Phố đi bộ trên đường Bùi Viện (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TPHCM) được đưa vào hoạt động từ tháng 8-2017, trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách nước ngoài và giới trẻ thành phố tụ tập vui chơi giải trí vào những tối cuối tuần. Tuy nhiên, vẫn có những điều bất ổn cần khắc phục.
Mua bán xô bồ
Không phải đợi tới lúc đường Bùi Viện được đưa vào khai thác làm phố đi bộ trong những tối cuối tuần thì du khách mới đông. Trước đó, đường Bùi Viện và các con đường khác quanh khu vực này đã tự phát thành “phố Tây”, luôn tấp nập du khách. Việc đưa đường Bùi Viện vào khai thác phố đi bộ cuối tuần là định hướng rất đúng đắn, phù hợp, dấu hiệu khởi sắc của ngành du lịch TPHCM, mở thêm một loại hình thú vị cho du khách vui chơi giải trí.
Điều đáng tiếc là qua 8 tháng hoạt động, phố đi bộ Bùi Viện vẫn chưa đi vào quy củ, còn khá lộn xộn. Những ngày đường Bùi Viện không tổ chức phố đi bộ thì hàng rong đã bày bán tràn lan, lẽ ra vào các tối cuối tuần theo định kỳ tổ chức phố đi bộ thì phải cấm bán hàng rong để con đường nhỏ này còn có lối đi thuận tiện cho du khách, nhưng thực tế hàng rong vẫn bán tràn lan. Mặc dù người của ban tổ chức đã dựng barie, cắt cử người canh giữ ở 2 đầu lối vào phố đi bộ để ngăn xe máy, hàng rong tràn vào, nhưng những người bán hàng rong vẫn lén lút len vào trong mời khách mua hàng. Hàng hóa họ bán là những thứ ăn vặt, trái cây, kẹo cao su, khô mực, khô cá nướng và hàng lưu niệm. Việc bán hàng rong tràn lan trên phố đi bộ không chỉ gây lộn xộn, nhếch nhác, mất mỹ quan mà nhiều khi còn khiến khách không vui, thậm chí bực bội vì bán hàng theo kiểu chặt chém, đeo bám, mời dai... Đó còn chưa kể một số trẻ em, người già, người tàn tật xin ăn cũng xuất hiện nhan nhản.
Tuyến phố đi bộ này dài 1.400m, được đầu tư gần 10 tỷ đồng để lát đá và các chỉnh trang khác. Vậy mà nhiều chủ kinh doanh đã nhân cơ hội những tối cuối tuần làm phố đi bộ đã chiếm dụng lòng lề đường. Họ kê bàn ghế không chỉ trên phần vỉa hè trước cửa tiệm mình, mà họ còn bày bàn ghế ngổn ngang ở phần lòng đường để khách vào ăn nhậu, uống nước. Một cửa tiệm làm vậy không bị nhắc nhở, nên nhiều cửa tiệm khác cũng đua nhau chiếm dụng lòng lề đường, khiến chiều ngang của con phố vốn hẹp, càng trở nên chật chội đến mức không còn lối cho khách bộ hành. Vậy mà không hiểu sao ban tổ chức không quyết liệt ngăn cấm, nhắc nhở các chủ tiệm để con phố được thông thoáng, khách tới vui chơi có lối đi.
Thiếu đảm bảo an toàn và vệ sinh
Trong những tối cuối tuần, phố đi bộ Bùi Viện có nhiều trò vui chơi giải trí do một số đội, nhóm ca múa tới phục vụ du khách. Các trò vui chơi tiêu khiển ở phố đi bộ là cần thiết, là nét văn hóa riêng, sinh động, mang lại tiếng cười, niềm vui cho du khách. Thế nhưng, có trò tiêu khiển của những người bán kẹo kéo khá nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp tới du khách, đó là trò ngậm, phun xăng múa lửa. Người biểu diễn ngậm xăng rồi phun ra tạo mồi lửa cháy bùng, sáng rực, tạo vòng tròn lửa trên không trung, trên mặt đường. Việc múa lửa trên phố đi bộ đông người rất nguy hiểm, bởi những đốm lửa từ người biểu diễn có thể rơi trúng du khách hoặc vật liệu dễ bắt lửa, dẫn đến tai họa khó lường.
Lối ra vào ở 2 đầu con phố đi bộ có đặt những thùng chứa rác lớn, nhưng trên đoạn đường dài 1.400m ấy lại không có thêm thùng rác lưu động nào. Trên con phố này có vô số quán hàng ăn uống, vì vậy chủ quán cứ dồn rác thải ở lề vỉa hè, thậm chí xả tràn lan xuống lòng đường. Du khách đi bộ không tìm thấy thùng rác ở đâu nên khi ăn uống xong cũng đành phải bỏ bao bì vào chỗ nào đó. Vẫn biết rằng, tới rạng sáng ngày hôm sau sẽ có nhân viên vệ sinh quét dọn thu gom, nhưng vẫn cần có thêm thùng rác đặt ở bên trong con phố đi bộ để khắc phục cảnh rác vương vãi, ngập ngụa nhìn rất khó coi vào khung giờ mà mọi người đi, ngồi ăn uống, vui chơi.