Sáng 9-12, Cơ quan Thường trực tại miền Nam của Tạp chí Cộng sản, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM phối hợp cùng Trường ĐH Sài Gòn tổ chức hội thảo khoa học về Giải pháp khoa học xây dựng không gian văn hoá Hồ Chí Minh tại TPHCM.
Tham dự và chủ trì hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; PGS.TS Phạm Hoàng Quân, Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn; TS Phùng Ngọc Bảo, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thường trực miền Nam, Tạp chí Cộng sản.
Không gian văn hoá Hồ Chí Minh còn mang tính “đồng phục”
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về tính cấp thiết phải xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TPHCM theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI. Đánh giá bước khởi đầu của quá trình xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh; nhận diện những thành tựu, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện, qua đó, đề xuất các giải pháp sát hợp, mang tính chiến lược góp phần xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
Tham luận tại hội thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo nhấn mạnh, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở TPHCM là công trình lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM, là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và kéo dài nhiều nhiệm kỳ.
Thời gian qua, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh có những kết quả đáng ghi nhận. Đó là việc xây dựng những công trình, thiết chế văn hóa vật thể gắn với cuộc đời, sự nghiệp của Bác. Cùng với đó, đã có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, chương trình nghệ thuật về Bác như thơ ca, nhạc, kịch, điện ảnh, cải lương... rất hay và đi vào lòng người. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai nhiều năm đã đạt được những kết quả nhất định và có nhiều tấm gương điển hình sinh động trên các lĩnh vực.
Tuy nhiên, công trình, thiết chế văn hóa gắn với Bác còn ít, tác phẩm văn học nghệ thuật chưa tương xứng với cuộc đời và tầm vóc của Bác, việc học tập và làm theo Bác cần phải triển khai sâu rộng hơn nữa. Những hạn chế cho thấy cần nâng cao nhận thức và hành động, cần làm tốt hơn công tác quy hoạch, kế hoạch, đầu tư, tổ chức thực hiện, cần phấn đấu để vươn tới những giá trị chân- thiện- mỹ trong tác phẩm văn học nghệ thuật, trong khắc họa hình tượng Bác...
Để thực hiện hiệu quả nội dung này, trước hết là xây dựng văn hóa, con người Thành phố phát triển toàn diện gắn với tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phát triển KT-XH gắn với xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Điều này đòi hỏi Đảng bộ và nhân dân TPHCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính tri “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo Kết luận số 01 của Bộ Chính trị gắn với phẩm chất của người dân TPHCM. Đó là phẩm chất kiên cường, tiên phong, là năng động, sáng tạo, nghĩa tình gắn với việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình.
Theo TS Nguyễn Văn Sáng, Trường ĐH Kinh tế TPHCM, các không gian văn hoá Hồ Chí Minh hiện nay còn mang tính “đồng phục”, thường là một góc đọc sách, phòng trưng bày.
TS Nguyễn Văn Sáng cho rằng phải có giải pháp để lan toả không gian văn hoá Hồ Chí Minh đúng với mục tiêu cần xây dựng bộ tiêu chí về xây dựng không gian văn hoá; thực hiện tốt mục tiêu xây dựng không gian văn hoá Hồ Chí Minh hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Trong khi đó, TS Trương Thị Hiền cho rằng, cần lan toả văn hoá giao tiếp, ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Không thể xây dựng không gian văn hoá Hồ Chí Minh khi không có sự lan toả văn hoá giao tiếp, ứng xử của Người đến người dân TPHCM. Mà chủ thể lan toả văn hoá này chính là cán bộ, công chức của Thành phố”, TS Trương Thị Hiền bày tỏ.
Xây dựng con người văn hóa phải là giá trị cốt lõi
Phát biểu tổng luận hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu đánh giá cao tham luận của các tác giả. Theo đồng chí, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh có thể xem là công trình lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM. Vì lẽ đó, có nhiều ý kiến tại hội thảo đã nêu rõ, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh chính là góp phần lan tỏa giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Đồng thời, phân tích vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong việc phát triển văn hóa nói riêng và phát triển TPHCM nói chung.
Đề cập đến góc độ tiếp cận là một thành tố của văn hóa nói chung, có ý kiến cho rằng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là động lực phát triển của thành phố mang tên Bác. Do đó, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải gắn với công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; gắn với xây dựng thành phố nghĩa tình, nhân ái, văn minh; nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Cùng với đó, là phát huy vai trò của các lực lượng trong xây dựng, phát triển không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Ở đây, phải huy động toàn bộ các lực lượng, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tham gia vào nhiệm vụ quan trọng này, với sự dẫn dắt, định hướng, gương mẫu của các cán bộ, đảng viên. Với quan điểm nhân dân là chủ thể và là lực lượng thực hiện của các hoạt động, cần có giải pháp phù hợp để người dân đồng lòng, chủ động tham gia và có thể thụ hưởng được ngày càng nhiều các giá trị, lợi ích của việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cũng đồng thuận với ý kiến của các đại biểu cho rằng, trong quá trình xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh cần tránh tính phô trương, hình thức, mà phải đi vào chiều sâu.
Đồng chí khẳng định Thành ủy TPHCM nghiêm túc tiếp thu và sẽ chỉ đạo các tổ chức đảng, các địa phương, các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, vận dụng và triển khai thực hiện theo điều kiện thực tiễn của mình.
Phân tích rõ về khái niệm văn hoá, trong đó có văn hoá nhân danh và văn hoá địa danh với các chủ thể khác nhau, GS Trần Ngọc Thêm cho rằng không gian văn hoá Hồ Chí Minh tại TPHCM là chủ thể kép gồm nhân danh Chủ tịch Hồ Chí Minh và cộng đồng người ở TPHCM tiếp nhận giá trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Loại hình chủ yếu là các hệ giá trị văn hoá phi vật thể. Do đó, cần phải rà lại nhân danh Hồ Chí Minh có những giá trị văn hoá phi vật thể nào và các địa phương TPHCM có những giá trị văn hoá phi vật thể nào. So sánh hai giá trị này và chọn ra những giá trị chung, thì đó là giá trị của văn hoá phi vật thể của không gian văn hoá Hồ Chí Minh. GS Trần Ngọc Thêm nêu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: THU HƯỜNG GS Trần Ngọc Thêm cũng nhận xét, TPHCM có ưu điểm nhanh chóng có sự hưởng ứng rộng rãi của các địa phương, đơn vị khi không cần chờ có hướng dẫn mà đã chủ động xây dựng, điều này thể hiện tình cảm, sự quý trọng của nhân dân đối với Bác Hồ. Song, việc xây dựng không gian văn hoá Hồ Chí Minh tại TPHCM hiện đang còn nhiều bất cập, đó là các không gian còn mang tính hình thức, thiếu chiều sâu, các nơi đang thực hiện một cách rập khuôn, chỉ quan tâm đến số lượng mà chưa chú ý đến chất lượng. Từ đó, GS Trần Ngọc Thêm cho rằng xây dựng không gian văn hoá Hồ Chí Minh cần đi vào chiều sâu, cần gắn với hệ giá trị phi vật thể. Các không gian cần tăng tính sáng tạo, muốn vậy cần tìm ra đặc điểm riêng về chủ thể, không gian, thời gian của địa phương, đơn vị mình. Cùng với đó, cần nâng cao chất lượng bằng việc đầu tư có trọng điểm chứ không nên làm dàn trải. Cần xây dựng không gian văn hoá theo hướng hiện đại và tiện lợi. |