Phó Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Nguyễn Đức Tuy băng rừng tìm giải pháp nâng tầm du lịch, giúp đồng bào thoát nghèo

Ngày 13-2, ông Nguyễn Đức Tuy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum cùng đoàn công tác đã trực tiếp khảo sát các điểm du lịch trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông và làm việc với địa phương về các giải pháp nâng tầm du lịch, giúp người dân thoát nghèo.

ghhhh.jpeg
Ông Nguyễn Đức Tuy (bên phải), Phó Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum xem, kiểm tra quy hoạch tuyến du lịch trên bản đồ số

Băng rừng đi khảo sát

Theo đó, đoàn công tác đã trực tiếp lội bộ trên con đường mòn xuyên rừng dài khoảng 4km nối từ thác Tea Prông (thôn Tân Ba, xã Tê Xăng) đến khu vườn dâu của Hợp tác xã dược liệu và du lịch Forest stay (thôn Đăk Chum 1, xã Tu Mơ Rông).

Đây là sản phẩm du lịch Khám phá tuyến đi bộ xuyên rừng, xuyên thác mà UBND huyện Tu Mơ Rông đang khảo sát, để đưa vào phục vụ khách trong thời gian tới.

a7.jpeg
Ông Nguyễn Đức Tuy (bên trái), Phó Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum băng rừng khảo sát du lịch

Trực tiếp thuyết minh dự án với đoàn công tác, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, tham gia hoạt động du lịch này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những thác nước tuyệt đẹp, những cánh rừng cổ thụ ngút ngàn; những vườn dâu đỏ rực, vườn sâm Ngọc Linh rộng lớn và được nghỉ ngơi trên những căn nhà rẫy xinh xắn.

Hoạt động này cũng sẽ mang lại cho du khách cảm giác thư giãn, có những giây phút trải nghiệm đáng nhớ bên người thân khi cùng nhau khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, hít thở bầu không khí trong lành của núi rừng và tự tay chọn lựa những loại dược liệu, hoa quả quý để chăm sóc sức khỏe.

a4.jpeg
Vị trí đoàn khảo sát tuyến du lịch đi bộ là khu vực rừng với nhiều cảnh quan đẹp

Đoàn công tác cũng đã thăm, lắng nghe câu chuyện người dân Làng tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng) tất bật đón khách du lịch sau 1 tháng được tỉnh công nhận là Làng du lịch cộng đồng.

Ông Nguyễn Đức Tuy, Phó Bí thư Tỉnh ủy nói, ông rất vui khi thấy đồng bào Xơ Đăng nơi đây có cuộc sống ổn định hơn trước; đồng thời định hướng huyện Tu Mơ Rông cần có nhiều hoạt động đầu tư vào làng, để giúp người dân có thêm điều kiện đón khách, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

a9.jpeg
Băng qua những con đường mòn

Thông tin thêm với đoàn, ông Võ Trung Mạnh cho biết, hiện nay, để giúp ngôi làng có thêm nhiều sản phẩm thu hút khách, ngoài việc đã trồng hoa hồng Bulgaria, huyện đang tổ chức trồng hơn 1.500 cây hoa anh đào tại làng, kỳ vọng biến nơi đây thành làng du lịch có nhiều hoa anh đào và hoa hồng Bulgaria lớn nhất Tây Nguyên.

Cứ đến mùa hoa, Tu Thó sẽ bao phủ trong những gam màu hồng và mùi thơm ngào ngạt của hoa hồng, hoa anh đào. Còn người dân sẽ có thêm nguồn thu bán hoa hồng để làm nước hoa, mỹ phẩm bên cạnh phục vụ du lịch.

a3.jpeg
Những cánh rừng thông rộng ngút ngàn

Dịp này, Đoàn công tác của Tỉnh ủy Kon Tum trực tiếp trồng những cây hoa anh đào cổ thụ trong dự án trồng 1.500 cây hoa anh đào tại làng, nhằm “tiếp sức” cho Làng du lịch cộng đồng Tu Thó xây dựng cảnh quan phát triển du lịch.

Xây dựng liên kết du lịch liên vùng

6.jpeg
Khu vực khảo sát làm tuyến du lịch xuyên rừng, xuyên thác có hệ sinh thái đa dạng, với những cây cổ thụ

Sau chuyến khảo sát, cùng ngày, đoàn công tác trực tiếp làm việc với huyện Tu Mơ Rông về các giải pháp để nâng tầm du lịch địa phương này.

Ông Võ Trung Mạnh cho biết, huyện xác định du lịch là một trong các hướng phát triển để giúp đồng bào Xơ Đăng thoát nghèo.

Những năm qua, huyện đã triển khai nhiều hoạt động để phát triển du lịch như đầu tư hạ tầng du lịch; đào tạo nhân lực chất lượng cao; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với thế mạnh của địa phương; hợp tác với Sở VH-TT-DL và Cục Du lịch để quảng bá tiềm năng du lịch…

gfgg.jpeg
Con thác nơi đoàn khảo sát

Nhờ đó, hơn 4 năm trước, từ chỗ du lịch chỉ ở dạng tiềm năng, chưa được du khách biết đến, nay du lịch Tu Mơ Rông đã có bước phát triển.

Trong đó, hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo, mới lạ, được du khách yêu mến như du lịch dã ngoại, du lịch tham quan thác, ngắm vườn quốc bảo sâm Ngọc Linh lớn nhất thế giới.

Trên địa bàn huyện hình thành các điểm du lịch, tham quan hút khách nằm ở các xã Đăk Na, Tê Xăng, Măng Ry, Tu Mơ Rông.

Thông qua du lịch, văn hóa đồng bào Xơ Đăng được bảo tồn, đồng bào Xơ Đăng có thêm nguồn thu, nhiều hộ thoát nghèo.

a1.jpeg
Ông Nguyễn Đức Tuy (bên phải, Phó Bí thư Tỉnh ủy tặng quà cho người dân thôn Đăk Chum 1, nơi đoàn tham gia khảo sát du lịch

Bà Bạch Thị Mân, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Kon Tum cho biết, huyện Tu Mơ Rông có tiềm năng du lịch và thời gian qua, thương hiệu du lịch của huyện được nhiều du khách biết đến, chọn làm nơi nghỉ dưỡng, tham quan, trải nghiệm.

Như dịp tết Nguyên Đán vừa qua, ngoài Măng Đen, các địa phương khác cũng thu hút đông khách, trong đó có Tu Mơ Rông.

Đây là sự nỗ lực của địa phương trong việc thúc đẩy phát triển du lịch gắn bảo tồn văn hóa, nâng cao thu nhập cho đồng bào Xơ Đăng.

a2.jpeg
Đoàn công tác tặng quà cho người dân thôn Đăk Chum 1

Cũng theo bà Bạch Thị Mân, năm nay, tỉnh đặt mục tiêu đón 3 triệu lượt khách. Ngành du lịch tỉnh cũng đang xây dựng hình ảnh là điểm đến an toàn, thân thiện, mến khách.

Do đó, trong thời gian tới, để đạt mục tiêu trên và giúp đồng bào thoát nghèo nhờ du lịch, huyện Tu Mơ Rông cần nỗ lực xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút khách.

Riêng Sở VH-TT-DL tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ huyện trong việc quảng bá tiềm năng du lịch; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nhân lực phục vụ du lịch; kết nối các đơn vị lữ hành đến địa bàn khai thác tour du lịch.

fsd.jpeg
Ông Nguyễn Đức Tuy, Phó Bí thư Tỉnh ủy trồng hoa anh đào cổ thụ trong dự án trồng 1.500 cây hoa anh đào tại Làng tái định cư Tu Thó, để giúp làng tạo cảnh quan, phục vụ du lịch

Ông Nguyễn Đức Tuy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, cho biết, qua khảo sát thực tiễn, có thể khẳng định, Tu Mơ Rông sở hữu tiềm năng lớn để phát triển du lịch.

Ngành du lịch huyện đã xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, nhất là mô hình du lịch vườn sâm Ngọc Linh; du lịch trải nghiệm; du lịch dã ngoại; tham quan di tích.

Các hoạt động du lịch đã giúp đồng bào Xơ Đăng có nguồn thu từ việc bán dược liệu quý; nền văn hóa đặc sắc của đồng bào Xơ Đăng được bảo tồn rộng khắp.

aaaa.jpeg
Bà Bạch Thị Mân, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Kon Tum trồng hoa anh đào tại Làng tái định cư Tu Thó, giúp làng tạo cảnh quan, phục vụ du lịch

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Tuy đánh giá, dù có những bước chuyển mình nhưng du lịch Tu Mơ Rông vẫn chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng mà vùng đất đang sở hữu.

Đó là các điểm du lịch còn ít, hạ tầng giao thông du lịch đã xuống cấp, gây khó khăn trong thu hút đầu tư du lịch; thiếu cơ sở lưu trú; chưa hình thành mối liên kết du lịch chặt chẽ với Măng Đen và các khu vực lân cận để tạo thành chuỗi du lịch xuyên vùng.

Đây là nút thắt huyện cần tập trung tháo gỡ để giúp nền du lịch bứt phá.

adfef.jpeg
Đoàn khảo sát chụp ảnh lưu niệm sau khi trồng hoa anh đào cổ thụ tại Làng tái định cư Tu Thó

Ông Nguyễn Đức Tuy cũng định hướng các giải pháp để địa phương triển khai, nhằm nâng tầm ngành du lịch Tu Mơ Rông trong thời gian tới. Đó là tăng cường truyền thông tiềm năng du lịch, qua đó kêu gọi nhà đầu tư chiến lực, có tiềm lực, tâm huyết để vào địa bàn đầu tư du lịch.

Bên cạnh đó, huyện cần tiếp tục xây dựng thêm các loại hình du lịch độc đáo khác bên cạnh những loại hình đã và đang khai thác, nhằm tạo sự đa dạng, giúp du khách có nhiều sự lựa chọn khi đến địa bàn.

Trong đó, có thể xây dựng thêm sản phẩm du lịch “cây sâm nhà tôi”, để người dân có sâm vừa quảng bá được đặc sản địa phương, vừa thu hút khách, nâng cao thu nhập.

hhhh.jpeg
Đoàn khảo sát lắng nghe đại diện huyện Tu Mơ Rông thuyết minh về đề án phát triển du lịch

Ngoài ra, huyện cần xây dựng, nhân rộng đội ngũ phục vụ du lịch chuyên nghiệp, để khách được phục vụ chu đáo, góp phần củng cố thương hiệu là điểm đến an toàn, thân thiện, mến khách.

Đặc biệt, cần xây dựng chuỗi liên kết du lịch liên vùng với Măng Đen và các vùng lân cận, nhằm tận dụng ưu thế du lịch của mỗi vùng, qua đó cùng thúc đẩy phát triển du lịch.

tgdfs.jpeg
Tại vị trí khảo sát, đoàn lắng nghe huyện Tu Mơ Rông nêu phương án triển khai các hoạt động du lịch

Ông Nguyễn Đức Tuy nhấn mạnh, phát triển du lịch phải gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường rừng và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc Xơ Đăng bản địa.

Do đó, huyện cần tập trung bảo vệ, phát triển rừng; xây dựng các chuỗi liên kết để người dân tham gia các hoạt động du lịch, giúp đồng bào hưởng lợi thực sự từ du lịch.

Tin cùng chuyên mục