Chiều 23-12, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM giao ban với các địa phương về công tác phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội. Chủ trì buổi giao ban là đồng chí Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.
Phát ngay, phát kịp thời, phát đủ thuốc cho F0
Phát biểu kết luận buổi giao ban, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức ghi nhận và biểu dương nỗ lực của các địa phương, đơn vị đã giúp cho các chỉ số trong phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM trong tuần qua có cải thiện tốt hơn so với cả 2 tuần trước đó. Hai điểm sáng là xu hướng giảm F0 và giảm trường hợp tử vong.
Nhận xét kết quả này là sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, đồng chí Dương Anh Đức mong muốn các địa phương, đơn vị tiếp tục giữ tinh thần cảnh giác cao độ, phòng chống dịch với nỗ lực cao nhất để tiếp tục kéo giảm các chỉ số, nhất là thời điểm Giáng sinh, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2022. Đồng chí lưu ý, phải kịp thời nắm bắt tình hình thực tế để điều chỉnh quy mô, cách thực hiện sao cho phù hợp, đúng tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức nhấn mạnh đến công tác truyền thông, kêu gọi sự hợp tác của người dân để đảm bảo có các ngày lễ an toàn, không xảy ra các hệ lụy đáng tiếc. Tình hình tiếp tục tốt hơn cũng là cơ sở để TPHCM tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, bảo đảm đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.
Về việc bao phủ vaccine, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị các quận, huyện và TP Thủ Đức đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, phủ hết vaccine cho những người chưa tiêm đủ mũi và tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên, nhất là đối với người có nguy cơ. Việc tiêm liều bổ sung và liều nhắc lại phải làm thật nhanh, kết thúc trong tháng 1-2022. Sở Y tế TPHCM phối hợp với các địa phương để phân bổ vaccine tương ứng với năng lực tiêm tối đa; huy động lực lượng hỗ trợ các địa phương nếu chưa có đủ nhân lực tiêm vaccine.
Đối với thuốc điều trị, đồng chí yêu cầu phải phát ngay, phát kịp thời, phát đủ cho những người cần, nhất là người có nguy cơ cao.
Đối với các chính sách hỗ trợ cho y tế cơ sở, đồng chí Dương Anh Đức cho biết, TPHCM đang xin ý kiến của Bộ Y tế về chế độ chính sách cho y tế cơ sở, huy động y tế tư nhân tham gia phòng chống dịch.
Duy trì môi trường học tập tốt nhất có thể cho trẻ em.
Nhằm bảo vệ người thuộc nhóm có nguy cơ, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đề nghị các địa phương, đơn vị không buông lơi mà tiếp tục phát huy những kết quả ban đầu tích cực trong 2 tuần qua, thực hiện thành công chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ.
Trong đó, chú trọng các vấn đề liên quan tới vaccine, thuốc, chăm sóc F0 và chăm lo an sinh cho các trường hợp khó khăn. Đặc biệt, phải tiếp tục thu thập, ghi nhận và phân tích dữ liệu một cách ngày càng quy củ, chuẩn hóa hơn, phục vụ bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ và công tác phòng chống dịch nói chung.
Đồng chí Dương Anh Đức cũng nhấn mạnh việc đảm bảo không gián đoạn nguồn oxy trong điều trị Covid-19. Đồng thời, đề nghị ngành y tế tiếp tục phát huy mạng lưới thầy thuốc đồng hành để hỗ trợ theo dõi, tư vấn sức khỏe từ xa.
Hiện nay, tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của biến thể Omicron. Chính phủ đã giao các địa phương có sự chủ động, cân nhắc có biện pháp phòng chống dịch phù hợp nếu thấy cần thiết, theo tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, TPHCM đã triển khai thế trận y tế ứng phó với biến thể mới.
Đồng chí cũng yêu cầu các sở, ban, ngành cùng các quận, huyện và TP Thủ Đức cần nghiên cứu cân nhắc kỹ, bám sát diễn biến thực tế để xem xét có góp ý, điều chỉnh bổ sung các tiêu chí, điều kiện liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch theo Quyết định 4800 của Bộ Y tế.
“Một số loại hình hoạt động liên quan đến lĩnh vực văn hóa – thể thao hiện nay vẫn đang tạm dừng. Sở Văn hóa – Thể thao cần rà soát thực tế và có tham mưu cho UBND TPHCM, nêu rõ quan điểm tiếp tục dừng, hay mở cửa trở lại”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức nhấn mạnh. |
Đối với kế hoạch đưa học sinh trở lại trường học trực tiếp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo Sở GD-ĐT, Sở Y tế cùng các quận, huyện và TP Thủ Đức phối hợp, sơ kết 2 tuần thí điểm cho học sinh khối lớp 9 và 12 học trực tiếp trở lại; từ đó, tham mưu, đề xuất các bước tiếp theo cần làm để duy trì môi trường học tập tốt nhất có thể tại TPHCM cho trẻ em.
Cùng với đó, Sở LĐTB-XH TPHCM cần triển khai rốt ráo chính sách hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn bị tác động bởi dịch Covid-19, triển khai kế hoạch chăm lo tết một cách chu đáo.
F0 giảm, số ca tử vong giảm
Trước đó, báo cáo tại buổi giao ban, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện số ca mắc mới Covid-19 trên địa bàn TPHCM tiếp tục giảm. Tính đến ngày 23-12, thành phố đang quản lý 62.750 F0 điều trị tại 3 tầng. Trong đó, tại nhà có 49.535 người (chiếm gần 83%), cơ sở cách ly có 2.423 người; tại bệnh viện tầng 2 có 7.361 người (chiếm gần 12%); bệnh viện tầng 3 có 1.764 người (chiếm gần 3%).
Số ca tử vong trong tuần qua cũng giảm dần liên tục và đến ngày 23-12 có 44 ca/ngày (trong đó có 10 trường hợp từ tỉnh chuyển tới TPHCM), hiện còn 463 ca thở máy xâm lấn.
“Số F0 giảm, số ca tử vong cũng giảm dần liên tục, đây có phải là tự nhiên không”, Giám đốc Sở Y tế TPHCM nêu vấn đề và cho rằng, không khẳng định 100% nhưng chắc chắn có sự can thiệp của chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm có nguy cơ với hàng loạt hoạt động, đã giúp cho số ca tử vong giảm dần trong thời gian qua.
PGS-TS Tăng Chí Thượng cũng công bố kết quả khảo sát nhanh trong 1 ngày đối với 164 trường hợp nặng đang thở máy xâm lấn (khảo sát qua phỏng vấn người nhà từ xa). Theo đó, có 89% trường hợp đã tự xét nghiệm, biết mình là F0 trước khi nhập viện, chỉ có 11% là không biết. Tuy nhiên, trong số 89% trường hợp đã biết mình là F0, có tới 90% không khai báo y tế, chỉ có 10% khai báo. Đa số F0 muốn không khai báo y tế vì sợ bị cách ly cả nhà, nên đã giấu y tế địa phương và giấu cả người nhà; một số không khai báo y tế vì nghĩ rằng “có báo cũng không có thuốc”, hoặc muốn âm thầm tự điều trị. “Quy mô khảo sát tuy nhỏ nhưng nói lên nhiều vấn đề, đặc biệt là công tác truyền thông về cách ly, về cấp phát thuốc. Việc này cần được cải thiện để khi phát hiện mình là F0 thì khai báo sớm để được hỗ trợ”, Giám đốc Sở Y tế TPHCM nói. |
Không thiếu thuốc, không thiếu vaccine
PGS-TS Tăng Chí Thượng khẳng định: “TPHCM không thiếu vaccine và cũng không lo thiếu thuốc điều trị”.
Theo Giám đốc Sở Y tế TPHCM, thành phố đã nhận hơn 98.000 liều Molnupiravir và chuẩn bị tiếp nhận 25.000 liều. Về vaccine, thành phố có gần 1,2 triệu liều AstraZeneca, hơn 555.000 liều Pfizer, hơn 28.000 liều VeroCell; Bộ Y tế cũng sẽ tiếp tục cung ứng vaccine theo nhu cầu của TPHCM.
Giám đốc Sở Y tế TPHCM đề nghị các địa phương đẩy mạnh tiêm vaccine, đẩy mạnh cấp phát túi thuốc điều trị và cấp thuốc kháng virus Molnupiravir.
Về tiến độ chiến dịch bảo vệ nhóm người nguy cơ sau 15 ngày thực hiện trên địa bàn thành phố, tính đến ngày 22-12, các quận, huyện và TP Thủ Đức đã lập danh sách được 584.403 người thuộc nhóm nguy cơ. Trong số này, có gần 41.400 người đã được tiêm 1 mũi (chiếm 7%), hơn 518.300 người tiêm 2 mũi (chiếm gần 89%) và hơn 24.400 người chưa tiêm (chiếm 4%).
Qua xét nghiệm tầm soát 2 đợt với quy mô hơn 737.700 lượt người có nguy cơ, phát hiện hơn 3.900 lượt (0,53%) dương tính. Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, phát hiện này rất ý nghĩa, giúp chủ động can thiệp ngay đối với các F0 và chắc chắn sẽ giúp giảm trường hợp tử vong.
Ứng phó với biến thể Omicron, thành phố đã triển khai thế trận y tế ứng phó với biến thể mới. Ngành y tế tiếp tục huy động hơn 3.000 nhân viên từ các bệnh viện để luân phiên tới các bệnh viện dã chiến; triển khai đào tạo thực hành hồi sức cấp cứu bệnh Covid-19 cho các bác sĩ chuẩn bị luân phiên đến các bệnh viện dã chiến 3 tầng.
PGS-TS Tăng Chí Thượng cho biết, trong 2 tuần đầu thí điểm cho học sinh khối lớp 9 và 12 học trực tiếp trở lại, Sở GD-ĐT và Sở Y tế phát hiện 47 F0 (40 học sinh, 7 giáo viên). Các trường hợp đều được xử lý theo quy trình phát hiện F0 tại trường học và không gây xáo trộn gì.
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu: Làm sao cho học sinh được đến trường sớm nhất Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: CAO THĂNG Qua thí điểm cho học sinh khối lớp 9 và 12 học trực tiếp trở lại, có một số F0 ghi nhận ở trường và đều được xử lý theo quy trình, không để lây lan. Cách làm này giúp phụ huynh và học sinh yên tâm. Số lượng học sinh đến trường tăng dần, từ 80% vào ngày đầu và những ngày qua đã đạt 96%. |