Tuy nhiên, việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 đã gây tác động tiêu cực đến mọi mặt của sản xuất kinh doanh, đời sống người dân. Ngành y tế đang quá tải do phải thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch kéo dài; cơ sở khám chữa bệnh công lập thiếu trang thiết bị và nguồn nhân lực phục vụ phòng chống dịch.
Tại buổi làm việc, Bạc Liêu cũng kiến nghị Quốc hội và Chính phủ sớm hỗ trợ cho tỉnh nguồn kinh phí để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 thời gian tới; hỗ trợ kịp thời trang thiết bị, vật tư y tế cho tỉnh; ủng hộ, thúc đẩy tiến độ dự án Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận sự nỗ lực của tỉnh Bạc Liêu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt. Cùng với đó, tỉnh cũng quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng vừa giúp phát triển kinh tế- xã hội vừa đảm bảo quốc phòng- an ninh, nhất là các tuyến ven biển; kêu gọi được nhiều dự án năng lượng sạch; công tác an sinh xã hội được quan tâm và đạt nhiều kết quả trong công tác giảm nghèo.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng yêu cầu tỉnh Bạc Liêu phải tuyên truyền cho người dân hiểu rõ thông điệp 5K dù đã tiêm 2 mũi vaccine ngừa Covid-19, bởi tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp; cán bộ và người dân không được chủ quan, lơ là.
Bên cạnh đó, Bạc Liêu cần quan tâm mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, nhất là nguồn nhân lực và trang thiết bị; cắt giảm các chi phí khác để dành nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch; tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp ở cấp độ 3; xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2022 trong điều kiện có dịch Covid-19.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao 10 căn nhà Đại đoàn kết trị giá 500 triệu đồng và ủng hộ 1,5 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh Bạc Liêu.
Cùng ngày, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đã dẫn đầu đoàn công tác đến làm việc với Tỉnh ủy Sóc Trăng về việc thực hiện Nghị quyết số 30 của Quốc hội khóa XV và Nghị quyết số 128 của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, tính từ ca F0 đầu tiên (ngày 4-7-2021) đến nay tỉnh đã có hơn 10.680 trường hợp mắc Covid-19, trong đó đã điều trị khỏi hơn 7.200 ca, đang điều trị tại các cơ sở y tế 3.412 bệnh nhân.
Đặc biệt, từ đầu tháng 11 đến nay, tỉnh đã ghi nhận 5.108 ca mắc, trong đó có đến 71,6% ca ghi nhận trong cộng đồng. Tuy nhiên, với sự nỗ lực trong công tác khoanh vùng ổ dịch, xét nghiệm sàng lọc, thu dung, điều trị tình hình dịch cơ bản được kiểm soát tốt.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đã đánh giá cao công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Sóc Trăng. Dù gặp rất nhiều khó khăn như việc tiếp nhận lượng lớn người dân trở về quê, điều kiện kinh tế xã hội còn hạn chế, nhưng với sự chủ động, kịp thời, tỉnh đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.
Bên cạnh đó, địa phương đã tranh thủ, huy động được nhiều nguồn lực xã hội chung tay tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo... Sóc Trăng cũng là địa phương đi đầu trong thực hiện tiêm ngừa cho trẻ em, hiện cả tỉnh đạt tỷ lệ tiêm mũi 1 là 95%, mũi 2 hơn 65%.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Sóc Trăng trong thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội. Trong bối cảnh dịch Covid-19, Sóc Trăng vẫn có tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 4,03%, thực hiện đạt và vượt 16/23 chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ước đạt 95%, giá trị xuất khẩu đạt gần 1,2 tỷ USD (vượt 15% kế hoạch)…
Bên cạnh đó, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý: Sóc Trăng cần tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch an toàn, linh hoạt, có chiến lược kiểm soát dịch bệnh một cách hiệu quả, đặt nhiệm vụ trọng tâm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, khôi phục, phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời, tiếp tục quan tâm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, đặc biệt chăm lo tốt cho hơn 46.000 lao động từ vùng dịch trở về địa phương.
Dịp này, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hỗ trợ tỉnh Sóc Trăng 1 tỷ đồng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và 500 triệu đồng từ Quỹ “Vì người nghèo” để xây dựng nhà “Đại đoàn kết”.