Đây là lần đối thoại thứ 3, kể từ ngày người dân chặn xe vào bãi rác.
Mở đầu buổi đối thoại, ông Nguyễn Tăng Bính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ nỗi bức xúc của người dân sống xung quanh khu vực Nhà máy rác Sa Huỳnh, khi ông cũng là người con quê hương của Đức Phổ. Ông cho rằng, trong lần đối thoại trước do Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì đã nói với người dân về quy trình dự án Nhà máy rác Sa Huỳnh, tuy nhiên trong quá trình giải quyết các vấn đề của bà con thì vẫn chưa tạo sự đồng thuận.
Ông Bính nêu rõ các vấn đề mà người dân xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ) mong muốn trong đó có vấn đề xử lý chất thải rác sinh hoạt, di dời Nhà máy, tránh ô nhiễm môi trường. Ông cho biết: “Nếu bà con đem xăng đốt để xử lý hơn 22.500m³ thì sẽ không giải quyết được hết, bởi muốn đốt lượng rác này thì nhiệt độ đốt phải hơn 1.000°C, theo cách người dân tự đốt rác sẽ gây ô nhiễm, đặc biệt là trẻ em”.
Tại buổi đối thoại, người dân xã Phổ Thạnh cũng tiếp tục có nhiều ý kiến. Ông Trần Huỳnh (69 tuổi, xã Phổ Thạnh), bức xúc: “Muốn làm dự án Nhà máy xử lý rác thì theo quy định pháp luật phải lấy ý kiến người dân, nhưng chính quyền không làm. Khi xây dựng Nhà máy thì khoảng cách không đảm bảo theo quy định, Nhà máy phải được đặt ở nơi cuối hướng gió, cuối dòng chảy sông suối, thế nhưng, dự án Nhà máy rác Sa Huỳnh lại đặt ngay đầu nguồn dẫn nước Sa Huỳnh, điều này ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt hằng ngày của người dân”.
Bà Trình Thị Bích Nuôi, nói thêm: “Đất xã Phổ Thạnh vốn chật, người đông, nếu cho đặt Nhà máy dài hạn đến 49 năm thì trong 5-10 năm tới, lượng dân cư tăng lên, người dân sẽ phải mở rộng đất ở dẫn đến thu hẹp khoảng cách từ khu dân cư đến bãi rác, mức độ ô nhiễm ngày càng trầm trọng”.
Nhiều người dân cho rằng, huyện Đức Phổ chỉ có thị trấn Đức Phổ và Sa Huỳnh có có dân cư đông nhất, tại sao lại đặt Nhà máy tại nơi đông dân cư trong khi các xã khác mật độ thưa thớt thì không chủ trương đặt. Về việc xử lý lượng rác cũ tồn đọng 22.500m³ rác, người dân cho rằng họ đều đóng tiền rác mỗi tháng, mỗi năm, tại sao khối lượng rác này vẫn còn tồn tại.
Ông Nguyễn Tăng Bính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, trả lời các câu hỏi của người dân, đồng thời đưa ra hướng giải quyết. Ông cho rằng, các ý kiến của người dân có cơ sở, dự án Nhà máy rác Sa Huỳnh đặt tại vị trí này là trong quy trình đề nghị từ xã lên huyện, đến tỉnh phải lấy ý kiến cộng đồng nhưng khi làm việc lại chỉ lấy ý kiến cán bộ là không đúng.
Ông chia sẻ: “Hồi xưa, bãi rác này chỉ chôn lấp rác xã Phổ Thạnh, sau đó lượng rác ở các huyện và thị trấn rất lớn nên kiến nghị Bộ TN-MT đưa về xử lý chôn lấp tại xã Phổ Thạnh, khi chôn lấp thì dẫn đến ô nhiễm. Nhận thấy điều này, tỉnh kêu gọi đầu tư đưa Nhà máy sử dụng công nghệ đốt vào xử lý”.
Về khoảng cách từ khu dân cư đến bãi rác, ông Bính cho biết: “Vừa qua, sau khi tiến hành đo đạc lại thì các đơn vị thấy rằng khoảng cách từ khu dân cư đến bãi rác hiện nhỏ hơn 500m như vậy là sai”. Đồng thời, Nhà máy chưa hoạt động chính thức, chỉ vận hành thử nghiệm và trong quá trình thử nghiệm, chủ đầu tư đưa rác từ bãi rác cũ lên để xử lý, gây ra mùi hôi thối cũng là không đúng”.
Qua đối thoại với người dân, ông Nguyễn Tăng Bính nói: “Theo yêu cầu của người dân, tôi sẽ yêu cầu Nhà máy không hoạt động nữa, đồng thời, đóng bãi rác cũ. Sau đó, giao cho Nhà máy lập kế hoạch di dời. Tuy nhiên, muốn di dời Nhà máy cần phải cho chủ đầu tư thời gian để họ tìm địa điểm”. Để đảm bảo với người dân về việc này, ông Bính cho biết, sau khi có kế hoạch cụ thể, ông sẽ yêu cầu Nhà máy và thông tin đến người dân Phổ Thạnh.
Mặc dù đã đưa ra các giải pháp thuận với lòng dân nhưng vẫn còn nhiều người tiếp tục phản đối với mong muốn Nhà máy phải di dời ngay lập tức.