Tại Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (quận Bình Thạnh), đồng chí Dương Anh Đức đánh giá cao công tác chuẩn bị của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường trong việc tạo môi trường học tập an toàn cho học sinh.
Cụ thể, ngoài một phòng y tế sẵn có, nhà trường đã bố trí thêm một phòng học làm phòng cách ly y tế để theo dõi các trường hợp nghi nhiễm Covid-19. Ngoài ra, khi phát hiện có trường hợp học sinh nghi nhiễm, toàn bộ học sinh của lớp đó sẽ được hướng dẫn di chuyển xuống các phòng dự phòng - vốn là phòng học tiếng Anh để được cơ quan y tế tiến hành lấy mẫu, điều tra dịch tễ.
Tại khu vực cổng trường, ông Nguyễn Văn Ngàn, ông nội bé Thanh Ngọc, học sinh lớp 2/8 cho biết, tối qua bé chủ động đi ngủ sớm. Sáng nay dù ba mẹ phải đánh thức nhưng bé thức dậy và vệ sinh cá nhân rất nhanh, uống một hộp sữa rồi được ông đưa đến trường. “Trên đoạn đường từ nhà đến trường, tôi có dặn lại cháu một số lưu ý cần thiết như đeo khẩu trang, rửa tay, tìm sự hướng dẫn của cô khi gặp vấn đề không ổn tại lớp. Tôi nghĩ nhiều phụ huynh vì thương con nên lo lắng chứ bản thân các cháu đến trường rất vui, tâm trạng nôn nao sau nhiều tháng không được gặp bạn bè và thầy cô”.
Năm nay, phòng học lớp 2/8 khác dãy nhà với phòng học cũ ở lớp 1 nhưng Thanh Ngọc không gặp khó khăn trong việc tìm phòng học mới do đã quen với trường lớp. Bé vui vẻ cho biết ngày đầu tiên sẽ được học bán trú, buổi chiều 16 giờ 30 được ông đến đón về.
Thầy Đặng Duy Phước, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, tổng số học sinh toàn trường là 2.607 học sinh, phân bổ ở 55 lớp. Qua khảo sát ý kiến phụ huynh, chỉ có 22 học sinh chưa đến trường học trực tiếp, trong đó có 11 trường hợp học sinh về quê ăn tết chưa kịp mua vé tàu, xe lên lại TPHCM, số còn lại phụ huynh chưa yên tâm cho con đến trường.
Thầy Phước khẳng định, nhà trường sẽ tạo mọi điều kiện, giúp những học sinh chưa thể đến trường học trực tiếp có thể theo dõi bài học và tiếp thu kiến thức như các bạn học trực tiếp.
Trong ngày đầu tiên học sinh trở lại trường học, Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu tổ chức bán trú với giờ ăn, giờ ra chơi lệch giờ để đảm bảo giãn cách học sinh. Đặc biệt, với đối tượng học sinh lớp 1, trong tuần đầu tiên nhà trường sẽ tổ chức cân đo để nắm bắt lại chiều cao, cân nặng, tình trạng sức khỏe của tất cả học sinh để có theo dõi phù hợp đối với những trường hợp thừa cân, béo phì, học sinh có bệnh mãn tính…
Để tăng cường công tác chăm sóc y tế, ngoài một nhân viên y tế làm việc theo biên chế, nhà trường đã tăng cường thêm một nhân viên thủ quỹ hỗ trợ công tác y tế nhằm theo dõi chặt chẽ và kịp thời xử lý khi có trường hợp học sinh bất thường về sức khỏe.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng thông tin, tỷ lệ khảo sát phụ huynh đồng thuận cho con đến trường ở bậc tiểu học đạt hơn 95%, tuy nhiên các trường sẽ tổ chức nhiều phương án đón học sinh, phân chia buổi học, thời gian đến trường và ra về cho từng khối lớp để đảm bảo giãn cách học sinh.
Tại Trường Mầm non Bé Ngoan (quận 1), ngày đầu tiên có 165 phụ huynh đăng ký cho con đến lớp trên tổng số 267 học sinh toàn trường, chiếm tỷ lệ 66%.
Hiệu trưởng Nguyễn Thị Mỹ Phương cho biết, nhà trường không tổ chức ăn sáng nhưng có tổ chức bán trú trong tuần lễ đầu tiên học sinh đến trường.
Khi vào cổng trường, phụ huynh phải khai báo y tế bằng một trong hai hình thức là sử dụng mã QR hoặc khai báo bằng phiếu đặt sẵn ở khu vực cổng, sau đó được phân luồng theo hai hướng tùy theo vị trí phòng học của các em.
Trao đổi với PV Báo SGGP, cô Dương Thị Ngọc Yến, giáo viên lớp Chồi 3 cho biết, ngày đầu tiên trường mở cửa hoạt động lại, có 15 phụ huynh đăng ký cho con đến lớp. Dự kiến trong tuần sau sẽ có thêm 11 học sinh đến lớp do các em đang ở quê, chưa kịp trở lại TPHCM. Như vậy, tỷ lệ học sinh đến lớp sẽ đạt hơn 80% trên tổng số 30 học sinh của lớp.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, mong muốn của TP là luôn tạo ra môi trường tốt nhất cho tất cả học sinh có thể đến trường và phát triển bình thường, vừa đảm bảo sức khỏe vừa phát triển các kỹ năng về văn hóa, ứng xử và giao tiếp.
Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, các trường học được phép mở cửa hoạt động theo tinh thần thích ứng, linh hoạt và an toàn, thực hiện đầy đủ các quy định về phòng chống dịch nhưng không tạo ra không khí quá căng thẳng cho cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh.
Để làm được điều đó, cần sự phối hợp chặt chẽ của phụ huynh và nhà trường cùng sự bắt tay của hai ngành giáo dục và y tế. Khi có trường hợp bất thường, nhà trường đảm bảo thực hiện theo đúng các quy định hướng dẫn của liên ngành, đảm bảo dạy học diễn ra liên tục, ổn định, không gây xáo trộn quá trình học tập của học sinh.
Ngoài ra, đồng chí Dương Anh Đức cũng lưu ý, tất cả bộ phận trong nhà trường phải quán triệt, nắm vững các quy định về phòng chống dịch, luôn cảnh giác, ứng xử kịp thời khi có tình huống xảy ra.
Qua ghi nhận thực tế ở hai đơn vị trường học, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết rất an tâm với sự chuẩn bị của các nhà trường, sự chủ động của các bộ phận trong việc nắm bắt quy trình phòng chống dịch, đảm bảo môi trường học tập an toàn cho học sinh.
Riêng đối với những học sinh chưa đến trường học trực tiếp, đồng chí Dương Anh Đức đề nghị các nhà trường tạo mọi điều kiện tối đa cho học sinh, đảm bảo hiệu quả học tập tốt nhất cho học sinh.