Trưởng phòng Nội vụ UBND quận 1 Đỗ Thị Ánh Tuyết, cho biết quận 1 đã xác minh, kiểm tra nơi cư trú của ông Nguyễn Chí Việt theo hộ khẩu đăng ký (ở phường Cầu Kho, quận 1) và nơi tạm trú (phường Phú Mỹ, quận 7) thì xác định ông Việt cùng gia đình đã không còn ở những nơi này.
Ngoài ra, UBND phường đã gửi thư mời, biên bản tống đạt 3 lần đến nơi thường trú, tạm trú của ông Việt và có biên bản kiểm tra công vụ ghi nhận sự vắng mặt này song vẫn không nhận được phản hồi từ phía ông Việt. Vì vậy, Phòng Nội vụ quận 1 đã tham mưu cho UBND quận thành lập hội đồng kỷ luật để xử lý ông Việt theo quy định.
Tuy nhiên, quận 1 gặp lúng túng về việc áp dụng các quy định của pháp luật để xử lý kỷ luật.
Tại Điều 61 luật này quy định cụ thể hơn về cán bộ cấp xã gồm bí thư, phó bí thư đảng ủy; chủ tịch, phó chủ tịch HĐND; chủ tịch, phó chủ tịch UBND…
Đối chiếu với các quy định trên, ông Nguyễn Chí Việt là Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Thái Bình được xác định là cán bộ.
Theo Điều 78 của Luật Cán bộ, Công chức, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà cán bộ có thể bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc bãi nhiệm.
Trường hợp cán bộ phạm tội bị tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm. Nếu cán bộ bị tòa án phạt tù mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị thôi việc.
Tuy nhiên, Luật Cán bộ, Công chức chỉ quy định về các khung chung và việc áp dụng hình thức kỷ luật cụ thể phải căn cứ vào các hướng dẫn cụ thể, là nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ Nội vụ.
Đối với việc xử lý kỷ luật công chức, Chính phủ đã có các văn bản hướng dẫn như Nghị định số 112/2011 về công chức xã, phường, thị trấn và Nghị định 34/2011 về xử lý kỷ luật đối với công chức (không áp dụng cho cán bộ như ông Việt).
Cụ thể, nếu công chức tự ý nghỉ việc từ 7 ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà được cơ quan sử dụng công chức thông báo bằng văn bản 3 lần liên tiếp thì sẽ bị buộc thôi việc.
Đối với cán bộ cấp xã, năm 2003 Chính phủ có Nghị định 112/2003 quy định nghiêm cấm cán bộ, công chức cấp xã chây lười trong công tác, trốn tránh trách nhiệm hoặc tự ý bỏ việc. Trường hợp cán bộ, công chức tự ý bỏ việc thì bị xử lý kỷ luật, sẽ không được hưởng chế độ thôi việc và quyền lợi khác; đồng thời phải bồi thường chi phí đào tạo theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, cán bộ tự ý bỏ việc và đã được cơ quan, tổ chức, đơn vị gửi giấy gọi 3 lần mà không đến thì sẽ bị buộc thôi việc.
Sau đó, khi Luật Cán bộ, Công chức 2008 thay thế Pháp lệnh Cán bộ, Công chức ngày 26-2-1998 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, Công chức ngày 29-4-2003 thì các nghị định hướng dẫn về công chức đã được thay đổi bằng các Nghị định 34/2011 và Nghị định 112/2011.
Song đến nay, một số hướng dẫn về cán bộ theo Luật cán bộ, công chức 2008, đặc biệt là quy định xử lý cán bộ cấp xã vẫn còn bỏ ngỏ. Đây là nguyên nhân khiến quận 1 gặp lúng túng trong việc xử lý kỷ luật đối với ông Nguyễn Chí Việt.
Thực tế, các tỉnh, thành khác trên cả nước cũng gặp lúng túng tương tự nên ngày 5-12-2014, Bộ Nội vụ có công văn 5228/BNV-CQĐP hướng dẫn xử lý kỷ luật cán bộ cấp xã. Bộ Nội vụ cho rằng các quy định về xử lý kỷ luật cán bộ cấp xã theo Nghị định 114/2003 vẫn phù hợp với Luật Cán bộ, Công chức và chưa được Chính phủ thay thế, bãi bỏ nên nghị định này vẫn còn hiệu lực áp dụng.
Tuy nhiên, theo Luật Ban hành Văn bản Quy phạm pháp luật 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2016), các văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng hết hiệu lực theo. Điều này có nghĩa là khi Luật Cán bộ, Công chức 2008 có hiệu lực (từ ngày 1-1-2010) thì Pháp lệnh Cán bộ, Công chức hết hiệu lực và đương nhiên Nghị đinh 114/2003 cũng sẽ hết hiệu lực theo.
Như vậy, công văn công văn 5228/BNV-CQĐP hướng dẫn xử lý kỷ luật cán bộ cấp xã nêu trên của Bộ Nội vụ đã không còn phù hợp kể từ ngày 1-7-2016 (thời điểm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 có hiệu lực).
Chính việc thiếu các chế định pháp lý quy định về xử luật cán bộ cấp xã như trên đã khiến các địa phương lúng túng khi xử luật kỷ luật cán bộ cấp xã có hành vi vi phạm pháp luật.
Liên quan đến vấn đề này, UBND TPHCM cũng đã có văn bản kiến nghị Bộ Nội vụ sớm tham mưu Chính phủ ban hành nghị định xử lý kỷ luật cán bộ cấp xã. Nhưng đến nay nghị định mới vẫn chưa được ban hành.
“Vì vậy, Phòng Nội vụ quận 1 đã tham mưu để quận xin ý kiến ngành dọc là Sở Nội vụ có hướng dẫn cụ thể để xử lý đối với hành vi tự ý bỏ việc của ông Nguyễn Chí Việt”, bà Đỗ Thị Ánh Tuyết, Trưởng phòng Nội vụ UBND quận 1, thông tin.
Vậy trong trường hợp này, hành vi tự ý bỏ nhiệm sở của ông Nguyễn Chí Việt sẽ được xử lý ra sao?
Một cán bộ Sở Nội vụ cho biết, có thể “truy nguyên” về nguồn gốc của ông Việt và áp dụng các quy định xử lý kỷ luật công chức để xử lý.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ông Việt vốn là công chức của phường Nguyễn Thái Bình, ban đầu công tác ở tổ trật tự đô thị của phường này. Cách đây khoảng 2 năm ông Việt được bầu làm Phó Chủ tịch UBND phường, phụ trách mảng đô thị. Trước khi ông Việt tự ý bỏ việc (từ ngày 5-7), ông Việt được điều chuyển phụ trách công tác văn xã.
Do vậy, trước tiên, đối với hành vi tự ý bỏ việc nêu trên, HĐND phường Nguyễn Thái Bình có đủ căn cứ bãi nhiệm chức vụ phó chủ tịch UBND phường đối với ông Nguyễn Chí Việt. Căn cứ áp dụng là Nghị định 08/2016.
Trên cơ sở này, Chủ tịch UBND quận 1 sẽ xem xét, phê chuẩn kết quả bãi nhiệm và từ đó, cơ quan chức năng quận 1 tiếp tục thực hiện các bước xử lý kỷ luật (buộc thôi việc) đối với ông Việt.