Tham dự và chủ trì diễn đàn có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn… với sự tham gia của 300 nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2017 – 2022 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động.
Xoay quanh câu hỏi thế nào là người nông dân chuyên nghiệp, người nông dân cần phải làm gì để trở thành nông dân chuyên nghiệp…, "Diễn đàn Nông dân quốc gia" lần thứ VII đã tập trung thảo luận về các vấn đề quan trọng như: thúc đẩy liên kết giữa nông dân – doanh nghiệp, nông dân với nông dân để xây dựng chuỗi sản xuất hàng hóa; cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân thực hiện chuỗi liên kết, chi tổ hội nghề nghiệp, xây dựng nông nghiệp sinh thái, đào tạo nghề để nâng cao trình độ cho nông dân; hỗ trợ nông dân chuyển đổi số, có kiến thức giới thiệu, quảng bá, tiếp thị nông sản… để xây dựng hình ảnh người nông dân chuyên nghiệp.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết, để xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, phát triển nền nông nghiệp sinh thái, vấn đề đặt ra ở đây là yếu tố con người. Nông dân làm nông nghiệp, ở nông thôn thì đương nhiên họ đóng vai trò chủ thể trong xây dựng, hưởng thụ, giữ gìn thành quả nông thôn mới trong một tư duy, trình độ nhận thức, vốn hiểu biết tương đương để đảm nhận vai trò chủ thể của mình.
Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16-6-2022, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ quan điểm về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là: “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, trong đó mục tiêu xây dựng nông dân và dân cư nông thôn có trình độ được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nhấn mạnh vai trò “làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn” của nông dân và dân cư nông thôn.
Bộ NN-PTNT cũng đang xây dựng một dự thảo đề án về tri thức hóa nông dân, Hội Nông dân Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ để nâng cao trình độ sản xuất, tiếp cận thị trường của nông dân. Do vậy, chủ đề được chọn cho diễn đàn năm nay là “người nông dân chuyên nghiệp” với mục tiêu xây dựng nông dân văn minh cũng như tri thức hóa nông dân mà Nghị quyết 19 của Đảng đặt ra.
Thực tế, để đạt được mục tiêu xây dựng người nông dân chuyên nghiệp còn nhiều thách thức, khi nông dân còn gặp những khó khăn về vốn, nguồn lực đất đai trong phát triển sản xuất, thiếu kiến thức kỹ thuật, kỹ năng tiếp cận thị trường để nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như tiếp thị nông sản.
Mục đích của "Diễn đàn Nông dân quốc gia" lần thứ VII là tiếp tục nhìn nhận, đánh giá những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc của nông dân trên con đường xây dựng hình ảnh người nông dân chuyên nghiệp gắn với phát triển một nền nông nghiệp sinh thái hiện đại.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh, "Diễn đàn Nông dân quốc gia" lần này diễn ra trước thềm Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi lần thứ VI (2022-2027) là một hoạt động có ý nghĩa hết sức thiết thực.
Theo Phó Chủ tịch nước, diễn đàn diễn ra trong bối cảnh Đảng, Nhà nước đang tập trung chỉ đạo phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau 2 năm nước ta chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Đặc biệt, mới đây, tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua Nghị quyết số 19-NQ/TW về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn 2045 với quan điểm xác định nông dân là chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới; gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn.
Vì thế, Phó Chủ tịch nước cho rằng cách đặt vấn đề và chọn chủ đề “Người nông dân chuyên nghiệp” tại diễn đàn lần này rất kịp thời và trúng vấn đề nhằm cụ thể hóa việc thực hiện và đưa Nghị quyết 19 vào cuộc sống.
Phó Chủ tịch nước đề nghị trong khuôn khổ diễn đàn này cần tập trung làm rõ 7 vấn đề gồm:
Một là, Đảng, Nhà nước tiếp tục khẳng định vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ưu tiên hàng đầu và đề nghị các bộ ban ngành, các địa phương bắt tay ngay vào thực hiện Nghị quyết 19 tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng với mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp phấn đấu đạt bình quân khoảng 3% mỗi năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân 5,5 - 6% mỗi năm; thu nhập bình quân của người dân nông thôn đến năm 2030 phấn đấu tăng gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020. Do đó, chúng ta cần tập trung trao đổi, thảo luận cần làm những gì để đạt được các mục tiêu kể trên.
Hai là, với chủ đề “Người nông dân chuyên nghiệp”, cần tập trung thảo luận làm rõ nội hàm, khái niệm thế nào là người nông dân chuyên nghiệp, tri thức hóa nông dân là gì và làm thế nào để mỗi người nông dân thay đổi tư duy, chuyển đổi mình thành những nông dân chuyên nghiệp?
Ba là, giải quyết vấn đề nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại và bền vững đòi hỏi phải thực hiện các giải pháp, chính sách đồng bộ, lâu dài. Đối với vấn đề thúc đẩy liên kết, đề nghị bản thân mỗi người nông dân chúng ta cần chủ động hơn nữa trong việc tham gia vào chuỗi liên kết giữa chính những người nông dân với nhau và giữa nông dân với doanh nghiệp, nhà khoa học. Nhà nước sẽ đóng vai trò là cầu nối, hỗ trợ để thực hiện quá trình liên kết đó.
Mặt khác, các cấp, ngành, địa phương phải sâu sát và chủ động để thúc đẩy mạnh hơn nữa quá trình liên kết, hình thành các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp quy mô và hiệu quả nhằm mục tiêu cụ thể hóa mục tiêu đã được nêu trong Nghị quyết 20 tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Theo đó, đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên.
Bốn là, đối với các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách về vốn, đất đai, các cấp, ngành, địa phương sau khi lắng nghe ý kiến của người nông dân, cần có những giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người nông dân. Trong đó, trọng tâm cần lưu ý là vướng ở đâu gỡ ở đó, khó ở khâu nào xử lý ở khâu đó. Cần tập trung ưu tiên về vốn cho phục vụ sản xuất nông nghiệp, vấn đề này cũng đã được nêu lên ở nhiều diễn đàn và phía ngân hàng cũng đang có những giải pháp tích cực để tháo gỡ.
“Đối với vấn đề đất đai, như chúng ta đã biết, vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã có Nghị quyết 18 về đổi mới cơ chế quản lý đất đai và đã giao Chính phủ khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để thông qua trong năm 2023. Trong đó, vấn đề về tập trung, tích tụ đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp sẽ có những quy định cụ thể để khuyến khích quá trình này”, Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Năm là, vấn đề tri thức hóa người nông dân đã được nói nhiều đến trong thời gian gần đây. Vấn đề cơ bản, cốt lõi ở đây là người nông dân cần thay đổi tư duy, nhận thức theo hướng chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Quá trình sản xuất nông nghiệp phải được gắn với công tác đào tạo nghề nhằm hình thành những nông dân có tri thức, trình độ, đó là những người nông dân dám nghĩ, dám làm, đi đầu trong các phong trào thi đua, lao động, đổi mới, sáng tạo.
Chỉ khi người nông dân được trang bị đầy đủ kiến thức, phương tiện, khoa học kỹ thuật, khi đó chúng ta mới có thể chuyển sang sản xuất nông nghiệp mang tính chất hàng hóa, chuyên nghiệp.
“Tôi đề nghị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ NN-PTNT sớm hoàn thiện và cụ thể hóa chương trình, đề án tri thức hóa người nông dân. Bên cạnh đó, có các chính sách để thu hút các lao động có trình độ, tri thức về lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, làm việc tại các hợp tác xã”, Phó Chủ tịch nước phát biểu chỉ đạo.
Sáu là, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2021-2026) đã khẳng định về việc “Xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại”. Đây cũng là năm thứ 2 cả nước tập trung vào thực hiện nghị quyết, trong đó không thể thiếu vị trí của người nông dân và vai trò trong tổ chức, phát động các phong trào của Hội Nông dân Việt Nam.
Các cấp hội nông dân cần phát huy hơn nữa vai trò trong phát động, dẫn dắt các hội viên nông dân cùng thi đua phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn mới theo hướng văn minh, hiện đại; tập trung xây dựng các mô hình nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao để biến mỗi vùng quê, mỗi ngôi làng thành một nơi đáng sống.
Bảy là, sau diễn đàn hôm nay, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của bà con nông dân để tổng kết thành những vấn đề mang tính lý luận, từ đó phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng các chính sách, giải pháp để trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết kịp thời cho người nông dân, phục vụ sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả và bền vững.