
* PHÓNG VIÊN: Thưa đồng chí, sau khi nghiên cứu dự thảo nghị quyết, đồng chí nhận định như thế nào về ý nghĩa của dự án này đối với sự phát triển của TPHCM?
* Đồng chí NGUYỄN THỊ LỆ: Đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bền vững TPHCM và cả vùng Đông Nam bộ. TPHCM là đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, nên việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị (metro) là yêu cầu cấp bách nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thực tiễn xây dựng metro tại TPHCM gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do thiếu cơ chế phù hợp. Vì vậy cần có các cơ chế đặc thù để tháo gỡ các rào cản, giúp thành phố chủ động và đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng hệ thống metro.
* TPHCM có tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức được đưa vào vận hành từ ngày 22-12-2024. Chúng ta đã rút được kinh nghiệm gì từ việc triển khai và vận hành dự án này?
* Sau thời gian chờ đợi rất lâu, tuyến metro số 1 đi vào vận hành đã nhanh chóng phát huy hiệu quả, được đón nhận rất tích cực, thể hiện ở số lượng hành khách sử dụng cao hơn dự kiến, góp phần giảm đáng kể áp lực giao thông khu vực phía Đông thành phố. Điều này cho thấy người dân sẵn sàng chuyển đổi sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng nếu hệ thống metro được đầu tư bài bản, thuận tiện, đồng bộ và đúng tiến độ.

TPHCM còn có dự án tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đi qua nhiều khu dân cư có mật độ cao, là tuyến “xương sống” giúp giảm áp lực giao thông khu vực phía Bắc - Tây thành phố. Việc sớm khởi công xây dựng tuyến metro này là yêu cầu cấp thiết của TPHCM và mong mỏi rất lớn của nhân dân thành phố và khu vực lân cận. Tuy nhiên, dù hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, nhưng hiện chưa có cơ chế đủ mạnh để triển khai đầu tư xây dựng nhanh chóng tuyến đường sắt đô thị này. Các tuyến metro còn lại vẫn chỉ dừng ở mức quy hoạch, chưa thể triển khai do thiếu nguồn lực và cơ chế thực hiện.
Thực tế này góp phần khẳng định, nếu không có những giải pháp đột phá, hệ thống metro sẽ tiếp tục là những “dự án trên giấy”, không thể sớm đầu tư để phát huy vai trò thực sự trong việc hiện đại hóa hệ thống giao thông đô thị TPHCM.
Kinh nghiệm lớn nhất từ dự án metro số 1 mà chúng ta rút ra được để thực hiện tuyến metro số 2 và các tuyến tiếp theo là việc chủ động về nguồn vốn. Nếu chủ động về vốn thì chúng ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều từ phí và đặc biệt là làm chủ được công nghệ từ đầu. Từ thực tiễn đó, TPHCM đã đề xuất Trung ương cho chuyển đổi hình thức đầu tư tuyến metro số 2 từ vay ODA sang đầu tư công.
* Vậy theo đồng chí, những cơ chế được đề xuất trong dự thảo nghị quyết lần này đã đủ mạnh?
* Các cơ chế trong dự thảo mang tính đột phá mạnh. Cụ thể là đã cho phép TPHCM huy động vốn linh hoạt, bao gồm phát hành trái phiếu đô thị; khai thác quỹ đất dọc các tuyến metro, thành lập Quỹ phát triển metro; cho phép áp dụng cơ chế chỉ định thầu trong một số trường hợp để rút ngắn thời gian triển khai. Dự thảo cũng đề xuất đơn giản hóa thủ tục phê duyệt đầu tư, phân cấp cho TPHCM và Hà Nội trong quyết định đầu tư, triển khai các dự án metro; thí điểm cơ chế đặc thù về thủ tục đầu tư, giúp TPHCM chủ động hơn trong việc kêu gọi và triển khai các dự án đường sắt đô thị…
Những cơ chế đề xuất trong dự thảo, nếu được Quốc hội thông qua, sẽ là một bước tiến lớn để TPHCM có thêm quyền hạn và công cụ tài chính để triển khai hệ thống metro nhanh hơn. Thành phố cũng sẽ có những biện pháp cụ thể để thực hiện ngay các cơ chế này ngay khi được thông qua, quyết tâm thực hiện hiệu quả nhất các cơ chế mà Quốc hội cho TPHCM để phát triển đường sắt đô thị.
* Một số ý kiến ĐBQH còn e ngại việc dự thảo trao quyền quyết định phương thức lựa chọn nhà thầu, lựa chọn nhà đầu tư cho địa phương?
* Trong trường hợp này, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện thì cho phép chỉ định thầu là cần thiết. Đúng là hình thức này thường được cho là dễ dẫn đến tiêu cực; do đó cần có cơ chế để đảm bảo công khai, minh bạch, có hệ thống giám sát chặt chẽ. Chẳng hạn như thực hiện công khai, minh bạch trong quá trình chỉ định thầu bằng cách công bố rộng rãi danh sách nhà thầu được chỉ định và lý do lựa chọn trên các cổng thông tin chính thống để xã hội giám sát. Xây dựng tiêu chí lựa chọn minh bạch, đảm bảo chỉ định nhà thầu có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm, công nghệ và cam kết tiến độ; công khai hợp đồng và tiến độ thực hiện dự án để tránh việc đội vốn hoặc kéo dài thời gian không rõ lý do...
Việc chỉ định thầu (nếu được cho phép thực hiện) sẽ có điều kiện, tiêu chí, quy trình chặt chẽ nhằm lựa chọn đúng nhà thầu; HĐND TPHCM sẽ tăng cường giám sát, phối hợp với Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan chức năng để đảm bảo việc chỉ định thầu khách quan, không để xảy ra tiêu cực. Nếu tổ chức, cá nhân lợi dụng để trục lợi sẽ bị xử lý theo pháp luật.
* Theo Bộ GTVT, kinh phí để đầu tư, thực hiện các dự án với dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư hệ thống đường sắt đô thị của 2 thành phố trên 3 triệu tỷ đồng. Đây là con số rất lớn, làm sao để đảm bảo nguồn lực tài chính?
* Đường sắt đô thị không chỉ phục vụ cho hai thành phố, nên ngân sách trung ương hỗ trợ là hợp lý. Sau khi dự thảo nghị quyết được Quốc hội thông qua, lãnh đạo thành phố sẽ triển khai ngay các nhiệm vụ như xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể, có cam kết tiến độ rõ ràng từ nay đến năm 2035 cho 7 tuyến metro với chiều dài 355km.
Về vốn, chúng tôi sẽ nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển metro TPHCM, có sự tham gia của ngân sách trung ương, địa phương và khu vực tư nhân; khai thác giá trị gia tăng từ bất động sản dọc tuyến metro (đấu giá quỹ đất, hợp tác phát triển TOD dọc tuyến và xung quanh nhà ga metro…), huy động nguồn lực xã hội như PPP, phát hành trái phiếu đô thị và doanh thu (vé, quảng cáo, cho thuê mặt bằng, dịch vụ tiện ích đi kèm…) từ khai thác các tuyến metro đã vận hành.