nhà, không thiếu. TPHCM cũng đã chuẩn bị rất kỹ khi có 8 trung tâm hồi sức tích cực, các giường bệnh ở tầng 2 cũng không thiếu, oxy cũng không thiếu thì không có lý do gì không nỗ lực hơn để kéo giảm tỷ lệ tử vong trong thời gian tới. Đồng chí nhấn mạnh, điều quan trong nhất trong lúc này đó là khâu phối hợp vận hành hệ thống để trơn tru hơn, hiệu quả hơn, đòi hỏi tất cả phải nổ lực gấp 10 lần để triển khai thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình tặng quà cho các ấp của xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng hơn đến với người dân để người dân hiểu rõ cách theo dõi sức khoẻ, cách tự chăm sóc. Để công tác tuyên truyền đến với từng người dân, vai trò của lực lượng cơ sở trong ấp rất quan trọng. Lúc này người dân đang cần nhất đó là túi an sinh, được đi chợ thay. Đồng chí cũng lưu ý lực lượng cơ sở phải bám sát địa bàn, nắm bắt từng nhu cầu của người dân để kịp thời hỗ trợ, không để bất cứ bà con nào thiếu đói.
Đồng chí Lê Hòa Bình cũng chia sẻ những điều rất đơn giản, những điều tưởng chừng như rất bình thường nhưng hiện nay không có được. Mọi người mong muốn được đi chợ, được chọn những bó rau, con cá, được mặc cả trả giá với người bán. Muốn làm được điều này, tất cả mọi người phải nỗ lực nhiều hơn nữa để cùng nhau giành chiến thắng đại dịch Covid-19, sớm trở lại cuộc sống bình thường. Đây là niềm vui là hạnh phúc nhất.
Trước đó báo cáo với đoàn công tác, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Đào Gia Vượng cho biết, từ đầu đợt dịch lần thứ 4, lãnh đạo huyện Bình Chánh đã chỉ đạo quyết liệt đối với các xã, thị trấn thực hiện nghiêm chỉ đạo của TPHCM trong công tác phòng, chống dịch.
Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Đào Gia Vượng báo cáo tình hình chống dịch Covid-19 và chăm lo an sinh trên địa bàn huyện. Ảnh: VIỆT DŨNG
Từ ngày 23-8 đến nay, huyện tăng cường công tác xét nghiệm ghi nhận số ca dương chiếm khoảng 3,3% trên tổng số mẫu test nhanh, tỷ lệ này tương đối thấp so với mặt bằng chung của thành phố. Các ca dương sau khi phát hiện sẽ chuyển sang trạm y tế lưu động để sàng lọc những trường hợp nào đủ điều kiện thì cho cách ly tại nhà, không thì chuyển vào khu cách ly tập trung của huyện.
Huyện Bình Chánh hiện có 10 khu cách ly. Trong đó có hai khu cách ly hoạt động như bệnh viện dã chiến huyện Bình Chánh đã cho xuất hiện hơn 7.000 F0, trong đó có gần 400 F0 rất nặng đã được điều trị khỏi.
Đặc biệt, tại Bệnh viện dã chiến huyện Bình Chánh đã điều trị khỏi và cho xuất viện 8 F0 cực kỳ nặng, trước đó phải thở máy. Đối với tiêm vaccine, huyện đã tiêm hơn 82% số người từ 18 tuổi trở lên và 98% cho người trên 65 tuổi, người có bệnh nền. Đến 15-9, huyện cố gắng hoàn ít nhất 90% số người tiêm vaccine.
Đến nay toàn huyện đã đạt 99% số người dân cần chăm lo hỗ trợ. Cụ thể, huyện đã chi hỗ trợ cho hơn 177.000 hộ nhận được 1,5 triệu đồng và túi an sinh. Ngoài ra, huyện cũng chi hỗ trợ cho người lao động tự do 1,5 triệu đồng với hơn 62.938 trường hợp.
Để giải quyết chăm lo hỗ trợ nhanh nhất có thể này, huyện Bình Chánh đã triển khai lịch trình thời gian cụ thể hỗ trợ cho từng tổ dân phố. Chính cách làm này vừa giúp huyện theo dõi sát sao công tác chăm lo hỗ trợ, hạn chế tối đa bỏ sót cũng như giúp người dân yên tâm, không lo lắng chờ đợi.